Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 – Khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam
Thứ tư: 13:58 ngày 03/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (1968-2018), Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 – Khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam’ của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thời gian dù lùi xa, nhưng âm hưởng của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vang mãi. Nêu cao tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", dân tộc ta đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, khốc liệt của chiến tranh, kiên trì đấu tranh, kiên quyết tiến công giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.

I

Cách đây tròn nửa thế kỷ, vào thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân 1968, trên Ðài Tiếng nói Việt Nam ngân vang những vần thơ chúc Tết hào sảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: "Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta". 

Ðó là lời hiệu triệu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên khắp miền nam, trọng tâm là Sài Gòn, Huế, Ðà Nẵng. Ðây là cuộc tổng tiến công đầy táo bạo, bất ngờ, đánh thẳng vào sào huyệt của kẻ thù, thể hiện sâu sắc tư tưởng chiến lược tiến công, nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam, là biểu hiện tập trung sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất của dân tộc Việt Nam.

Sau thất bại của chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", từ giữa năm 1965, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miền nam và mở rộng đánh phá miền bắc. Mặc dù huy động tới hơn một triệu quân, gồm quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu, chủ động mở hai cuộc phản công chiến lược trên khắp chiến trường miền nam vào các mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, nhưng quân và dân ta đã anh dũng đấu tranh, làm kẻ địch bị thất bại nặng nề và buộc phải chuyển sang thế bị động, phòng ngự về chiến lược. Ðến cuối năm 1967, Cách mạng miền nam có bước phát triển mạnh mẽ cả về thế và lực, tạo cục diện chiến lược có lợi cho ta.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, Ðảng ta đã quyết định: "... động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất,... để giành thắng lợi quyết định"(1), lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 với sự kết hợp chặt chẽ giữa tiến công của lực lượng vũ trang ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và nổi dậy của lực lượng quần chúng; kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; lấy đòn tiến công quân sự làm động lực để quần chúng nổi dậy và đưa chiến trường vào tận sào huyệt của kẻ thù. Quân và dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở hầu hết các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền nam; loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục vạn quân địch; bức hàng, bức rút gần 15 nghìn đồn bốt, chi khu; phá hủy trên 1.500 ấp chiến lược...

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ", buộc kẻ thù phải xuống thang, chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền bắc và chấp nhận đàm phán Hội nghị bốn bên tại Pa-ri. Ðây là một bước ngoặt chiến lược, đưa cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước của dân tộc ta sang giai đoạn mới - Ta hoàn toàn giành quyền chủ động chiến lược. Ðó còn là cuộc tổng diễn tập lớn cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước - "Bắc Nam sum họp một nhà".

II

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mang lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Trước hết, phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng. Nhân tố quyết định của thắng lợi là đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Ðảng đã khơi dậy, phát huy có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước, của hậu phương lớn miền bắc xã hội chủ nghĩa và tiền tuyến lớn miền nam; sức mạnh từ lập trường cách mạng triệt để, kiên quyết thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công để giành thắng lợi.

Xây dựng thực lực cách mạng, trực tiếp là lực lượng vũ trang vững mạnh, khẳng định sức mạnh quân sự cũng là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi của quân và dân ta. Cùng với lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động tác chiến trên khắp các chiến trường, lực lượng chính trị quần chúng phát triển hùng hậu, rộng khắp trên các địa bàn đồng bằng, đô thị và rừng núi, được rèn luyện, thử thách qua nhiều năm chiến tranh và là lực lượng quan trọng trong đấu tranh chính trị. Hàng trăm nghìn cán bộ, đảng viên trung kiên được lựa chọn, bồi dưỡng, bí mật đưa vào các thành phố, thị xã để củng cố, phát triển cơ sở cách mạng và tổ chức chuyển vũ khí vào nội thành. Ðiều đó thể hiện tầm nhìn và sự chỉ đạo chiến lược sâu sắc của Ðảng ta về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng là thắng lợi của đường lối, nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân đặc sắc, độc đáo, sáng tạo; xây dựng, sử dụng lực lượng vũ trang ba thứ quân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; đánh địch cả trên ba vùng chiến lược; kết hợp giữa đánh lớn, đánh vừa, đánh nhỏ, đánh hiểm. Ðó còn là nghệ thuật về sự kết hợp các yếu tố bí mật, bất ngờ, táo bạo và sử dụng thời gian, không gian trong chiến tranh; trong đó nét đặc sắc của nghệ thuật quân sự được thể hiện ở việc lựa chọn mục tiêu, bất ngờ đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng, quân và dân ta đã quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công đại thành công", coi trọng xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; huy động được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí tình của bạn bè quốc tế trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ðó cũng là sức mạnh đặc trưng của dân tộc Việt Nam được quy tụ và nhân lên bởi khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.

III

Xu thế chủ đạo của thế giới ngày nay là hòa bình, hợp tác và phát triển, tuy nhiên căng thăng, xung đột vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi; tình hình khu vực, Biển Ðông diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới dự báo tiếp tục phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khoa học công nghệ, nhất là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động nhiều mặt đến nước ta. Ở trong nước, chúng ta được kế thừa những thành tựu quan trọng của 30 năm đổi mới, xu hướng phát triển ngày càng tốt hơn và tình hình chính trị - xã hội ổn định, nhưng những tồn tại, bất cập của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ nét; dư địa chính sách ngày càng hạn hẹp trong khi nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh rất lớn; biến đổi khí hậu, thiên tai, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động chống phá, trong đó có "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang dựng nước, giữ nước của dân tộc, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, vượt qua khó khăn thách thức, nỗ lực cao nhất phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo các nghị quyết của Ðảng và Quốc hội, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng nhanh hơn, phát triển bền vững hơn trong những năm tiếp theo. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc; gìn giữ môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển đất nước; không ngừng nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những bài học quý và tinh thần Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn nguyên giá trị và cần được vận dụng, phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Một là, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững tin vào sự lãnh đạo của Ðảng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ðảng ta là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chúng ta phải luôn quán triệt và thực hiện hiệu quả đường lối đổi mới toàn diện của Ðảng; lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Ðảng là then chốt; quốc phòng và an ninh là trọng yếu; thường xuyên phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; ra sức đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thấm nhuần, nắm vững quan điểm, đường lối của Ðảng về bảo vệ Tổ quốc, quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, vận dụng sáng tạo, đánh giá, dự báo đúng tình hình, nhất là những vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại; có đối sách, phương án phù hợp, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ; bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Hai là, chú trọng xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện mới. Chúng ta phải thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ðây là một yêu cầu cấp thiết, vừa mang tính chiến lược cơ bản, lâu dài đối với cách mạng Việt Nam; là trách nhiệm chính trị của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta nhằm tập hợp lực lượng, tạo động lực chính trị, tinh thần, trí tuệ, sức mạnh của toàn dân trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; bồi đắp niềm tin, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc ngay từ cơ sở.

Ba là, củng cố thực lực, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải bảo đảm tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xử lý tốt các tình huống, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá bằng chiến lược "Diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; đồng thời, đủ khả năng ngăn ngừa chiến tranh và sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược với mọi quy mô, hình thức. Chú trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại, phù hợp với bối cảnh tình hình khu vực, thế giới và điều kiện của đất nước. Tiếp tục xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm; trong đó, phải hết sức chú trọng xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc ngay từ cơ sở. Ðẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện trong tình hình mới. Ðồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; hoàn thiện các chiến lược về bảo vệ Tổ quốc, nhất là các chiến lược quốc phòng, quân sự thời kỳ mới. Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, ngành, địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ðẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, nâng cao vị thế, uy tín của Quân đội trên trường quốc tế, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Quân đội nhân dân Việt Nam phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Ðảng, Nhà nước và nhân dân. Ðặc biệt, phải luôn giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội; xây dựng Ðảng bộ Quân đội và các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội; ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng và lực lượng; tổ chức, sắp xếp biên chế theo hướng tinh, gọn, cơ động, linh hoạt, đảm bảo phù hợp với điều kiện tác chiến mới. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, giáo dục và đào tạo, hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng. Chăm lo thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, nhất là đối với người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ, thương binh.

Năm là, phát huy nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân vào xây dựng, phát triển nền khoa học quân sự Việt Nam hiện đại. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, cần đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam trên cơ sở nghệ thuật quân sự truyền thống kết hợp với nghệ thuật quân sự hiện đại. Những bài học quý trong thiên sử vàng chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta về nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, trong đó cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 cần được nghiên cứu, vận dụng một cách sáng tạo, nhuần nhuyễn, phù hợp trong bối cảnh tình hình mới, trong đó có các hình thức, quy mô, phương tiện chiến tranh hiện đại, tinh vi, sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sáu là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong thực hiện đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh dân tộc có ý nghĩa quyết định, là cơ sở để tăng cường tranh thủ hiệu quả sức mạnh thời đại, và ngược lại, việc tận dụng sức mạnh thời đại là nhân tố phát huy tiềm năng, sức mạnh dân tộc. Chúng ta quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa. Ưu tiên xây dựng, thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Ðảng phù hợp với yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Tạo mọi thuận lợi để người dân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh. Phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người có công, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và vùng căn cứ cách mạng... Thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung ngăn ngừa, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đổi mới phương thức quản lý, hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi, hiệu quả, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Phát huy tốt tiềm năng lợi thế, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

IV

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một bản anh hùng ca bất hủ, khắc ghi vào lịch sử đấu tranh giành độc lập hào hùng của dân tộc ta và còn mãi mãi trong trái tim của những người con Việt Nam. Biết bao người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống hoặc để lại một phần máu thịt nơi chiến trường khốc liệt trong các cuộc chiến tranh.

Vinh quang trước hết thuộc về các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Máu đào của các thế hệ cha anh chúng ta tiếp tục bồi đắp, làm rạng rỡ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.

Ngọn lửa khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 luôn bừng cháy trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, thôi thúc chúng ta phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc đổi mới hôm nay, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.

-------------

(1) ÐCSVN - Văn kiện Ðảng, Toàn tập, tập 29, NxbCTQG, H.2004, tr.50.
Nguồn Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục