Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí với những nội dung cốt lõi nhưng vẫn cần tiếp tục làm rõ một số vấn đề.
Bộ trưởng thương mại quốc tế Canada, ông François-Philippe Champagne, tại phiên họp về TPP trong khuôn khổ diễn đàn APEC 2017 ngày 9-11 - Ảnh: REUTERS
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ bản dự thảo tuyên bố cuối cùng về vấn đề này dự kiến công bố ngày hôm nay (11-11) do hãng tin này tiếp cận được. Trong đó 11 quốc gia thành viên TPP nhất trí sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo để hoàn tất, ký và thực thi hiệp định thương mại này.
Trước đó, đã từng dấy lên những thông tin nghi ngại về khả năng tồn tại của thỏa thuận khi thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau, bỏ tham dự một cuộc họp về thỏa thuận của các nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên ngày 10-11 các nhà đàm phán đã trở lại bàn thương lượng và nhất trí về một số nội dung cơ bản của thỏa thuận mà họ sẽ đặt tên mới là Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tuyên bố cuối cùng cũng cho biết "một số những điều khoản hạn chế" trong nội dung thỏa thuận ban đầu sẽ chấm dứt, ngoài ra cần tiến hành công tác kỹ thuật với 4 lĩnh vực vẫn cần đạt được đồng thuận "nhằm chuẩn bị cho văn bản cuối cùng để ký". Tuy nhiên tuyên bố không nói khi nào việc ấy có thể diễn ra.
Bộ trưởng thương mại Canada, ông Francois-Philippe Champagne, phát biểu trước báo giới: "Còn rất nhiều việc phải làm nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được tiến bộ trong hôm nay".
Canada là nền kinh tế lớn thứ hai sau Nhật Bản trong số các thành viên còn lại của TPP. Quốc gia này cho biết muốn có một thỏa thuận sẽ bảo vệ việc làm cho người lao động trong nước.
Bộ trưởng thương mại Canada cũng đề cập cụ thể tới hai lĩnh vực nước này muốn thương lượng thêm là ô tô và bảo hộ văn hóa.
Ông Francois-Philippe Champagne giải thích sở dĩ thủ tướng Trudeau vắng mặt trong phiên họp trước là vì "đã có sự nhầm lẫn về lịch làm việc".
Cùng với cắt giảm thuế quan, thỏa thuận TPP còn có những điều khoản về bảo vệ môi trường, quyền lợi của người lao động và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, một trong những vấn đề còn tắc nghẽn lớn nhất sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này.
Lập trường của Canada trong các cuộc thương lượng về TPP thời gian qua cũng phức tạp hơn vì trên thực tế nước này đồng thời tiến hành tái thương lượng với chính quyền của ông Trump về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Trong bài phát biểu tại APEC, ông Trump tiếp tục làm rõ thông điệp rằng ông chỉ quan tâm tới những hiệp định song phương tại châu Á vì những thỏa thuận đó theo ông sẽ không bao giờ đẩy nước Mỹ vào thế bất lợi.
Trong khi đó, cũng tại diễn đàn này, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại nhấn mạnh toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược.
Nguồn TTO