Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Luật Giáo dục sửa đổi:
Tốt nghiệp trung học cơ sở không thể lên thẳng cao đẳng
Thứ sáu: 00:19 ngày 30/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Nếu Luật Giáo dục cho phép tuyển học sinh sau THCS vào học cao đẳng là hạ thấp chất lượng, trình độ đào tạo”- Một vị quản lý giàu kinh nghiệm về giáo dục phổ thông và thi cử phân tích.

Học sinh Trường trung cấp Nghề Tây Ninh (nay là trường cao đẳng) trong giờ thực hành.

Ngày 15.11, tại phiên thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất, học sinh sau khi đã tốt nghiệp cấp THCS được quyền vào học ở trường cao đẳng, không cần phải học hết ba năm ở cấp trung học phổ thông. Theo ý kiến của Thứ trưởng Lê Quân, mục đích chính của đề xuất cho học sinh tốt nghiệp THCS lên học cao đẳng là thực hiện có hiệu quả mục tiêu phân luồng sau THCS, rút ngắn thời gian đào tạo để người học sớm gia nhập thị trường lao động. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, vùng lãnh thổ Ðài Loan cũng đã áp dụng mô hình này và được đánh giá thành công. 

Thứ trưởng Lê Quân giải thích, nguyên nhân khiến cho việc phân luồng sau THCS khó khăn, hiệu quả thấp là do “cấp THPT mở nhiều trường tư thục, trường đại học mở cửa đầu vào, không có rào cản kỹ thuật về học phí và tiêu chí. Các đại học công được Nhà nước đầu tư lại có chỉ tiêu ấn định nên giữa đại học và cao đẳng cạnh tranh mạnh mẽ, gây nguy cơ lãng phí”.

Ðể học sinh sau THCS lên thẳng cao đẳng, Thứ trưởng Lê Quân đề nghị chương trình cao đẳng cần được thiết kế lại cả về nội dung dạy văn hoá và dạy nghề. Theo số liệu do Thứ trưởng Lê Quân công bố, trong cả nước, tỷ lệ học sinh sau THCS đi học nghề hiện chỉ đạt 8%, trong khi Chỉ thị số 10 năm 2011 của Bộ Chính trị yêu cầu, năm 2020, có 30% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề. Mới đây nhất, Quyết định 522 năm 2018 của Thủ tướng ghi rõ, đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh sau THCS đi học nghề.

Ðề xuất do Thứ trưởng Lê Quân đưa ra nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Theo các thông tin được báo chí đăng tải, một số cán bộ quản lý ở trường cao đẳng ủng hộ ý tưởng cho phép học sinh sau THCS được học lên cao đẳng, trong khi đó, luồng ý kiến khác cho rằng, phải cân nhắc thận trọng về đề xuất đó, vì phải tính đến đến chất lượng đào tạo.

Tại Tây Ninh, mặc dù đang là Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề nhưng ông Nguyễn Hoài Phương không tán thành đề xuất cho học sinh lớp 9 vào học hệ cao đẳng. Theo ý kiến này, kiến thức của các môn học ở cấp THPT như Toán, Vật lý, Hoá học rất quan trọng, nếu học sinh không học ba môn học nêu trên, khi học xong cao đẳng, khó có đủ trình độ, sự hiểu biết để đi làm.

Ông Nguyễn Hoài Phương cũng chỉ ra, nếu cho phép tuyển học sinh sau khi học xong lớp 9 vào học cao đẳng, chẳng những các em bị hổng kiến thức cơ bản mà còn phải xem xét sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp, vì luật này quy định, để học trường cao đẳng, người học phải tốt nghiệp THPT.

 Cụ thể, Ðiều 32 Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định các trường hợp được tuyển thẳng vào đào tạo ở trình độ cao đẳng bao gồm: “Người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hoá trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại giỏi trở lên và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo; người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hoá trung học phổ thông, có bằng tốt nghiệp trung cấp loại khá, đã có ít nhất 2 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo và đăng ký học cùng chuyên ngành hoặc nghề đào tạo”. 

Ðiều 33 của Luật Giáo dục nghề nghiệp còn quy định, thời gian đào tạo trình độ sơ cấp được thực hiện từ 3 tháng đến dưới 1 năm học nhưng phải bảo đảm thời gian thực học tối thiểu là 300 giờ học đối với người có trình độ học vấn phù hợp với nghề cần học. Thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế đối với người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên là từ 1 đến 2 năm học tuỳ theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo.

Người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hoá trung học phổ thông. Thời gian đào tạo trình độ cao đẳng theo niên chế được thực hiện từ 2 đến 3 năm học tuỳ theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; từ 1 đến 2 năm học tuỳ theo chuyên ngành hoặc nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hoá trung học phổ thông. 

Nói ngắn gọn, Luật Giáo dục nghề nghiệp không có điều khoản nào cho phép người học xong THCS được vào học ở trường cao đẳng. Tán thành ý kiến của ông Phương, giám đốc một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên bày tỏ quan điểm, học sinh mới học xong lớp 9 không đủ trình độ, kiến thức để có thể học ở trường cao đẳng. “Không chỉ kiến thức chuyên môn, ở đây còn là vấn đề tâm lý lứa tuổi.

Tư duy, sự hiểu biết của học sinh lớp 9 chưa thể học ở trình độ cao đẳng”- vị này phân tích. Một vị quản lý giàu kinh nghiệm về giáo dục phổ thông và thi cử cũng bày tỏ không tán thành tuyển học sinh lớp 9 vào học cao đẳng. Theo ý kiến vị quản lý này, kiến thức, tri thức của hệ cao đẳng và đại học cách biệt không nhiều. Thực chất, học cao đẳng chính là đã học dự bị đại học.

Mặt khác, nếu cho phép học sinh sau THCS vào học cao đẳng thì cần gì đến trường trung cấp? “Nếu Luật Giáo dục cho phép tuyển học sinh sau THCS vào học cao đẳng là hạ thấp chất lượng, trình độ đào tạo”- vị quản lý này phân tích. Vẫn theo ý kiến này, đề xuất nêu trên có thể có những vấn đề lợi ích nhóm, vì theo quy định hiện hành, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bao gồm trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp và cao đẳng đã được chuyển từ Bộ GD-ÐT về cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Ngoài ra, thực tế, ở trường trung cấp, ngoài số học sinh mới học xong lớp 9, còn có nhiều học sinh lớp 12 dù đã tốt nghiệp hay chưa. Có trường hợp đã tốt nghiệp THPT, có trường hợp vì thi trượt nên vào học trường trung cấp để vừa học nghề, vừa chờ cơ hội để thi lại lấy bằng THPT. 

Không chỉ những người trong cuộc, trên nhiều diễn đàn, không thể thống kê cụ thể nhưng phần lớn ý kiến bày tỏ không tán thành chủ trương này. Luận cứ chung của các ý kiến là, học sinh mới hoàn thành chương trình THCS không đủ trình độ, kiến thức, tri thức để học ở hệ cao đẳng. Thật ra, nếu chỉ vì vướng luật (như trình bày ở trên) điều này không quá quan trọng, vì việc sửa đổi, bổ sung các luật, bộ luật không có gì quá khó khăn. Vấn đề là ở chỗ, liệu học sinh THCS, không qua THPT, có đủ sức học cao đẳng- một bậc học đã tiệm cận với giáo dục đại học hay không? Trong ba cấp học ở giáo dục phổ thông, gồm tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, không có cấp học nào nhiều bất cập như cấp trung học cơ sở.

Ðiều này được thể hiện rõ trên nhiều phương diện, từ thái độ học tập của học sinh cho đến khâu kiểm tra, đánh giá. Một minh chứng rõ ràng mà những người trong ngành không lạ gì, đó là kết quả điểm bài làm của thí sinh khi thi tuyển vào lớp 10 trong nhiều năm qua rất thấp. Học sinh được xếp loại giỏi về học lực, được công nhận học sinh giỏi vòng huyện, thành phố nhưng khi thi vào lớp 10 vẫn bị điểm liệt. Với tình hình đó, việc cho phép các em tiến thẳng lên cao đẳng, không thông qua giai đoạn trung học phổ thông là điều cần cần nhắc kỹ, nói thẳng ra là không nên. 

Nhìn rộng ra, đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, để nâng cao chất lượng đào tạo, điều quan trọng là tổ chức lại chương trình, nội dung đào tạo chứ không phải là tuyển sinh đối tượng nào vào học. Chương trình đào tạo hiện nay rất ôm đồm, nếu được tự chủ hoàn toàn về học thuật, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học sẽ không ngần ngại cắt bỏ nhiều môn học không cần thiết, từ đó có thể rút ngắn chương trình đào tạo, người học sớm gia nhập thị trường lao động.

VIỆT ÐÔNG

 

Tin cùng chuyên mục