Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tổng thống Nga ký sắc lệnh đình chỉ tham gia INF
Thứ ba: 18:37 ngày 05/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 4/3, Điện Kremlin thông báo: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành sắc lệnh đình chỉ tham gia Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký.


Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS)

Sắc lệnh của Tổng thống Putin cũng chỉ thị cho Bộ Ngoại giao Nga gửi thông báo về việc Moscow ngừng tham gia INF tới phía Mỹ.

Tuyên bố cùng ngày của Điện Kremlin nêu rõ: “Xét tính cần thiết của việc áp dụng những biện pháp cấp bách tiếp theo sau sự vi phạm của Mỹ đối với bản Hiệp ước do Liên bang Xô viết và Mỹ ký kết ngày 8/12/1987… Nga chấm dứt tuân thủ INF cho tới khi nào Mỹ ngừng những hành động vi phạm INF hoặc cho tới khi bản Hiệp ước này hết hiệu lực”.

Hiệp ước INF được ký bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào ngày 8/12/1987, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, quy định các bên liên quan không được sản xuất cũng như phóng thử hay triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mặt đất có tầm bắn từ 500-1.000 km (tầm ngắn) và từ 1.000 - 5.500km (tầm trung). Đây được xem là một thành tựu ngoại giao nổi bật trong thời kỳ chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên bang Xô viết trước đây. Hiệp ước này cũng được đánh giá là giúp chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro trong quan hệ giữa Nga và Mỹ – vốn luôn trong trạng thái dễ dàng leo thang căng thẳng.

Tuy nhiên, nguy cơ đổ vỡ INF đã bắt đầu hiện hữu sau khi Mỹ lên tiếng cáo buộc Nga đã nhiều lần vi phạm Hiệp ước này. Ngay lập tức, Moscow đã bác bỏ lập luận trên của Washington, đồng thời bày tỏ thái độ quan ngại sâu sắc trước mức vi phạm của bên thứ 2 đối với INF.

Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo tuyên bố Washington chấm dứt tuân thủ các nghĩa vụ trong INF kể từ ngày 2/2. Thông báo của các nhà lãnh đạo Mỹ nêu rõ, nước này sẽ chính thức rút khỏi INF trong vòng 6 tháng tới (tức vào tháng 8/2019) trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ bản Hiệp ước này một cách “thực sự và có thể xác minh được”.

Ngay trong ngày 2/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra thông báo về việc Moscow ngừng tham gia INF, đồng thời chỉ thị cho các quan chức Nga hạn chế đàm phán với Mỹ về Hiệp ước này. Theo quan điểm của người đứng đầu Điện Kremlin thì Mỹ cần tỏ ra sẵn sàng cho một cuộc đối thoại bình đẳng và thực chất với Nga về INF.

Trong bản Thông điệp liên bang thường niên trước Hội đồng Liên bang Nga, ngày 20/2, người đứng đầu Điện Kremlin đã cảnh báo kịch bản Moscow sẽ phát triển và triển khai các loại vũ khí không chỉ có thể nhằm vào các khu vực xuất phát mối đe dọa trực tiếp mà còn nhằm vào các vùng lãnh thổ đặt các trung tâm đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, ông Putin cũng một lần nữa lên tiếng cáo buộc Mỹ vi phạm nghiêm trọng INF thông qua việc triển khai các bên phóng tên lửa tại hai quốc gia châu Âu là Romania và Ba Lan.

Cho tới nay, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã công khai ủng hộ việc Mỹ rút khỏi INF. Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lại tỏ rõ sự quan ngại về những hậu quả mà sự đổ vỡ của INF sẽ gây ra, trong đó gồm cả kịch bản tái diễn cuộc khủng hoảng tên lửa ở châu Âu trong những năm 1980 – thời điểm mà cả Mỹ và Liên bang Xô viết đều triển khai các thiết bị tên lửa tầm trung ở khu vực này.

Về phía Trung Quốc đã hối thúc Nga và Mỹ duy trì INF. Cuối tháng 2/2019, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng lên tiếng kêu gọi Nga và Mỹ bảo toàn INF vì cho rằng, việc chấm dứt INF sẽ khiến thế giới trở nên mất an toàn, mất ổn định và điều này sẽ được cảm nhận rõ nét ở châu Âu./.

Nguồn Dangcongsan

Tin cùng chuyên mục