PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Nhà báo lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam
Thứ sáu: 15:25 ngày 26/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Suốt cả tuần nay, trời phương Nam mưa cứ sụt sùi, như lòng người rưng rưng thương tiếc.

Nhà báo Nguyễn Phú Trọng nhận Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí.

Tháng 7 linh thiêng, tháng tri ân của cả dân tộc, cũng là tháng người dân Việt Nam đau buồn, thương tiếc tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- nhà lãnh đạo tài ba, mẫu mực, người cộng sản kiên trung suốt đời vì nước, vì dân về cõi vĩnh hằng. 

Trước khi trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà báo, từng là một biên tập viên cho đến Tổng biên tập tờ Tạp chí lý luận của Đảng, "Tạp chí Cộng sản". Vì thế mà những người làm báo càng tự hào, kính trọng, thương tiếc Tổng Bí thư - nhà báo lớn của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Với bút danh Trọng Nghĩa, Nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết "Tình đồng chí" được in trên Tạp chí Cộng sản, số 10 năm 1979. 45 năm qua, bài viết vẫn còn nguyên giá trị.

Tổng Bí thư luôn thấu hiểu và sẻ chia sâu sắc với những người làm báo, “là chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá của Đảng”, một nghề khó nhọc và gian nan nhưng rất vinh quang và tự hào. Chính vì vậy Tổng Bí thư  luôn quan tâm cả về tinh thần lẫn vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí Việt Nam hoạt động, phát triển, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.

Năm 1998, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, phụ trách khối Tư tưởng - Văn hoá và Khoa học - Giáo dục đã đồng chủ trì hội thảo "Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo", cùng với cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Tại hội thảo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trình bày tham luận, nhắn nhủ tâm huyết với báo chí và người làm báo những thông điệp mà đến hôm nay, sau gần 1/4 thế kỷ vẫn còn mang tính thời sự và báo chí Việt Nam đang phấn đấu để thực hiện.

 Theo Tổng Bí thư, "người ta đã đề xướng và đang thực hiện "một nền báo chí có giải pháp", tức là báo chí không chỉ phê phán hiện thực mà còn phải nêu ra những giải pháp. Có nhà báo đã kết luận rằng: "Thay vì chỉ ra cái sai với hy vọng ai đó sẽ sửa, báo chí có giải pháp chỉ ra cái đúng với hy vọng ai đó có thể làm theo" (trang 342, sách kỷ yếu: "Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo" do Hội nhà báo Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 1998). Theo Tổng Bí thư, báo chí tạo ra hy vọng chứ không gây ra thất vọng. Báo chí giúp chữa lành các vết thương xã hội nhiều hơn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần gũi với mọi tầng lớp Nhân dân.

Cho đến nay, giới báo chí cả nước vẫn nhớ mãi bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội X Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 9.8.2015. Tổng Bí thư khẳng định: “90 năm qua, Báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, Nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội”.

Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận; đồng thời là công cụ tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển và mong muốn giới báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang và cao cả của mình”.

Tổng Bí thư mong muốn anh chị em làm báo “cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là một chiến sĩ cách mạng.

Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện đối với hoạt động báo chí; Nhà nước quản lý báo chí bằng pháp luật. Nghề làm báo là một nghề cao quý, thiêng liêng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh loại bỏ cái xấu, bảo vệ cái tốt, vì sự nghiệp chung của đất nước, của Nhân dân”. 

Viếng lễ tang của Bác qua truyền hình, đọc những bài viết, xem những hình ảnh, thước phim về Bác mà rưng rưng nước mắt.

Những lời chia buồn, giọt nước mắt nghẹn ngào của không chỉ đồng bào trong nước mà của cả kiều bào ta ở nước ngoài đã nói lên tất cả tình cảm dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng– người đã sống trọn một cuộc đời vì nước, vì dân!

Nguyễn Thế

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục