Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tổng thống Biden công du Đông Á, Triều Tiên sẽ phóng tên lửa để 'đón'?
Thứ sáu: 09:52 ngày 20/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Rất có khả năng Triều Tiên sẽ có những hành động khiêu khích khi Tổng thống Biden có chuyến công du quan trọng đến Đông Á.

Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân trước hoặc trong thời gian Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản. (Nguồn: KCNA)

Chuẩn bị cho mọi khả năng

Ngày 18/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa hoặc thử hạt nhân trước hoặc trong thời gian Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Jake Sullivan tuyên bố Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ cho những điều chỉnh cần thiết về các động thái quốc phòng để đảm bảo an ninh cho Mỹ và các đồng minh.

Hiện nay có thông tin về việc Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong vòng 48-96 giờ tới. Một quan chức Mỹ giấu tên nói: “Chúng tôi đang nhận thấy những dấu hiệu tương tự những gì từng diễn ra trước thời điểm nước này (Triều Tiên) có một vụ thử vũ khí”. Bãi phóng được quan sát qua vệ tinh nằm gần Bình Nhưỡng.

Quan chức này không nêu chi tiết hình ảnh hiện tại của bãi phóng, song thông thường, các nhà phân tích tình báo sẽ tìm kiếm các dấu hiệu của các giàn giáo hoặc thiết bị phóng khác, nhiên liệu, phương tiện và con người trong khu vực.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định nước này đã chuẩn bị cho mọi khả năng. Ông Sullivan nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị để có những điều chỉnh trong ngắn và dài hạn về các động thái quân sự để đảm bảo cung cấp đủ mức yêu cầu phòng thủ và răn đe cho các đồng minh trong khu vực, và tiếp đó là đối phó với mọi hành vi khiêu khích của Triều Tiên”.

Thông điệp của Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden lên đường đến Hàn Quốc trong ngày 19/5 và sẽ có cuộc gặp với tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trước khi đến Nhật Bản ngày 22/5. Tại Tokyo sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.

Theo cố vấn Sullivan, chuyến đi của Tổng thống Biden sẽ nhấn mạnh các cam kết của Mỹ với 2 quốc gia đồng minh là Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như toàn bộ khu vực.

Ông Sullivan nói về chuyến công du châu Á đầu tiên của ông Biden kể từ khi nhậm chức hồi tháng 1/2021: “Ông ấy cũng muốn chớp cơ hội này, chớp thời khắc then chốt này để khẳng định vị thế lãnh đạo và sự tự tin của Mỹ tại một khu vực rất quan trọng trên thế giới, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... Trong chuyến công du lần này, ông ấy (Biden) sẽ có cơ hội tái khẳng định và củng cố 2 mối quan hệ đồng minh quan trọng”.

Phát biểu tại cuộc họp báo trong ngày 18/5 về chuyến thăm của nhà lãnh đạo Mỹ, Phó Cố vấn An ninh Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết nhiều khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới, song ông không cho rằng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân.

Ông Kim Tae-hyo nói: “Trong trường hợp Triều Tiên có hành động khiêu khích trong thời gian diễn ra cuộc gặp cấp cao Mỹ-Hàn Quốc, tùy theo tính chất của hành động khiêu khích, chúng tôi đã có kế hoạch B để 2 nhà lãnh đạo có thể ngay lập tức triển khai hệ thống chỉ huy và kiểm soát thế trận phòng thủ liên hợp, ngay cả nếu lịch trình hiện tại phải thay đổi”.

Theo dự kiến, Tổng thống Biden và tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol sẽ thảo luận về các biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, các vấn đề toàn cầu khác cũng như các vấn đề ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cả an ninh kinh tế.

Nhà lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc sẽ thảo luận việc Seoul tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan đã từng hàm ý nói về khả năng sáng kiến này được chính thức khởi động khi Tổng thống Biden tới Tokyo.

Ông Sullivan cho biết IPEF là “một dàn xếp kinh tế trong thế kỷ XXI, là một mô hình mới được thiết kế để đối phó với các thách thức kinh tế mới nảy sinh từ việc định hình những nguyên tắc trong nền kinh tế số, nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và bền bỉ, hướng đến việc kiểm soát quá trình chuyển dịch năng lượng sang đầu tư vào các hạ tầng tiêu chuẩn cao sạch và hiện đại”.

Trong khi đó, giới chức Hàn Quốc cho biết Tổng thống Yoon Suk-yeol có thể dự lễ khởi động IPEF theo hình thức trực tuyến.

Hành xử đáng lo ngại

Chuyến thăm châu Á của Tổng thống Biden trong tuần này chỉ là ví dụ mới nhất khi một tổng thống Mỹ công du khu vực trong bối cảnh có những nguy cơ về một vụ thử hạt nhân.

Bình Nhưỡng đã chuẩn bị cho một vụ thử vào năm 2014, thời điểm Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama tới thăm Hàn Quốc.

Quốc gia này cũng đã tiến hành một cuộc thử nghiệm ngay sau khi ông Obama trở về nước sau chuyến thăm châu Á năm 2016.

Phó Đô đốc John Hill, lãnh đạo Cơ quan phòng thủ tên lửa của Mỹ, cho rằng Triều Tiên có vẻ chưa phát triển thành công tên lửa siêu thanh, song các vụ thử để phát triển loại vũ khí này càng củng cố hơn những lo ngại từ Mỹ.

Ông nói: “Nhìn vào những gì đã diễn ra, nhìn vào những số liệu, tôi không thực sự tin là họ đã có được năng lực đó, song việc họ tiến hành các vụ thử thực sự là điều mà chúng ta phải lo ngại”.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ John Plumb cho rằng năng lượng hạt nhân của Triều Tiên đang tạo ra mối đe dọa “ngày càng tăng” đối với Mỹ và các đồng minh, đồng thời lưu ý có thông tin đánh giá hầu hết các tên lửa của Triều Tiên đều có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Trong khi đó, Tướng Glen VanHerck, Tư lệnh Bộ Chỉ huy phương Bắc và Bộ Chỉ huy Quốc phòng Không gian Bắc Mỹ, khẳng định Mỹ vẫn đủ sức bảo vệ lãnh thổ của mình trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện gần đây, ông nhấn mạnh: “Tôi hoàn toàn tin tưởng khả năng (của Mỹ) trong việc bảo vệ thậm chí cả Hawaii trước các tên lửa đạn đạo từ những quốc gia thiếu thân thiện, chẳng hạn như Triều Tiên ngày nay”.

Nguồn baoquocte(theo Yonhap, Kyodo, CNN)

Tin cùng chuyên mục