Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổng Bí thư: Phát huy sức mạnh và ý chí vươn lên của dân tộc
Thứ sáu: 12:44 ngày 12/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhân dịp Năm mới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chia sẻ cảm nghĩ về kết quả thành công Đại hội XIII; bài học rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới; về đẩy mạnh phòng chống tham nhũng.

Tổng Bí thư: Phát huy sức mạnh và ý chí vươn lên của dân tộc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của TTXVN, chia sẻ những cảm nghĩ về kết quả thành công Đại hội XIII của Đảng; bài học đầu tiên được rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; hài hòa giữa “kiên định” và “đổi mới”trong chiến lược phát triển đất nước; về nguồn lực để đưa nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn cuộc phỏng vấn:

- Xin chúc mừng đồng chí vừa tái đắc cử chức danh Tổng Bí thư khóa XIII với kết quả tín nhiệm rất cao. Cán bộ, đảng viên, nhân dân rất vui mừng, phấn khởi trước thành công Đại hội XIII của Đảng và tin tưởng, kỳ vọng đất nước sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong nhiệm kỳ mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình nhân sự kiện trọng đại này?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tôi rất vui mừng, phấn khởi vì Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Đại hội đã xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước trong 5 năm tới, mục tiêu đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước); đồng thời bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, tiêu biểu cho toàn Đảng về phẩm chất, năng lực, uy tín và ý chí quyết tâm đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Kết quả Đại hội thể hiện sự đồng tâm nhất trí rất cao, là kết tinh trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm và ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, quyết tâm đưa đất nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn sắp tới. Không khí Đại hội thể hiện tinh thần dân chủ, kỷ cương, đoàn kết, đổi mới. Đại hội XIII kết thúc tốt đẹp đúng dịp kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/2021), cả nước chuẩn bị đón Tết cổ truyền Tân Sửu 2021, một không khí phấn chấn, tin tưởng đang lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Tôi tin rằng thành công của Đại hội sẽ góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát đã đề ra.

- Diễn ra giữa bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và thế giới đang rất khó khăn, nhưng Đại hội XIII của Đảng vẫn rất thành công trên tất cả các phương diện. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến kết quả tốt đẹp này, thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Đại hội thành công trước hết là do quá trình chuẩn bị được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, có chương trình, kế hoạch rất cụ thể, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định vàđổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi. Dự thảo các văn kiện thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, hòa quyện giữa "ý Đảng, lòng Dân," thể hiện quyết tâm và ý chí vươn lên của cả dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hàng triệu lượt ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, được chắt lọc, tiếp thu vào các dự thảo văn kiện, thể hiện mong muốn, nguyện vọng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch vững mạnh; đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh đó, công tác nhân sự được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, khoa học, đúng quy trình, quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, nhằm bầu ra một Ban Chấp hành Trung ương có đủ năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới.

Thành công của Đại hội XIII còn là sự tiếp nối, kế thừa những thành quả từ các nhiệm kỳ trước, dựa trên nền tảng vững chắc là thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII và thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới.

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu to lớn đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; khẳng định vai trò và đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư: Phát huy sức mạnh và ý chí vươn lên của dân tộc

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam . (Ảnh: TTXVN)

Những chủ trương, quyết sách tại Đại hội XIII là sự kế thừa và phát triển đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta qua các nhiệm kỳ, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong giai đoạn mới, tạo nền tảng vững chắc cho đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (2030); trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước (2045).

- Bài học đầu tiên được rút ra từ thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vừa qua là “bài học về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.” Xin Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích rõ hơn về bài học này?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Trong lịch sử hơn 90 năm qua, Đảng ta luôn chăm lo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ “then chốt”, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trước những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập, trước tình trạng suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng càng phải được triển khai quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên liên tục, cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và đạo đức, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; củng cố và tăng cường đoàn kết, thống nhất, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao vai trò, uy tín của Đảng, xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, để chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam tiếp tục đi đến những thắng lợi mới, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của nhân dân.

Trong đó, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”, phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm: Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.”

Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, ở bất kỳ lĩnh vực nào, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định; công tác cán bộ không chỉ là khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Bước vào thời kỳ cách mạng mới, bối cảnh tình hình càng phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ càng nặng nề, càng phải xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ vừa có Đức, vừa có Tài, trong đó Đức là gốc.

- Thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhiệm kỳ qua đã chứng kiến những bước đi quyết liệt, mang lại kết quả cụ thể, rõ nét trong việc kiềm chế, ngăn chặn tệ nạn tham nhũng. Đây là vấn đề mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước luôn trăn trở, dành nhiều tâm huyết. Trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng có tiếp tục được đẩy mạnh, như mong muốn, yêu cầu của cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhiệm kỳ qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến mạnh mẽ, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, với quyết tâm và hiệu quả cao hơn.

Trong đó, trước hết phải nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoàn thiện thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống,” “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng.”

Thể chế nói chung, thể chế về phòng, chống tham nhũng nói riêng cùng với chuẩn mực đạo đức trên các lĩnh vực và cơ chế kiểm soát quyền lực là yếu tố cơ bản, nền tảng, có tác dụng ngăn chặn từ gốc hành vi tham nhũng.

Do đó, phải xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng; phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích,” “sân sau,” “tư duy nhiệm kỳ,” ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách, pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới…

Tổng Bí thư: Phát huy sức mạnh và ý chí vươn lên của dân tộc

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng , Tổng Bí thư BCHTW khóa XIII, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam thay mặt BCHTW khóa XIII phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Với sự quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.

- “Kiên định” và “Đổi mới” là hai cụm từ được nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, thể hiện chiến lược phát triển tổng thể của đất nước và một tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ta. Làm thế nào để bảo đảm hài hòa giữa “kiên định” và “đổi mới, hai phạm trù tưởng như khó nhất quán này, thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động.

Đồng thời, trong chiến lược phát triển tổng thể của đất nước, Đảng ta xác định: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Trong đó, tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội.

Kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời không ngừng bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Đổi mới, sáng tạo nhưng phải vững vàng, không dao động. Kiên định và đổi mới sẽ hài hòa, gắn kết chặt chẽ với nhau, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc,” nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, cần khơi dậy, phát huy nguồn lực như thế nào để biến các mục tiêu và tầm nhìn của Đảng thành hiện thực phát triển đất nước?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Nhiệm kỳ Đại hội XIII là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Để thực hiện các mục tiêu đó, Đại hội đã cụ thể hóa 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước. Trong đó, điểm mới nổi bật là: phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Đại hội xác định động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ khóa XIII cần tập trung ưu tiên khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc.

Xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam; phát huy tối đa nhân tố con người; con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển.

Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế.

Trong không khí hân hoan, phấn khởi chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm thành lập Đảng, mừng Xuân mới Tân Sửu 2021, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi gửi tới đồng bào, chiến sỹ cả nước lời chúc sức khỏe và hạnh phúc.

Mỗi cán bộ, đảng viên hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật; ý Đảng hợp với lòng dân; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí vươn lên mãnh liệt và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc

Trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Kính chúc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và gia đình năm mới mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng và nhiều thành công mới!

Nguồn TTXVN/Vietnam+

Tin liên quan