Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 13.10, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ chỉ huy tiền phương Bộ Công an. Hội nghị được kết nối đến 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Công an tỉnh Tây Ninh.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng- Thứ trưởng Bộ Công an, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy tiền phương chủ trì hội nghị. Tham dự có ông Nguyễn Văn Nên- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tại điểm cầu Công an tỉnh Tây Ninh có Đại tá Nguyễn Văn Trãi- Giám đốc Công an tỉnh.
Bộ Chỉ huy tiền phương Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn. Tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ những vấn đề chiến lược, các giải pháp xử lý hiệu quả trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thực hiện đồng bộ tại các tỉnh, thành trong khu vực; tham mưu để các tỉnh, thành thực hiện ngay các khu cách ly và bệnh viện dã chiến; đẩy mạnh xử lý các thông tin độc hại trên không gian mạng về tình hình dịch bệnh Covid-19.
Chỉ đạo Công an các tỉnh, thành kiện toàn ban chỉ đạo, ban chỉ huy tiền phương 25 tỉnh, thành kịp thời tham mưu UBND địa phương thành lập lực lượng liên ngành phản ứng nhanh, phối hợp với nhà mạng kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.
Tại Tây Ninh, Công an tỉnh tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức nhiều biện pháp, giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch như: chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm quy định về Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; bố trí các chốt chặn giáp ranh giữa tỉnh với tỉnh, huyện với huyện, xã với xã, kiểm soát chặt người ra vào địa phương; tổ chức xét nghiệm sàng lọc Covid-19 toàn dân 4 đợt, qua đó đã phân định, xác định thành các vùng nguy cơ (đỏ, cam, vàng, xanh) tương ứng với cấp độ dịch để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, hiện trên địa bàn tỉnh còn 6 ổ dịch đã được phong tỏa, áp dụng các biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh tập trung đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, phát hiện 142 vụ, 439 đối tượng vi phạm (trong đó có 95 đối tượng là người nước ngoài); ngăn chặn 31 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép; bàn giao cho Campuchia 12 công dân, tiếp nhận 143 công dân vi phạm, khởi tố 17 vụ, 33 bị can về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép; trục xuất 56 người nước ngoài.
Công an tỉnh huy động 160 CBCS chủ trì, phối hợp lực lượng y tế thực hiện nhiệm vụ truy vết F1, F2. Bố trí 2.852 lượt CBCS của Công an 9 huyện, thị xã, thành phố; tăng cường 117 CBCS của các đơn vị cấp tỉnh tham gia công tác đảm bảo ANTT, bố trí chốt chặn lúc cao điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại 483 chốt để kiểm soát việc đi lại của người dân, ngăn chặn các trường hợp ra đường khi không cần thiết, qua đó xử phạt 9.522 trường hợp với số tiền 19,9 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng khẳng định, việc tổng kết không phải để kết thúc nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh của lực lượng Công an trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam. Đây là dịp đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, để tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị địa phương, trong đó có 25 tỉnh thành phía Nam với mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh và đưa các tỉnh thành cùng cả nước vào trạng thái bình thường mới.
Thứ trưởng yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục xác định là lực lượng chủ công trong công tác khoanh vùng, cách ly, dập dịch trong thời gian tới. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác để có các giải pháp ứng phó với tình hình diễn biến sau đại dịch; áp dụng công nghệ vào công tác phòng chống dịch, nhất là trong việc quản lý đi lại của người dân, bảo đảm an toàn giao thông. Tập trung phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; lợi dụng an sinh xã hội để chiếm đoạt tài sản.
Phạm Công