Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trăm năm Đông Tác- làng Chăm
Thứ tư: 14:59 ngày 31/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Điểm lại chuyện xưa nay ở “xóm Chàm”. Nói theo cách dùng từ ngày nay, là xóm của người Chăm Đông Tác, nay là khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh.

Huỳnh Minh là tác giả sách Tây Ninh xưa (1973). Ông đã đi điền dã và khảo cứu khá kỹ lưỡng về người Chăm ở xã Thái Hiệp Thạnh, tỉnh lỵ Tây Ninh, nay là TP. Tây Ninh. Phần viết về “người Chàm” Tây Ninh có đến 10 trang sách. Dù vậy, ông vẫn mắc một cái lỗi trầm trọng.

Đấy là ở câu: “người Chăm Tây Ninh theo Hồi giáo phái Bà-ni (Bani) không ăn thịt heo và chôn xác chết”. Sự thật là Hồi giáo Bà-ni chỉ có ở các tỉnh Nam Trung bộ. Còn người Chăm Tây Ninh theo đạo Hồi, hay còn gọi là Chăm Hồi giáo Islam.

Tác giả cũng “quên”, không nhắc đến cái tên của làng xưa Đông Tác, dù cái tên này mới mất không lâu. Đấy là vào năm 1957, khi xã Đông Tác được giải thể, nhập vào xã Thái Hiệp Thạnh. Trong khi đến tận ngày nay (2024), nhiều người Chăm ở đây vẫn còn nhớ đến tên của làng xưa, làng từng có một tên riêng.

Nhóm người Chăm ở làng Đông Tác xưa, khoảng năm 1920. Ảnh: tư liệu Đ.H.T

Gần đây, đọc được trên Wikipedia, bài của nhà thơ, nhà báo Phan Khôi (1887- 1969) có tựa đề: Tình hình một xóm Chăm ở Tây Ninh. Bài đăng trên Đông Pháp thời báo ở Sài Gòn, các số 713 (28.4.1928) và số 714 (1.5.1928); mới biết rằng ông nhà báo này từng có mặt ở Tây Ninh, đã đến tận nơi tại “xóm Chăm” xưa. Vậy cũng nên điểm lại chuyện xưa nay ở “xóm Chàm”. Nói theo cách dùng từ ngày nay, là xóm của người Chăm Đông Tác, nay là khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh.

Phan Khôi là một tác giả quen thuộc với người làm thơ, làm báo Việt Nam thế kỷ trước. Về thơ, ông rất nổi tiếng với bài thơ Tình già. Theo trang danang.gov.vn: “Bài Tình già được ra mắt bạn đọc trên báo Phụ nữ tân văn số 122, ngày 13.3.1932. Nhờ thế, Phan Khôi được coi là “người đầu tiên khai mở một lối thơ được gọi là “Thơ mới” trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn học coi đây như một “tuyên ngôn” của phong trào thơ mới. Ngoài ra, Phan Khôi còn được xem như “một nhà báo kỳ cựu, đã từng cộng tác với cả chục tờ báo như: Thực nghiệp dân báo, Hữu thanh, Phụ nữ tân văn, Phụ nữ thời đàm, Đông Pháp thời báo, Trung Lập, Tràng An, Tri Tân, chủ trương tờ Sông Hương…”. Nhà báo kỳ cựu này đã viết gì về xóm Chàm ở Tây Ninh, 96 năm về trước? Đoạn mở đầu, tác giả viết: “Bấy giờ cả tỉnh Tây Ninh có 3 xóm Chăm ở, mà ở mỗi nơi một xóm, chớ không liên lạc nhau. Họ nói rằng lúc đầu tổ tiên họ trốn tránh người An Nam về ở đó, chỉ rặt một giống Chàm mà thôi”. “Họ” ở đây, chính là một người kể chuyện ở xóm Chăm Đông Tác. Châu Thành trong đoạn văn trên là một danh từ chung, chỉ tỉnh lỵ của các tỉnh, thành.

Một phụ nữ Chăm đi Chợ cũ (khu vực phố ăn đêm bờ kè Tây Ninh ngày nay) năm 1931. Ảnh: tư liệu Đ.H.T

Theo địa danh hành chính năm ấy, thì Châu Thành- Tây Ninh nằm trên địa bàn 2 xã là Hiệp Ninh và Ninh Thạnh. Cho đến năm 1942, chính quyền mới tách từ 3 xã, bao gồm 2 xã trên và xã Thái Bình để lập nên xã mới Thái Hiệp Thạnh- xã được coi là tỉnh lỵ Tây Ninh. Theo lời kể của người xóm Chàm, thì người Chăm đã đến sinh sống tại Tây Ninh từ rất sớm, khi mà quanh các xóm Chăm chưa hề có người Kinh hoặc người Khmer đến ở. Ba xóm Chàm được kể, theo sách Địa chí Tây Ninh (2005) là các xóm ở Đông Tác, Trà Vong và Thanh Điền. Tuy nhiên, đến khoảng các năm cuối thập kỷ 40 của thế kỷ 20 thì vùng Trà Vong diễn ra chiến sự ác liệt, khi mà căn cứ địa Trà Vong của cách mạng tỉnh Tây Ninh được thành lập. Và, Pháp xua quân càn quét khắp vùng. Do vậy, người Chăm ở đây đã bỏ đi tìm đất mới. Còn xóm Chăm Thanh Điền cũng đã không tồn tại từ giữa thế kỷ 19. Bởi vào năm 1909, khi nhà khảo cổ người Pháp H. Parmentier tới khảo sát tại đây thì chỉ còn: “một nhóm mộ, nơi những người Chăm cuối cùng đặt mộ địa ba ông vua của họ. Nghĩa địa này gồm nhiều dãy mộ, bao bọc bởi những hàng gỗ cắm xuống đất… Hai tảng đá thô đánh dấu biên mộ bình thường, những mộ chefs (sếp) được chỉ ra bằng hai cột mốc tròn bằng gỗ, hoặc đá ong…”. Theo H. Parmentier, những người Chăm đã sống ở đây đến khoảng năm 1830 mới bỏ đi (theo tạp chí của Trường Nghiên cứu Viễn đông thuộc Pháp, số 9 năm 1909).

Một ngày chủ nhật, nhà thơ Phan Khôi rủ thêm một thầy giáo địa phương đi thăm xóm Chăm: “Bắt đầu từ chợ thành Tây Ninh đi non một cây số thì đến xóm Chàm. Quả nhiên vào tới xóm họ, thấy quang cảnh khác lắm: đường đi thì thấp hơn trong vườn ở mà đầy những phân bò phân trâu, mình ghê không dám bước mà họ thì cứ đi tự nhiên như thường… Cả xóm có độ một trăm nóc nhà toàn nhà sàn cả, phần nhiều lợp tranh, cũng có ngói một ít. Nhà nào bề ngoài phên vách cũng xệ xạc, còn trong nhà thì bày biện bầy hầy, không có thứ tự chi cả, quần áo chiếu chăn họ cứ đem vắt ra giữa nhà. Trong vườn không hề trồng tỉa gì, có vườn chỉ thấy lơ thơ vài bụi chuối còn thì bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Đáng lấy làm lạ vườn của họ không rào giậu, cũng không có ngăn, từ vườn nầy qua vườn kia đi thông thương được cả. Thì té ra về vườn đất, họ không có chia phần và bán cho nhau như ta. Họ lấy đất trong xóm làm của chung, tuỳ ai muốn làm nhà ở chỗ nào cũng được, thuế đất thì cứ chan đều cho từng nóc nhà, chia nhau mà nộp. Cái chế độ ấy hay lắm. Nếu vườn đất của họ được mua bán như ta, thì đất cả xóm đó sẽ về mấy tay nhà giàu mua hết, những người nghèo tất chí không có chỗ mà ở…”.

Nhà sàn Chăm

 

Nếu nhà thơ Phan Khôi có sống lại, đi thăm xóm Chăm hôm nay, hẳn ông sẽ không nhận ra nơi mình đến vào năm 1927 nữa rồi! Xóm Chăm vẫn còn hơn một trăm nóc nhà, nhưng đã không còn một ngôi nhà sàn nào cả. Tất cả đã được làm nhà trệt, nhà lầu như của người Kinh, tường xây, mái lợp tôn hay ngói. Con đường “thấp hơn trong vườn” nay đã được tôn cao, trải thảm bê tông nhựa. Đường mang tên Nguyễn Văn Tốt, một cố Bí thư Tỉnh uỷ rất quan tâm đến các tôn giáo dân tộc trong tỉnh. Đường nối dài từ quốc lộ 22, vòng qua xóm Chăm rồi chạy xuống đường Phan Châu Trinh ven rạch Tây Ninh. Bên đường nổi bật ngôi thánh đường Hồi giáo với các tháp trụ vút cao và các vòm cong cùng kiểu với kiến trúc Hồi giáo ở Trung Đông. Bên cạnh thánh đường còn có ngôi trường xây lầu kiên cố mang tên trường Lê Văn Tám. Đường sá cửa nhà, tất cả đều sạch sẽ khang trang. Đêm về đèn đường chan hoà ánh sáng. Những hình ảnh tối tăm nhem nhúa của xóm Chăm ngày trước đã hoàn toàn trôi xa về dĩ vãng. Nay xóm Chăm cũng đã trở thành một khu đô thị văn minh thuộc khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh.

Trần Vũ

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục