Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tổng Bí thư: Bình tĩnh, tỉnh táo để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất
Thứ năm: 14:53 ngày 07/10/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
"Tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Sáng 7/10, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương bế mạc sau khi hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả chủ yếu Hội nghị đã đạt được.

Tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan

Về kinh tế - xã hội năm 2021 - 2022, Tổng Bí thư cho biết, Ban Chấp hành Trung ương hoan nghênh, biểu dương, đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những nỗ lực, đóng góp to lớn, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ và cộng đồng các doanh nghiệp cả nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong phòng, chống đại dịch Covid-19 thời gian qua.

Đồng thời, Trung ương chia sẻ sâu sắc những tổn thất, mất mát về người và của mà nhân dân ta đã phải gánh chịu; ghi công, tôn vinh những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành Y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở đã dũng cảm hy sinh quên mình vì sinh mệnh, sức khoẻ và cuộc sống yên bình của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Mặt khác, Trung ương cũng đã tập trung phân tích những ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, hết sức nguy hiểm, và bàn về những chủ trương, chính sách  tổng thể, căn cơ, bài bản hơn để quyết liệt phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, định hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Hội nghị thống nhất nhận định, do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý 3 tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%).

Kinh tế - xã hội đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập, nhất là học trực tuyến của học sinh, sinh viên và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản.

Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh.

Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Dự báo, không hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2021.

Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của dịch bệnh là chủ yếu, cũng có nguyên nhân chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; có lúc, có nơi còn lơ là, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất.

Bên cạnh đó, cũng còn hạn chế, bất cập trong dự báo, phân tích tình hình để xây dựng và triển khai thực hiện có bài bản các phương án ngắn hạn cũng như dài hạn, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư lưu ý, trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình hiện nay và có tính khả thi cao để tiếp tục tập trung ưu tiên phòng, chống dịch bệnh và khắc phục có hiệu quả ảnh hưởng của dịch bệnh.

"Tuyệt đối bình tĩnh, tỉnh táo, không được lơ là, chủ quan, nóng vội, phấn đấu kiểm soát về cơ bản được dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc trong thời gian sớm nhất có thể để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cùng với đó, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ thiết thực, có hiệu quả cho nhân dân, người lao động và doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu, vượt qua khó khăn, thách thức, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hoá và các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Không để lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới

Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối; do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, "thích ứng an toàn, linh hoạt" hoặc "sống chung" với dịch bệnh.

Vì vậy, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh,  từ bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế đúc rút được thời gian qua, cần phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để xây dựng các phương án, kịch bản phù hợp đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022 sao cho sát hợp, khả thi nhất có thể.

Các đại biểu dự hội nghị.

Trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, Trung ương yêu cầu kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.

Ngoài ra, Trung ương cũng lưu ý, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; tập trung ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch... Từ đó thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi.

Tổng Bí thư nhấn mạnh đến việc có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Cùng với đó, sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu Covid-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Ngoài ra, Trung ương cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót, lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ; chỉ đạo, hướng dẫn và có giải pháp phù hợp cho việc đi học bình thường của học sinh, sinh viên...

Nguồn Vietnamnet

Tin cùng chuyên mục