Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Trưa 20-11, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì cuộc họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Buổi họp báo trưa 20-11
Các vấn đề nóng được báo chí quan tâm là kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) được thông qua nhưng rút quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc; tranh luận giữa đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện liên quan đến ngành công an (ông cho rằng "vi phạm của cơ quan điều tra rất khủng khiếp").
Trả lời về cuộc tranh luận vừa qua của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện và Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu tại phiên chất vấn, sau đó Đảng ủy Bộ Công an có văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, con số của ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu ra chưa chính xác.
“Vì số đơn thư còn lại chưa giải quyết của tất cả các cơ quan là 87, trong đó riêng ngành công an là 82, như vậy 82 chia cho 87 thì ra tỷ lệ cao. Nhưng thực tế phải 82 chia cho hơn 120.000 đơn thư", ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích.
Trước đó khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an tại phiên chất vấn ngày 31-10, ĐB Lưu Bình Nhưỡng phản ánh "vi phạm của cơ quan điều tra là rất khủng khiếp, không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho Viện kiểm sát 86%, xử lý tin tố giác quá hạn 99,76%, vi phạm tống đạt 100%...".
Tuy nhiên, tranh luận với phản ánh này, Giám đốc Công an Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu cho hay trong hơn 120.000 đơn các cơ quan tố tụng đã thụ lý thì có 87 đơn chưa thụ lý và 82 đơn thuộc ngành công an. Do đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng lấy 82 chia 87 thành 94% là cách tính không đúng. Sau đó, Đảng ủy Công an Trung ương đã có văn bản gửi đến Đảng đoàn Quốc hội về nội dung trên.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau khi có văn bản của Đảng ủy Công an Trung ương, cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo Ban Dân nguyện của Quốc hội tổ chức cuộc làm việc giữa các đơn vị liên quan và ĐB Nhưỡng để xem số liệu chính xác đến mức nào. “Sau cuộc họp, hai bên đã làm rõ. ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đã tiếp thu", ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Vẫn theo Tổng thư ký Quốc hội, về nguyên tắc, chất vấn là ĐBQH nêu câu hỏi với thành viên Chính phủ, còn diễn biến tại phiên họp ngày 31-10 là hai đại biểu tranh luận với nhau; vì vậy, khi ĐB Nguyễn Hữu Cầu tranh luận với ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị hai ĐB trao đổi bên ngoài phòng họp.
Trả lời cầu hỏi, Bộ Công an là cơ quan hành pháp, nhưng việc không trực tiếp tranh luận trên Quốc hội mà gửi văn bản sang Đảng đoàn Quốc hội thì liệu có vi phạm nguyên tắc dân chủ? Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, đặt câu hỏi chất vấn là quyền của ĐBQH.
"Rất tiếc nếu hôm đó Bộ trưởng trả lời ngay thì sẽ là bình thường, nhưng một đại biểu khác lại nêu ý kiến tranh luận, như trả lời thay Bộ trưởng" - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Nguyên tắc của phiên chất vấn là ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn với các thành viên Chính phủ và thành viên Chính phủ có trách nhiệm trả lời. Còn đại biểu có ý kiến tranh luận với nhau khi tham gia thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội và các vấn đề về Luật.
Còn việc "đại biểu trả lời thay cho Bộ trưởng là không phải". Do đó, khi ĐB Lưu Bình Nhưỡng muốn tranh luận lại thì Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu hai đại biểu gặp nhau riêng trong giờ giải lao chứ không tranh luận tại phiên chất vấn.
“ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đã xuống trung tâm trao đổi lại với báo chí về việc đó nên tôi không trao đổi lại nữa, ĐB đã thông tin kịp thời với báo chí" – ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Sau phát biểu của ĐB Lưu Bình Nhưỡng ngày 31-10, Bộ Công an đã có thông báo cho hay, tính trong 12 tháng báo cáo Quốc hội (từ 1-10-2017 đến 30-9-2018), tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã giải quyết là 104.767 (tỷ lệ giải quyết đạt hơn 87%).
So với tổng thể chung số tin báo, tố giác tội phạm đã thụ lý giải quyết thì những vi phạm mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng nêu chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong đó số tin báo, tố giác không thụ lý theo đúng quy định của cơ quan điều tra là 82/118.731 tin (chiếm tỷ lệ 0,07%).
Nguồn SGGPO