Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng sau cuộc tấn công đường không qua đêm của Liên bang Nga vào Ukraine, nhấn mạnh sự cấp bách trong việc hỗ trợ người dân Ukraine.
Ngày 28/11, các lực lượng của Liên bang Nga đã thực hiện cuộc tấn công lớn thứ hai trong tháng này nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, gây ra các đợt cắt điện nghiêm trọng trên khắp nước này.
Cuộc tấn công, theo hãng tin AFP, có sự tham gia của nhiều tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV), trong đó Ukraine bắn hạ 79 tên lửa và 35 UAV.
Dẫu vậy, cuộc tấn công của các lực lượng Liên bang Nga đã khiến hơn một triệu người Ukraine không có điện trong điều kiện thời tiết giá lạnh.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 28/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi đòn đánh nêu trên của các lực lượng Liên bang Nga là “cuộc tấn công đường không kinh hoàng”.
Ông Biden dẫn báo cáo của chính quyền Ukraine cho biết các lực lượng Liên bang Nga đã phóng gần 200 tên lửa và UAV vào các thành phố, cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, khiến người dân Ukraine mất quyền tiếp cận điện.
Theo ông Biden, cuộc tấn công này lời nhắc nhở rõ ràng về sự cấp bách và tầm quan trọng của việc hỗ trợ người dân Ukraine trong cuộc chiến chống lại hành động của Liên bang Nga đối với Ukraine.
Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng người dân Ukraine và cho biết thêm từ đầu năm 2024, theo chỉ đạo của ông, Mỹ đã đặt Ukraine ở vị trí ưu tiên hàng đầu khi xuất khẩu các hệ thống phòng không.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã cung cấp bổ sung cho Ukraine hàng trăm tên lửa phòng không và tiếp tục đẩy nhanh việc cung cấp các thiết bị quan trọng khác cho nước này, bao gồm pháo binh, tên lửa và xe bọc thép.
Về phía Liên bang Nga, theo hãng tin Reuters, Tổng thống nước này, ông Vladimir Putin tuyên bố rằng Moskva tấn công để đáp trả việc Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật Lục quân (ATACMS) của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga cũng cảnh báo các mục tiêu tương lai có thể bao gồm “các trung tâm ra quyết định” ở thủ đô Kiev của Ukraine.
Việc các lực lượng Liên bang Nga tăng cường tấn công Ukraine diễn ra trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị có sự thay đổi chính quyền với sự trở lại Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump, người nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng kết thúc xung đột Nga-Ukraine, nhưng không nêu rõ cách thức.
Ngày 27/11, ông Trump đã chọn tướng về hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên về vấn đề Ukraine - Nga, một vai trò mới được hình thành do cuộc chiến đang diễn ra giữa hai quốc gia.
Tướng về hưu Keith Kellogg, nguyên Cố vấn An ninh quốc gia, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington vào ngày 22/9/2020. Ảnh: Getty Images
Ông Kellogg từng là Cố vấn An ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Sau đó, ông trở thành Cố vấn An ninh quốc gia tạm quyền cho chính quyền Tổng thống Trump sau khi Trung tướng Michael Flynn từ chức vào năm 2017.
Theo kế hoạch chấm dứt xung đột tại Ukraine, ông Kellogg từng tuyên bố ông sẽ tập trung vào việc đưa hai nước ngồi vào bàn đàm phán.
Hồi tháng 4, ông Kellogg là đồng tác giả của đề xuất giải quyết xung đột Ukraine bằng biện pháp hòa bình và ra điều kiện cung cấp vật tư quân sự cho Ukraine, tùy thuộc vào việc Kiev tham gia các cuộc đàm phán với Nga. Đề xuất kêu gọi cho phép Kiev đàm phán với Nga “ở vị thế mạnh mẽ” và thảo luận về việc áp thuế đối với doanh số bán năng lượng của Nga để chi trả cho việc tái thiết Ukraine.
Nguồn Báo Tin tức