Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV về việc thi công đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Ninh. Theo đó, cử tri băn khoăn về việc dừng thi công đoạn đường này quá lâu khiến cầu, đường trên tuyến này xuống cấp nặng nề, gây lãng phí nghiêm trọng.
Cầu, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Trảng Bàng khi đang được thi công, hiện đã xuống cấp nặng nề.
Vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà được Bộ phê duyệt dự án đầu tư ngày 17.12.2007. Toàn tuyến có chiều dài 84km, tổng mức đầu tư gần 3.400 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án được khởi công từ năm 2009. Phần đường đã cơ bản thi công hoàn thành khâu đắp nền, hạng mục cầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà đang tạm hoãn.
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư vào dự án trên, từng bước hoàn thành đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khu vực dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư các hạng mục còn lại của dự án sang đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận đề xuất trên. Hiện Bộ GTVT đang thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và khẩn trương hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định để sớm triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BOT, dự kiến khởi công trong năm nay.
Bộ GTVT cũng trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh gửi tới kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV đề nghị Bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công các tuyến đường cao tốc, vì thực tế cho thấy đường mới đưa vào hoạt động thì lại bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Theo đó, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua, các dự án xây dựng giao thông nói chung và dự án đường cao tốc nói riêng hoàn thành bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các vùng, các địa phương nơi có công trình, dự án triển khai. Tuy nhiên, tại một số dự án, công trình, khi đưa vào sử dụng đã xuất hiện một số tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng ở một số hạng mục hoặc bộ phận công trình, làm hạn chế khả năng khai thác sử dụng của công trình.
Có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng tới chất lượng công trình, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân như: do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên phải phân kỳ đầu tư dự án thành nhiều giai đoạn, dẫn đến chưa đáp ứng được các yêu cầu sử dụng, khai thác; do công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, việc bàn giao mặt bằng còn gây khó khăn cho việc triển khai thi công đồng loạt và kiểm soát chất lượng, đặc biệt tại nhiều đoạn tuyến phải xử lý nền đất yếu, việc bàn giao mặt bằng không kịp thời nên khó bảo đảm thời gian gia tải chờ lún; do sự tăng đột biến về lưu lượng xe và đặc biệt tải trọng trục nặng nằm ngoài kết quả dự báo nên ảnh hưởng tới chất lượng khai thác, sử dụng.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan nêu trên, còn nguyên nhân chủ quan là do nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, chủ đầu tư còn có lúc, có nơi chưa tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật của dự án hoặc việc lựa chọn công nghệ, giải pháp thiết kế, thi công ở một số công trình chua thực sự phù hợp.
Để khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết về chất lượng, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chủ đầu tư kiểm tra đánh giá đúng nguyên nhân, chỉ đạo khắc phục triệt để và xử lý trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia đối với các nguyên nhân do lỗi của nhà thầu thì nhà thầu phải chịu hoàn toàn kinh phí khắc phục.
Cầu vượt đường Hồ Chí Minh bắc qua đường Xuyên Á (thuộc huyện Gò Dầu) xây dựng dở dang. Ảnh: Lê Đức Hoảnh
Bộ GTVT cũng cho biết luôn xác định công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, tiến độ trong đầu tư xây dựng công trình giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bảo đảm hiệu quả đầu tư các dự án.
Vừa qua, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ chất lượng công trình như: Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành của bộ và các cơ quan tham mưu, nhằm bảo đảmchất lượng, tiến độ thực hiện từ khâu lập dự án đầu tư, khảo sát - thiết kế đến thi công xây lắp; rà soát, kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh văn bản quy phạm pháp luật và chế độ chính sách để tăng cường công tác quản lý chất lượng và công tác lựa chọn nhà thầu; rà soát, hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ mới... bảo đảm thực hiện có chất lượng từ giai đoạn lập dự án đầu tư khảo sát thiết kế đến giai đoạn thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giám sát quản lý chất lượng, góp phần bảo đảmchất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án…
Đồng thời, Bộ GTVT cũng chủ động kiểm tra, kiểm soát, ngăn ngừa các yếu tố ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình, kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm; tăng cường công tác kiểm định, giám định chất lượng tại các dự án có nghi ngờ về chất lượng để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh bảo đảm chất lượng công trình.
HOÀNG THI