Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục nhắm đến các doanh nghiệp được ưu ái tại Trung Quốc trong những ngày cuối nhiệm kỳ của ông.
Nhân viên SMIC giới thiệu vi mạch do công ty này sản xuất. Ảnh: CNN
Kênh CNN (Mỹ) đưa tin động thái mới nhất là vào 3/12 khi Bộ Quốc phòng Mỹ bổ sung nhà sản xuất vi mạch hàng đầu của Trung Quốc SMIC cùng Tập đoàn dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) và một số doanh nghiệp khác vào danh sách do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát. Điều này đồng nghĩa với việc những công ty này nằm trong nhóm bị hạn chế, và sẽ không nhận được đầu tư từ Mỹ.
Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục “tung đòn” vào Trung Quốc cho đến những ngày cuối nhiệm kỳ.
Bắc Kinh vào ngày 4/12 đã phản đối động thái của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu trước các phóng viên: “Trung Quốc phản đối động thái đàn áp không báo trước của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc”.
Trong khi đó, SMIC nhấn mạnh “không có ảnh hưởng lớn” nào đối với hoạt động của doanh nghiệp này sau khi bị bổ sung tên vào danh sách của Bộ Quốc phòng Mỹ. SMIC cũng bổ sung rằng chất bán dẫn do công ty này sản xuất là dành cho muc đích dân sự và thương mại do vậy không hề liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Theo CNN, việc chính quyền Tổng thống Trump nhắm đến SMIC là nhằm tấn công vào “trái tim” tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Trung Quốc đang chạy đua với phương Tây trong việc sản xuất vi mạch và đã bơm hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp này với hy vọng hình thành được một doanh nghiệp nội địa có khả năng sản xuất nhiều vi mạch tiên tiến.
Ngoài CNOOC và SMIC, còn nhiều cái tên đáng chú ý khác của Trung Quốc nằm trong danh sách đen của Bộ Quốc phòng Mỹ, bao gồm nhà sản xuất điện thoại thông minh Huawei và Hikvision. Một số công ty khác có tên trong danh sách như China Telecom, China Mobile và CNOOC đều đang hoạt động trên sàn giao dịch chứng khoán New York. Các nhà đầu tư Mỹ sẽ có thời hạn đến tháng 11/2021 để chuyển khỏi các công ty này.
Chính quyền Tổng thống Trump vẫn tích trữ “đạn dược để khai hỏa” vào các công ty Trung Quốc. Vào đầu tuần này, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật có khả năng đẩy một số doanh nghiệp Trung Quốc ra khỏi Wall Street. Chỉ cần chữ ký của Tổng thống Trump, dự luật sẽ trở thành luật.
Bà Shirley Yu tại Trường Kinh tế London (Anh) nhận định Tổng thống Trump “gần như chắc chắn” sẽ ký ban hành dự luật này trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ngoài ra, với sự ủng hộ từ quốc hội, sẽ rất khó để chính quyền kế nhiệm có thể đảo ngược dự luật này.
Ngoài ra, bà Shirley Yu cũng đề cập đến thực tế Trung Quốc chưa thực hiện đúng cam kết nhập khẩu hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Mỹ, điều vốn nằm trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một Bắc Kinh và Washington ký kết đầu năm nay. Theo bà Yu, diễn biến này có thể khiến Tổng thống Trump nâng thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Nhiều chính khách tại Washington cũng để ý tới các thương hiệu công nghệ đáng chú ý khác của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Baidu. Ông Michael Hirson, phụ trách khu vực Trung Quốc và Đông Bắc Á tại tập đoàn Eurasia cho rằng nhiều thành viên chính quyền đương nhiệm đang tìm cách bổ sung tên những doanh nghiệp này vào danh sách của Bộ Thương mại Mỹ, vốn tách biệt với danh sách của Lầu Năm Góc.
Những doanh nghiệp nằm trong danh sách của Bộ Thương mại Mỹ sẽ không được nhận công nghệ và vật tư từ Mỹ. Tập đoàn Huawei đã nằm trong danh sách này từ năm 2019. Huawei đã bị mắc kẹt ở giữa trong thời gian chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc căng thẳng. Năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra báo cáo về cuộc điều tra kéo dài một năm đánh giá Huawei là mối đe dọa với an ninh Mỹ. Cả Huawei và Chính phủ Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này.
SMIC tuy chưa nằm trong danh sách nhưng vào tháng 11 đã cảnh báo các nhà đầu tư của công ty này về khả năng bị hạn chế xuất khẩu vào Mỹ.
Nguồn Báo Tin tức