Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam (30.4.1975-30.4.2017):
Trận đánh trước ngưỡng cửa hoà bình Kỳ 1: Núi Bà Ðen, năm cuối cùng đuổi giặc ngoại xâm
Thứ bảy: 17:09 ngày 29/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Bao nhiêu năm chiến tranh, ngọn núi đơn chiếc giữa đồng bằng miền Ðông Nam bộ hứng chịu biết bao bom đạn của quân đội viễn chinh Mỹ, kể cả bom rải thảm do pháo đài bay B52 trút xuống. Rồi còn biết bao đợt bão lửa napal, chất độc hoá học làm trụi lá cây liên miên dội xuống. Sườn núi phía Bắc, phía Ðông không còn một thân cây đứng, lộ ra bãi đá trắng hếu, lở lói, trông đến nhói lòng.

Ký sự NGUYỄN TẤN HÙNG

Ðồng chí Võ Ðức Trọng (Ba Trọng, thứ hai bên phải hàng đầu) trao đổi với tác giả trong cuộc họp mặt truyền thống huyện Toà Thánh nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền Nam 30.4.2005.

Như từ trong vách đá lạnh lẽo bước ra, ông Ba Trọng, tức đồng chí Võ Ðức Trọng, đến gần cửa động Kim Quang ngồi xuống một gộp đá. Bao nhiêu năm chiến tranh, ngọn núi đơn chiếc giữa đồng bằng miền Ðông Nam bộ hứng chịu biết bao bom đạn của quân đội viễn chinh Mỹ, kể cả bom rải thảm do pháo đài bay B52 trút xuống.

Rồi còn biết bao đợt bão lửa napal, chất độc hoá học làm trụi lá cây liên miên dội xuống. Sườn núi phía Bắc, phía Ðông không còn một thân cây đứng, lộ ra bãi đá trắng hếu, lở lói, trông đến nhói lòng. Chỉ riêng sườn núi phía Nam còn được chút ít rừng, che chắn cho những dũng sĩ núi, những chiến binh du kích bám trụ chiến đấu trong những công sự thiên nhiên vô cùng kiên cố.

Mặt trời nhô lên từ những cánh rừng cao su xanh ngắt xa xa dưới đồng bằng phía Ðông Nam. Ánh nắng như loé sáng hơn khi soi vào cửa động Kim Quang, khiến ông Ba phải đưa tay che mắt lúc ông hướng nhìn xa xăm về phía vùng dân cư khu Toà Thánh - Long Hoa, chi chít những mái nhà xam xám, những con lộ như những đường gân đỏ nhỏ xíu, xen lẫn những ô ruộng, đám rẫy, vườn tược xanh rờn.

Nhiều năm trước cách mạng mùa thu, khi còn là chú bé tuổi mới tròn con giáp, ông Ba đã theo ông nội, từ bên Thanh Ðiền qua Toà Thánh làm công quả xây dựng đền Thánh. Chiến tranh thế giới nổ ra, quân Pháp rồi quân phát-xít Nhật chiếm đóng nội ô Toà thánh, công trình xây dựng đền Thánh bị ngưng trệ, ông cháu ông Ba lục tục trở về Thanh Ðiền. Ðến cách mạng mùa thu thì chú bé Ba Trọng đã là anh thanh niên bẻ gãy sừng trâu, anh hăng hái tham gia Thanh niên Tiền phong, hồ hởi tham gia đoàn biểu tình giành chính quyền, rồi theo kháng chiến đi luôn, hết chống Pháp, tiếp tục chống Mỹ, cho đến bây giờ.

Từ anh vệ quốc quân Chi đội 11, qua hết tuổi xuân, ông Ba đã là Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, phụ trách Khối Dân vận - Tôn giáo vận, đang trực tiếp chỉ đạo phong trào chung của huyện Toà Thánh. Nhất cử nhất động trong chùa, ngoài chợ, ở cả vùng “thánh địa”, cơ sở cách mạng đều báo cáo cho ông biết.

Sáng nay, ông Ba đợi khách. Ðợi những người phụ nữ gan góc, nhanh trí, dưới lớp áo dân làm rẫy, dám vượt qua những bót đồn, trạm gác dày đặc với những ánh mắt nhìn soi mói, bàn tay lông lá của đám lính đủ binh chủng trú đóng dài theo lộ Bình Dương từ Toà Thánh lên núi.

Họ là những cơ sở mật, những liên lạc viên của “Mặt trận”, của “Giải phóng”, như từ thường dùng của người dân vùng tạm chiếm gọi những người kháng chiến trên núi, trong rừng. Chỉ có điều đặc biệt là các cơ sở cách mạng ở vùng này phần nhiều là người có đạo. Mỉa may thay, chính vì tấm lòng mộ đạo sáng trong, luôn mong muốn hoà bình an lạc cho nhơn sanh, không màng lợi danh phù phiếm, mà họ bị những kẻ mượn danh đạo tạo danh đời, những con sói dữ đội lốt thầy tu rình rập, đàn áp, bắt bớ, con cháu họ, những thiếu niên vừa lớn lên, bước sang tuổi 18 là bị bắt đi lính ngay…

Chính vì vậy mà họ theo cách mạng, như một lối thoát duy nhất để không phải rơi vào tù ngục, con cháu họ phải đi lính chết thay cho quân xâm lược Mỹ.

Có tiếng bước chân xào xạc từ phía lối mòn len lỏi qua vách đá lên động. Người giao liên đã đưa khách đến, đó là một phụ nữ có lẽ chưa đến tuổi ba mươi, nhưng vì nước da sạm nắng và bới tóc sau ót nên trông có vẻ khắc khổ, cằn cỗi. Chị khoanh tay: thưa chú Ba, rồi nhẹ nhàng ngồi xuống phiến đá, tháo chiếc khăn quấn cổ thấm mồ hôi trên trán.

Trông dáng vẻ mộc mạc, nhà quê của chị, ít ai dám nghĩ đây là một chiến sĩ biệt động đánh giặc có tiếng ở xứ Trảng, được cấp trên điều động lên huyện Toà Thánh theo đường công khai hơn một năm nay để xây dựng đội tự vệ mật, chuẩn bị cho một nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Con đường của chị từ Trảng Bàng lên Long Hoa phải đi vòng rất xa, gần như… ra nước ngoài rồi mới về. Thật ra, tổ chức chỉ đưa chị tới An Thạnh - Bến Cầu, nhập vô trong dòng người tị nạn chiến tranh từ Campuchia hồi hương, để được lính tiểu khu Tây Ninh đưa lên Long Hải, một “ấp tân sinh” ở phía Nam Toà Thánh, gần đụng lộ 22, do bọn bình định xây dựng vài năm nay để định cư dân Việt kiều chạy giặc Lon Non về nước.

Chị có tên thường gọi là Út Coi, không phải “hồi hương” về Long Hải một mình, mà tới ba chị em. Ði cùng với chị có cô em là Út Nghét, và thằng cháu tên Ðức, thứ Bảy, nhưng lại có cái biệt danh lạ hoắc là Bảy Cui hay Ðức Cui. Ba người cùng là đồng đội trong đơn vị biệt động Trảng Bàng, đi chung với nhau một tổ. Út Coi biết được ở ấp Long Mỹ, sát nách Toà Thánh, có ông chức sắc chứng kiến được sự hy sinh vì dân của anh cán bộ Tiểu đoàn 14 hồi tết Mậu Thân, nên rất cảm kích đối với cách mạng. Chị phân công Út Nghét tìm đến làm quen khi gánh một gánh bánh lọt với tàu hủ non đi bán dạo. Trước quen sơ sau thân thích như người trong nhà, Út Nghét nhờ vị chức sắc đưa thằng cháu khờ vô chùa trốn quân dịch.

Ông Tư giữ chức Cai quản Bá Huê Viên. Chỉ vì ông có nghề uốn kiểng, xây hòn non bộ, nên được Hội Thánh bổ về trông coi vườn hoa. Nhờ vậy ông giúp được anh Ðức bằng cách cho anh vô Bá Huê Viên tưới kiểng, vừa làm công quả vừa trốn quân dịch. Bảy Ðức ở chung phòng với anh Xê trong căn nhà Bảo thể ở một góc vườn hoa. Xê là cháu gọi ông Tư bằng cậu, nhà ở Suối Bà Tươi, chạy lên Toà thánh trốn quân dịch. Ông Tư chạy lo cho Xê cái giấy hoãn dịch tu sĩ, nên anh được làm nhân viên Bảo thể, có phận sự giữ gìn trật tự Bá Huê Viên, được đi lại ra vô nội ô khá thoải mái.

Cơ sở duy nhất Út Coi tìm đến là dì Mười Lành ở sau chợ Thương Binh, vùng ven phía Tây Bắc nội ô Toà thánh. Lúc chưa tiếp xúc Út Coi hoàn toàn không biết dì Mười là vợ của một vị chức sắc Hiệp Thiên Ðài, trung thành với đường lối “Hoà bình chung sống” của đức Hộ pháp mà bị chính quyền nguỵ quyền đàn áp rất dã man.

Ðến bước đường cùng, các vị chức sắc chân chính không còn biết phải giữ mình như thế nào, thì may có chủ trương đại đoàn kết của Mặt trận mở ra cho các vị một lối thoát. Ông Mười cùng nhiều vị chức sắc, có cả sĩ quan cấp tá của quân đội giáo phái không đầu hàng chính quyền Sài Gòn, thoát ly ra rừng, thành lập lực lượng Ban Củng cố hoà bình chung sống, cùng tham gia chiến đấu chống Mỹ bên cạnh lực lượng vũ trang huyện Toà Thánh.

Và người thay mặt Tỉnh uỷ Tây Ninh lãnh đạo chung cả ba khối: Ban Dân vận - Tôn giáo vận của tỉnh, Huyện uỷ Toà Thánh và Ban Củng cố hoà bình chung sống chính là ông Ba- một người được các vị chức sắc yêu nước nhìn nhận là bậc “đức trọng quỷ thần kinh”. Dì Mười chính là người được ông Ba giới thiệu cho Út Coi, để nhờ dì cho người cháu là anh Thuận dùng xe lôi giúp chị Út chở gạo, đồ hàng bông của tiểu thương các chợ Long Hải, Long Hoa vô hiến cho Trai đường nấu cơm chay nuôi công quả.   

Sau khi báo cáo với ông Ba về tình hình sinh hoạt của chị em trong nhóm, Út Coi cố nói vui nhưng không giấu được vẻ nôn nóng: Thưa chú, tụi con lên Toà Thánh gần cả năm nay rồi, nhưng chưa được trên giao nhiệm vụ gì cụ thể. Cứ đi cúng chùa riết rồi giống y như người đi tu!

Ông Ba mỉm cười thật hiền hậu, rồi ông nhìn thẳng vào mắt Út Coi nghiêm giọng: Lần này chú nhắn cháu lên đây là để chính thức giao nhiệm vụ cho các cháu đó. Chú nghĩ rằng các cháu đã tạo được thế hợp pháp để có thể chuẩn bị thật chu đáo cho công tác đặc biệt này. Bây giờ chú đặt tên cho nhóm của cháu là “Ðội tự vệ mật nội ô Toà thánh” và phân công cho cháu làm đội trưởng.

Không phải vô cớ mà chú chỉ cho cháu gởi cháu Ðức cho ông Tư. Cậu cháu ông Tư cũng là cơ sở mật của ta. Ðức phải ở tại nhà Bảo thể Bá Huê Viên chứ không thể ở chỗ nào khác. Chỉ có chỗ đó tiếp cận với cơ quan Tổng thanh tra Chánh trị đạo. Cháu hiểu rồi chứ!

Út Coi gật đầu: Dạ, cháu có nghe ông Tư nói về sự tác oai, tác quái của tướng Nguyễn Văn Thành. Các vị chức sắc không theo giặc đều bị hắn dòm ngó kiếm cớ đàn áp.

Ông Ba bắt đầu nói chuyện đời, chuyện đạo cho Út Coi nghe. Thật ra là ông đang quán triệt tình hình nhiệm vụ cho người nữ đội trưởng Ðội tự vệ mật:

-Ðúng vậy, tướng Thành là kẻ có tội rất lớn đối với đạo, đối với dân tộc… Gần hai mươi năm trước, sau chín năm kháng chiến, quân dân ta chiến thắng giặc Pháp với trận Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, giải phóng được miền Bắc, phân nửa đất nước được thực sự hoà bình, độc lập. Còn ở miền Nam, đế quốc Mỹ nhào vô thay chân thực dân Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Ðình Diệm khét tiếng bạo tàn. Lúc ấy quân đội giáo phái mất chỗ dựa, bị Diệm tìm cách đánh dẹp.

Lực lượng của Trịnh Minh Thế gọi là quân Liên minh ra hàng Ngô Ðình Diệm, Diệm dùng Thế để tảo thanh Bình Xuyên, rồi khi “điểu tận cung tàn”, lập tức Thế bị Diệm giết bằng một phát đạn sau lưng tại cầu Tân Thuận. Nguyễn Văn Thành bỏ Toà Thánh đi theo Bình Xuyên chơi bời trác táng ở Ðại Thế Giới và làm loạn ở Rừng Sác một thời gian, sau cùng cũng bị Diệm tóm cổ đày ra Côn Ðảo.

Nguyễn Thành Phương theo Diệm, quốc gia hoá quân đội giáo phái rồi kéo quân về bao vây Hộ Pháp đường, buộc đức Hộ pháp- giáo chủ của đạo phải chạy sang đất Miên lánh nạn. Rõ ràng là một trận cháy nhà khiến mặt chuột lòi ra, chuột cống chuột nhắt đủ cỡ. Vì những chuyện đó mà người đạo mới bảo rằng tướng tá quân đội giáo phái thực chất là một bọn phản thầy, phản đạo, chứ có bảo vệ được đạo hồi nào đâu.

Chính quyền Ngô Ðình Diệm hết sức bạo ngược, thẳng tay đàn áp, khủng bố đồng bào miền Nam, trong đó có các vị chức sắc, tín đồ của đạo, có lòng yêu nước, yêu hoà bình. Do đó, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra đời, nhiều vị chức sắc đã nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia Mặt trận.

Hết đời Diệm, đến thời Thiệu, Mỹ - nguỵ lúc nào cũng muốn nắm tôn giáo để lợi dụng đạo đánh phá cách mạng. Chúng thả Nguyễn Văn Thành với âm mưu tái lập quân đội giáo phái để tiếp tục làm tay sai cho chúng, đánh phá cách mạng. Ta hiểu rõ âm mưu của chúng nên đã có nhiều cách vạch trần âm mưu ấy, vạch mặt tên phản đạo Nguyễn Văn Thành.

Tuy vậy, tướng Thành cũng đã bày ra được màn cầu cơ giáng bút giả tạo, mạo danh các đấng thiêng liêng, để tự phong cho mình chức Tổng thanh tra Chánh trị đạo, kiêm Tổng quản Cơ thánh vệ - Cơ bảo thể. Trò ma mãnh này không xí gạt được ai, vì Tân luật - Pháp chánh truyền của đạo đâu có quy định chức sắc thiên phong làm “thanh tra” với “chánh trị”.

Nhưng nhờ có quyền đời của Mỹ nguỵ yểm trợ sau lưng, Thành cũng võ trang được cho bộ phận thân tín của y trong Cơ thánh vệ và Cơ bảo thể. Các nhân viên tuần cảnh, thánh vệ, bảo thể của Thành đến năm sáu trăm người đều có súng ngắn lận trong áo dài để khủng bố, kiểm soát người đạo trong nội ô cũng như ngoài châu thành thánh địa.

Không tái lập được quân đội giáo phái, thì Thành hốt thanh niên có đạo trốn lính trong chùa để đưa đi quân dịch làm bia đỡ đạn cho Mỹ. Ðối với các vị chức sắc, ai quy thuận, a dua theo Thành thì được cử giữ chức này, phẩm nọ trong bộ máy hành chính - chánh trị đạo. Còn ai dám chống lại Thành, ai theo “Hoà bình chung sống”, thì hắn vu cho cái tội “thờ cộng sản” rồi bắt bớ, giam cầm, kể cả thủ tiêu biệt tăm biệt tích.

Tội ác của Tổng thanh tra Chánh trị đạo tự phong Nguyễn Văn Thành đã dẫy đầy, bởi vậy toàn đạo ai cũng muốn trừng trị Thành để hắn không còn tiếp tục làm ô danh đạo…

Ông Ba Trọng dừng một chút rồi nghiêm giọng nói với Út Coi: -Chú vừa kể sơ lược cho cháu nghe về con đường tội lỗi của tướng Thành mấy chục năm qua. Ðã đến lúc hắn phải đền tội với đạo, với dân, với nước. Thay mặt cấp trên và thay mặt toàn quân, toàn dân huyện Toà thánh, chú giao cho Ðội tự vệ mật nội ô Toà Thánh làm nhiệm vụ tiêu diệt tên phản đạo, hại đời Nguyễn Văn Thành.

N.T.H

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục