Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trăm năm Đông Tác- làng Chăm
Thứ tư: 17:02 ngày 07/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Xóm Chăm lúc này thuộc ấp Thái Vĩnh Đông. Ấp này đã bao gồm cả phần đất của Đông Tác- làng xưa và một phần của làng Vĩnh Xuân.

Vào năm 1972, khi Huỳnh Minh đi điền dã ở Tây Ninh thì xóm Chăm đã có một vài đổi khác (so với năm 1927, nhà thơ Phan Khôi đã viết). Cả hai ông đều xác định từ chợ Tây Ninh đến xóm Chăm là khoảng 1 km. Xin nói thêm, cái chợ Tây Ninh những năm ấy còn ở khoảng giao lộ giữa đường Quang Trung và Lê Lợi ngày nay. Từ đây, phải theo đường Trần Hưng Đạo về phía cầu Quan, rồi rẽ sang đường Gia Long cũ (nay là Cách Mạng Tháng Tám), qua dốc cây Me rồi rẽ phải là vào tới xóm.

Thánh đường Chăm.

 

Năm 1972, đường vào xóm Chăm vẫn là đường đất, nhưng tác giả Tây Ninh xưa đã thấy: “Giáo đường Hồi giáo xây gạch, quét vôi trắng cửa vòng cung và bốn tháp nhỏ liền bốn góc giao đường, phô trương vẻ trang nghiêm giữa đám dừa thốt nốt xinh đẹp, cạnh bên có ngôi trường tiểu học cộng đồng…”.

Như vậy, xóm Chăm đã có thêm ngôi thánh đường và ngôi trường tiểu học. Trên bảng vữa đắp xi măng ở mặt tiền, có khắc số 1957. Còn ngôi trường xưa, ông Chàm Ry, 74 tuổi cho biết, trường ấy do bà con trong xóm tự kéo gỗ về làm cho con em có nơi học tập. Thời gian đầu trường có tên là Trường tiểu học Dân tộc Chăm Thái Vĩnh Đông. Sau 1975, Nhà nước mới đầu tư xây mới và đổi tên trường thành Vừ A Dính, và nay là Lê Văn Tám.

Xóm Chăm vẫn còn một vài dấu tích xưa, như nhà khảo cổ học người Pháp H. Parmentier đã thấy ở xóm Chăm Thanh Điền. Đấy là khu nghĩa địa ở ngay sau thánh đường, rộng khoảng 1.000m2, dưới um tùm cỏ mọc vẫn còn các viên đá thô: “đánh dấu biên mộ bình thường”, và “những mộ của chefs được chỉ ra bằng hai cột mốc tròn bằng gỗ hoặc đá ong”. Một dấu tích xưa nữa là cánh đồng lúa của làng xưa Đông Tác.

Cánh đồng này hiện vẫn còn, bắt đầu từ cuối xóm, nơi có bến Trường Đổi tới đường Huỳnh Công Thắng. Vẫn còn cái cống thoát nước qua đường gọi là cống Chàm. Tiếc rằng bà con Chăm đã bán đi gần hết để chuyển nghề, làm thuê hoặc làm công nhân ở các doanh nghiệp gần xa.

Đến đây, xin tiếp tục nói về xóm Chăm, có thể là một trong những xóm Chăm đầu tiên ở đất Tây Ninh.

“Đầu năm 1693, Nguyễn Hữu Cảnh đánh bại quân Chiêm Thành… một phần dân chúng chạy sang U Đông, Chân Lạp tị nạn (một phần 5.000 dân trong số này vào năm 1755 đã được Nguyễn Cư Trinh đưa đến vùng gần núi Bà Đen, Tây Ninh định cư. Nay thành những xóm Chăm có khoảng 2.000 dân ở huyện Tân Biên và thị xã Tây Ninh…” (Vương Công Đức, Trảng Bàng phương chí, 2016).

Người Chăm đi chợ năm 1931 (khu vực chợ cũ, phố ăn đêm thành phố Tây Ninh hiện nay. Ảnh tư liệu: Đ.H.T

Trở lại với bài viết trên tạp chí Trường Viễn Đông thuộc Pháp, H.Parmentier cũng nhắc đến các vị thủ lĩnh của người Chăm Đông Tác, nhưng với các tên gọi khác: “Đó là nơi chôn ba nhân vật lớn trong số những người Chăm cùng khốn: ba anh em trai hay cha và hai con trai, Xích, Chưởng và Nòn. Hai người sau còn sống ở xứ này vào khoảng năm 1830…”.

Ông cũng cho biết người Chăm Tây Ninh những năm ấy vẫn gọi họ là vua. Nhưng trên thực tế đấy là những hậu duệ của vua Chăm sau khi mất nước vào năm 1693. Những ngôi mộ được H.P nhắc đến từng tồn tại đến gần đây ở khu phố 5, phường 1, TP. Tây Ninh- nơi mà người địa phương quen gọi là xóm Hố.

Với tập quán sống tách biệt với các cộng đồng dân cư, dân tộc khác, địa bàn cư trú của người Chăm trong các thế kỷ 18 và đầu 19 không ổn định. Phải đến tận năm 1857, triều vua Tự Đức mới định một thôn riêng cho người Chăm sinh sống. Sách Từ điển địa danh hành chính Nam bộ (2008), trang 375 có mục từ Đông Tác như sau: “Thôn thuộc tổng Hoà Ninh, huyện Tân Ninh, tỉnh Gia Định, được lập tháng 5, năm Tự Đức thứ 10 (1857) nơi có nhiều người Chăm sinh sống… Ngày 26.11.1957 sáp nhập vào xã Thái Hiệp Thạnh…”.

Như vậy là, kể từ khi những người Chăm đầu tiên có mặt ở Tây Ninh (1755), thì phải 102 năm sau nữa, họ mới có một địa điểm cư trú ổn định (1857). Thêm 100 năm nữa thì mới sáp nhập vào tỉnh lỵ (Châu Thành) tỉnh Tây Ninh. Cũng trong năm này, ngôi thánh đường Hồi giáo đầu tiên trên đất Tây Ninh được xây dựng. Xã Thái Hiệp Thạnh- tỉnh lỵ Tây Ninh trong thời chế độ Sài Gòn, có các ấp đều mang âm tiết đầu là: Thái (như Thái Chánh, Thái Ninh…).

Săn cọp ở Tây Ninh năm 1900. Ảnh tư liệu: Đ.H.T

Xóm Chăm lúc này thuộc ấp Thái Vĩnh Đông. Ấp này đã bao gồm cả phần đất của Đông Tác- làng xưa và một phần của làng Vĩnh Xuân. Do vậy mà có cái tên rất đẹp ấy. Đông, chắc là Đông Tác, còn Vĩnh là của Vĩnh Xuân. Trên phần đất chỉ khoảng nửa cây số vuông phía Bắc đường Cách Mạng Tháng Tám và Tua Hai, thuộc ấp, là mật độ dày các di tích lịch sử văn hoá.

Như chùa Vĩnh Xuân (1871) từng là bến đậu thuyền cho dân lục tỉnh (Nam kỳ xưa) lên núi viếng Bà. Như đình Thái Vĩnh Đông, từng là ngôi “Di hữu xã”- nơi cất giữ những di tích của làng xưa Ninh Thạnh. Có nhiều năm đây cũng là ngôi miếu thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản.

Liền kề 2 công trình cổ vừa kể là ngôi nhà cổ của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên có từ năm 1894. Nhưng quan trọng nhất, lại là một di tích chỉ còn trong những đoạn viết về lịch sử hoặc ký ức của nhân dân. Đấy là bến Trường Đổi, một bến sông chắc chắn thuộc làng xưa Đông Tác.

Theo Huỳnh Minh trong “Tây Ninh xưa”, thì đây là cái chợ trao đổi hàng hoá giữa người Việt và người Chăm trong thời kỳ đầu Pháp chiếm Tây Ninh (1861). Bến sông này cũng là nơi diễn ra trận đầu thắng Pháp của nghĩa quân Trương Quyền và Pu-Kom-po vào ngày 7.6.1866.

Trận đánh tiêu diệt 12 sĩ quan và lính Pháp, trong đó có cả Đại uý De Larclauze, lúc bấy giờ là quan chủ tỉnh Tây Ninh. Chưa có sử liệu nào bình luận về vai trò của người xóm Chăm. Nhưng với thái độ bất hợp tác của người Chăm với quân Pháp thực dân lúc ấy, thì chắc chắn Trương Quyền và Pu Pu-Kom-po nhận được sự giúp đỡ của họ trong chiến công đầu năm ấy. Và, ngay cả ngôi thánh đường của xóm Chăm cũng đáng được coi là một di tích lịch sử - văn hoá trên đất Tây Ninh.

Xóm Chăm thành phố Tây Ninh năm 1931. Ảnh tư liệu: Đ.H.T

Ngày nay, theo thống kê năm 2019, Tây Ninh đã có đến 4.219 người Chăm. Và: “năm 2020, người Chăm đã sinh sống tại 9 khu vực tập trung thuộc 7 xã ở các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên và TP Tây Ninh với 6 thánh đường và 1 tiểu thánh đường…” (Tây Ninh Đất và Người, 2020).

Thì làng Chăm Đông Tác và ngôi thánh đường ở đây vẫn là ngôi đầu tiên để lại dấu ấn Chăm sâu đậm nhất. Hiện tại, sau 67 năm tồn tại, ngôi kiến trúc này đã bị hư hại khá nhiều, trong khi người dân chưa đủ điều kiện kinh tế để tôn tạo lại. Một vấn đề cũng khó xử lý nữa, là các nghĩa địa Chăm ở ngay giữa lòng xóm Chăm.

Chủ trương đúng đắn của thành phố Tây Ninh là di dời các khu mộ ra khỏi khu dân cư. Nhưng tập tục Hồi giáo của người Chăm lại là: “người Chăm chôn người chết vĩnh viễn không cải táng” (Phan An và Nguyễn Thị Nhung- sách đã dẫn). Do vậy mà những nghĩa địa này từ lâu nay đã trở lại hoang hoá.

Trần Vũ

Tin cùng chuyên mục