Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Tình đoàn kết Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá'
Thứ hai: 17:30 ngày 18/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước chúng ta cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà là "hai nước anh em, đồng chí".

Sáng 18/7 tại Hà Nội, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962- 5/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam- Lào (18/7/1977- 18/7/2022).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Tình đoàn kết Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá' ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm trọng thể sáng nay tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đọc diễn văn tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước sông Mekong, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, hai nước có truyền thống bang giao hoà hiếu, gắn bó mật thiết với nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc.

Ôn lại kỷ niệm về tình hữu nghị quý báu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, nhân dân hai nước đã cùng kề vai sát cánh ngay từ những ngày đầu đầy thử thách, gian nan bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở mỗi nước.

Hai Đảng, hai nước đã hỗ trợ nhau từng bước khôi phục kinh tế - xã hội sau chiến tranh, đồng thời từng bước hình thành và phát triển mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực trọng yếu như kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục đào tạo, quốc phòng an ninh và đối ngoại...

Xuất phát từ nhu cầu hợp tác sâu rộng và cấp thiết giữa hai nước trong tình hình mới, ngày 18/7/1977, Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó nêu rõ: "Hai bên cam kết ra sức bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, không ngừng tăng cường tình đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, sự hợp tác lâu dài và giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt trên tinh thần của chủ nghĩa quốc tế vô sản và theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Tình đoàn kết Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá' ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Như Ý

Trong suốt 45 năm qua, Hiệp ước này đã trở thành một tài sản quý giá và có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc để hai nước không ngừng mở rộng quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện. Hiệp ước cũng là tiền đề để hai nước ký kết hàng loạt các văn kiện và thoả thuận hợp tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục đào tạo….

Bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam và tư tưởng Kaysone Phomvihane ở Lào, hai Đảng, hai nước tiếp tục kề vai, sát cánh bên nhau trong công cuộc đổi mới, cùng đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trong phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, an toàn và trật tự xã hội, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no và bình yên cho nhân dân mỗi nước.

Những thành tựu đó có được không chỉ nhờ sự nỗ lực của mỗi Đảng, mỗi nước, mà còn nhờ những đóng góp quan trọng của mối quan hệ hợp tác chí tình, chí nghĩa Việt Nam - Lào trong suốt chiều dài 45 năm qua kể từ khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác.

"Nhìn lại những chặng đường lịch sử hào hùng mà hai dân tộc đã cùng đi qua, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về mối quan hệ mẫu mực, vô cùng trong sáng, hết mực thuỷ chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.

Quan hệ đặc biệt Việt - Lào đã được các Lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong trực tiếp đặt nền móng; được dày công gây dựng, giữ gìn, vun đắp bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu của các thế hệ quân và dân hai nước; thực sự trở thành tài sản vô giá, mối quan hệ "có một không hai" trong lịch sử thế giới.

Đúng như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: "Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như vậy".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Tình đoàn kết, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước chúng ta cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng, mà là "hai nước anh em, đồng chí".

Quyết tâm gìn giữ và phát huy mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, son sắt Việt Nam - Lào

Nhận thức sâu sắc rằng, mỗi thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay của Việt Nam đều gắn liền với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, kịp thời, chí tình chí nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào anh em, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đối với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào và nhân dân Lào anh em.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Tình đoàn kết Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá' ảnh 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Như Ý

"Nhân dân Việt Nam hôm nay và mãi mãi mai sau luôn luôn ghi nhớ và khắc sâu lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" và câu nói chí tình của Chủ tịch Souphanouvong: "Tình nghĩa Việt - Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn đoá hoa nào thơm nhất", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam và Lào tiếp tục phát triển vững chắc, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, nổi bật là quan hệ chính trị không ngừng được củng cố và nâng cao, từ "quan hệ hữu nghị truyền thống" thành "quan hệ hữu nghị vĩ đại" từ tháng 2/2019, ngày càng trở nên tin cậy gắn bó, tiếp tục giúp định hướng cho các lĩnh vực hợp tác khác; hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ đặc biệt giữa hai nước; hợp tác kinh tế tiếp tục được quan tâm thúc đẩy và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước; hợp tác về giáo dục đào tạo-lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa hai nước, cũng như hợp tác văn hoá, y tế, giao thông vận tải, năng lượng ngày càng được củng cố và đẩy mạnh; quan hệ giữa các địa phương, nhất là giữa các tỉnh giáp biên giới hai nước ngày càng trở nên gắn bó khăng khít.

"Dù thế giới có đổi thay thế nào chăng nữa, chúng ta vẫn quyết tâm cùng nhau gìn giữ và phát huy mối quan hệ đặc biệt thuỷ chung, son sắt Việt Nam - Lào theo đúng như ý nguyện của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: "Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt - Lào sẽ mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường; nhân loại đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như chiến tranh, xung đột cục bộ, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, các vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiếu hụt năng lượng, lương thực, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước chúng ta càng cần phải đoàn kết, gắn bó, tăng cường hợp tác hơn nữa để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; cùng nhau làm hết sức mình để bảo vệ và không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

"Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc đổi mới của Lào; đồng thời hết sức coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em giữa hai Đảng, hai nước chúng ta.

Chúng tôi luôn luôn mong muốn hợp tác, hỗ trợ đất nước Lào với tinh thần "giúp bạn là giúp mình", xem đây là nhiệm vụ chiến lược; mong muốn cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào không ngừng bồi đắp tin cậy chính trị, đẩy mạnh hợp tác an ninh quốc phòng, tăng cường kết nối hai nền kinh tế, không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác giáo dục đào tạo, cùng nhau xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng; cùng phấn đấu để các thành tựu hợp tác ngày càng tương xứng với tầm vóc của quan hệ đặc biệt Việt - Lào, cũng như kỳ vọng của Lãnh đạo và Nhân dân hai nước", Tổng Bí thư nêu rõ.

Tình nghĩa Lào – Việt Nam mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông

Phát biểu tại buổi lễ, ông Bounthong Chitmany, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào đã ôn lại kỷ niệm về tình hữu nghị quý báu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào; khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào khắc cốt ghi tâm và biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu là người gây dựng và là mẫu mực sáng chói trong giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào chúng ta trở thành tài sản chung vô giá, là quy luật tồn tại và phát triển của hai nước, là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng mỗi nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: 'Tình đoàn kết Việt Nam - Lào là tài sản chung vô giá' ảnh 4

Ông Bounthong Chitmany, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Như Ý

Ông Bounthong Chitmany nhấn mạnh, sau khi hai nước bước vào kỷ nguyên mới trong thời hòa bình, độc lập và xây dựng phát triển tiến lên thịnh vượng, nhằm bảo vệ kết quả cuộc cách mạng và là nền tảng phát huy quan hệ hợp tác Lào- Việt Nam đi vào chiều sâu, hai nước đã cùng ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Thủ đô Vientiane ngày 18/7/1977, đến hôm nay vừa tròn 45 năm.

Hiệp định này là cơ sở quan trọng cho quan hệ hợp tác toàn diện, phù hợp với nguyên tắc quốc tế, Hiệp ước được triển khai vào đời sống thực tế và ngày càng có hiệu quả hơn, đã trở thành yếu tố bổ trợ quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng phát triển ở hai nước Lào – Việt Nam.

"Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào chúng tôi luôn kiên định và coi đây là trách nhiệm của mình trong việc phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào- Việt Nam được trải qua bao thử thách và dày công vun đắp bằng mồ hôi xương máu của các chiến sĩ anh hùng cũng như nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam biết bao thế hệ để mãi được trường tồn; mang lại lợi ích thiết thực tối đa cho nhân dân hai nước, để xứng với câu thơ bất hủ của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào – Việt Nam mãi mãi bền vững hơn núi, hơn sông”, ông Bounthong Chitmany nhấn mạnh; và như câu thơ bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt-Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long”.

Nguồn tienphong.vn

Tin cùng chuyên mục