Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tổng thống Hàn Quốc và chuyến công du dài kỷ lục
Chủ nhật: 16:45 ngày 21/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21-10 kết thúc chuyến công du bốn nước châu Âu kéo dài 9 ngày nhằm thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để đảm bảo phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài cho Bán đảo Triều Tiên. Chuyến đi cũng là để xem xét việc Liên minh châu Âu (EU) đánh giá như thế nào về bối cảnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Tại cuộc gặp hôm 19-10, Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã nhất trí tăng cường những nỗ lực chung nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hòa bình và kiến tạo nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Cùng ngày, tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Theresa May bên lề Hội nghị Cấp cao Á-Âu (ASEM) tại Brussels (Bỉ), Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị Anh ủng hộ các nỗ lực của Seoul phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và thiết lập nền hòa bình lâu dài.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc nhấn mạnh, sự ủng hộ của Anh - một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) - có thể giúp duy trì những biến chuyển tích cực trên Bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Thủ tướng Anh cam kết nước này sẽ ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của Seoul trong việc thiết lập hòa bình, nhấn mạnh chính những nỗ lực này đã giúp tạo ra các biến chuyển tích cực trong thời gian qua.

Trước đó, trong chặng dừng chân đầu tiên tại Pháp, tại cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp nước chủ nhà Emmanuel Macron ở Thủ đô Paris, hai bên đã thống nhất tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Moon Jae-in đề nghị Pháp, ủy viên thường trực HĐBA LHQ, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đạt mục tiêu này. Các hoạt động của nhà lãnh đạo xứ sở Kim chi tại Italy, Bỉ và Đan Mạch cũng đều truyền đi thông điệp tìm kiếm sự ủng hộ đối với tiến trình hòa bình và ổn định.

Giới chuyên gia chỉ ra rằng, sở dĩ người đứng đầu Nhà Xanh tìm kiếm sự ủng hộ từ châu Âu trong vấn đề Triều Tiên là vì Hàn Quốc hiện đang là 1 trong số 10 đối tác chiến lược duy nhất trên thế giới của EU, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ toàn cầu, quyền con người và quy định của luật pháp quốc tế. Hàn Quốc hiện cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có hiệp định khung về tự do thương mại, thỏa thuận hợp tác xử lý khủng hoảng với EU liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh song phương.

Đại diện cấp cao về các vấn đề đối ngoại của EU Federica Mogherini từng nhấn mạnh rằng, châu Âu ủng hộ những nỗ lực can dự của Hàn Quốc và bản thân bà đóng vai trò là người truyền đạt quan điểm của các quốc gia thành viên EU..

Về phía EU, đối với vấn đề Triều Tiên, khối này sử dụng một chính sách rất rõ ràng là “kết hợp trừng phạt với các kênh liên lạc mở” (kết hợp giữa “củ cà rốt” được lồng ghép trong các cuộc đối thoại hoặc viện trợ với “cây gậy”, đặc biệt là các lệnh trừng phạt). Trong suốt 3 năm qua, Brussels cũng đã cương quyết trong chiến lược sử dụng “cây gậy” khi Bình Nhưỡng nhanh chóng hoàn tất chương trình tên lửa tầm xa có thể mang theo đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên cũng như quan hệ Mỹ - Triều được cải thiện, tại châu Âu đã nổi lên những tranh cãi về việc cần có giải pháp tốt nhất trong vấn đề Triều Tiên.

Một trong những mục tiêu chủ chốt mà EU tìm kiếm là CHDCND Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn đồng thời phải ngăn chặn được các hoạt động phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng. Một mục tiêu chủ chốt khác mà EU muốn đạt được là thay đổi cách hành xử của Bình Nhưỡng để tạo ra một Bán đảo Triều Tiên ổn định hơn. Và sự ủng hộ của Brussels cho một bán đảo Triều Tiên ổn định không chỉ là hành động mang tính hình thức.

Ở thời điểm hiện tại, EU vẫn duy trì quan điểm cho rằng phi hạt nhân hóa là cách tốt nhất để có được một bán đảo Triều Tiên ổn định. Điều đó cũng có nghĩa là việc giải quyết triệt để mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên cũng sẽ góp phần củng cố thêm an ninh cho Hàn Quốc.

Tuy nhiên, những tiến triển trong vài tháng trở lại đây ở Bán đảo Triều Tiên dường như cho thấy có sự mâu thuẫn với lập trường cố hữu của EU. Brussels kiên định quan điểm rằng, các lệnh trừng phạt phải được duy trì cho đến khi CHDCND Triều Tiên giải giáp hạt nhân. Điều này bao gồm cả các lệnh trừng phạt của LHQ và quan trọng hơn là cả các lệnh trừng phạt của riêng EU nhằm vào Bình Nhưỡng. Nhóm “Ba nước lớn” (Big Three) gồm Pháp, Đức và Anh đều ủng hộ quan điểm này của EU.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên EU khác cũng như các nhà ngoại giao, những người hoạch định chính sách đối ngoại ở nhóm “big three” lại kỳ vọng EU có sự thay đổi về chính sách đối với Triều Tiên. Theo đó, họ mong muốn Brussels sử dụng biện pháp can dự về ngoại giao và sử dụng “củ cà rốt” trong kinh tế chứ không chỉ chú trọng vào các lệnh trừng phạt để “hài hòa” giữa chính sách của EU và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, họ cũng muốn gỡ bỏ dần dần lệnh trừng phạt của LHQ và của cả EU khi chính quyền Bình Nhưỡng từng bước tiến tới phi hạt nhân hóa, đồng thời nối lại đối thoại song phương giữa EU và CHDCND Triều Tiên vốn bị gián đoạn từ năm 2015. Hơn nữa, họ cũng muốn EU tích cực hơn nữa trong vai trò là cầu nối đối thoại giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

Rõ ràng là các nước như Thụy Điển, Phần Lan và Ba Lan đã từng sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất, diễn ra tại Singapore hôm 12-6 vừa qua.

Với những bước đi cụ thể tiến tới phi hạt nhân hóa sẽ khiến EU không thể từ chối việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên. Hơn nữa, những thành quả có được của mối quan hệ liên Triều, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, viễn cảnh Nhà lãnh đạo CHDCND Kim Jong-un tới Seoul và một tuyên bố hòa bình sẽ có thể góp phần xóa bỏ những tranh cãi trong nội bộ châu Âu hiện nay.

Nguồn Công An Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục