Theo dõi Báo Tây Ninh trên
UBND TP.HCM vừa chỉ đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong năm 2017 lập quy hoạch xây dựng không gian ngầm, trong đó có quy hoạch bãi đậu xe ngầm.
Sơ đồ nhà ga metro Bến Thành và trung tâm thương mại ngầm từ chợ Bến Thành đi dọc đường Lợi đến Nhà hát TP (Q.1)
Đồng thời báo cáo kết quả rà soát và đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình UBND TP trong tháng 4-2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, việc quy hoạch không gian ngầm này có diện rộng toàn TP.
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, việc quy hoạch trước mắt là quy hoạch những không gian ngầm công cộng. Còn không gian ngầm của những công trình riêng lẻ thì Nhà nước chỉ khuyến khích chủ đầu tư kết nối.
Thực tế, việc kết nối các tầng ngầm của các dự án tư nhân vào không gian ngầm công cộng sẽ có lợi cho nhà đầu tư lẫn Nhà nước.
Đoạn từ vòng xoay Quách Thị Trang (phía trước chợ Bến Thành) đi dọc đường Lê Lợi đến Nhà hát TP là đoạn metro đi ngầm và có trung tâm thương mại ngầm trong lòng đường Lê Lợi - Ảnh: HỮU KHOA
Trước đó, năm 2012 UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu trung tâm hiện hữu TP có diện tích 930ha, trong đó đã quy hoạch không gian ngầm chủ yếu là ở Q.1, bao gồm không gian ngầm dưới đường Lê Lợi; giữa ga Bến Thành và ga Nhà hát TP (không gian bên trên tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên; đường bộ ngầm và trung tâm mua sắm ngầm).
Không gian ngầm bên dưới ga Bến Thành làm quảng trường ga và trung tâm mua sắm. Không gian bên dưới công viên 23-9 làm đường bộ ngầm, bãi đậu xe, bến xe buýt và trung tâm mua sắm.
Không gian bên dưới công viên dọc bờ sông Sài Gòn (dọc đường Tôn Đức Thắng) và Công trường Mê Linh làm bãi đậu xe và trung tâm mua sắm.
Các bãi xe ngầm dưới công viên Lê Văn Tám, sân khấu Trống Đồng, sân thể thao Hoa Lư... cũng đã được quy hoạch.
Nguồn TTO