Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trạng ăn làng Đồng
Chủ nhật: 22:16 ngày 21/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cao, to, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn gân guốc, với khuôn mặt chữ điền, cùng mái tóc rễ tre là đặc điểm chung của các tráng đinh dòng họ ấy.

Tổ tiên Trương Toán nối nhau nghèo mạt, chả biết tự đời nào. Nghèo thì chắc hẳn phải chịu cảnh chung thân đói khát. Vậy mà cái dòng họ ấy, cứ nối đời sinh ra những đứa con cao lớn như lính Tây đồn Xanh. Thế mới tài tình, thế mới kỳ lạ. Cao, to, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn gân guốc, với khuôn mặt chữ điền, cùng mái tóc rễ tre là đặc điểm chung của các tráng đinh dòng họ ấy.

Thời nào cũng cần đến những người có sức mạnh, để trị những thằng bất trị, nên hiển nhiên cái chức vụ trương tuần, tuy không béo bở gì, nhưng nhàn hơn cày thuê cuốc mướn, chẳng ai trong làng tranh phần được với dòng họ nhà anh Toán. Chỉ là cai quản mấy gã tuần đinh thổi tù và, nhưng cái chức trương tuần thời ấy cũng đầy vẻ oai vệ, đủ khiến nhiều người kiêng nể. Thế là cứ vậy, cha già thì truyền lại cho con. Con già lại đến phiên thằng cháu. Chiếc tù và sừng trâu đen bóng hết bố thổi, đến con thổi, đều đặn mỗi đêm cứ vang vọng từng hồi trầm đục: “Tí đu… đu” giữa đồng không mông quạnh, báo hiệu cho dân làng Đồng biết, đêm nay vẫn yên bình và sự hiện diện cần mẫn của tổ tuần đinh đang làm nhiệm vụ thường ngày, là một bảo đảm cho các vị cứ việc kê cao gối ôm vợ, ôm con mà ngủ kỹ.    

Sau tháng 8 năm 1945, cách mạng bãi bỏ chức trương tuần, anh Toán lại được chính quyền mới giao nhiệm vụ trung đội trưởng đội du kích thôn Đồng. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng Toán, du kích thôn đã chống càn nhiều trận thắng lợi, gây cho tụi lính đồn Xanh nhiều phen thất điên bát đảo. Đến nỗi tên đồn trưởng tức lồng lộn, phải treo giải mấy ngàn đồng Đông Dương, cho kẻ nào lấy được đầu đội trưởng Toán. Vậy mà thần tình sao, anh Toán vẫn không bị sứt một sợi lông chân, cho tới khi hoà bình 1954 lập lại trên toàn miền Bắc.

Mấy năm đầu hoà bình, tạm thời yên ổn khôi phục sản xuất, làng xóm dần dần ấm no, nhiều nhà siêng năng đồng áng, đã có chút của để dành phòng khi mùa màng thất bát. Sung túc rồi, các lễ hội cổ truyền tự nhiên cứ theo nhau mở ra cho dân chúng vui chơi bù vào những năm giặc giã. Tiếng là xây dựng đời sống mới, nhưng hội hè đình đám nào cũng chưa thoát khỏi khoản ăn chơi chè chén linh đình. Đội du kích thôn bây giờ không phải dàn trận chống càn, chỉ còn hoạt động hàng năm mấy kỳ luyện tập và canh phòng đêm hôm cho có hình thức vậy thôi. Bởi thế đội trưởng Toán mới có nhiều thời gian rảnh rỗi la cà khắp chốn. Đình đám nào cũng có mặt anh. Tất nhiên trong những cuộc vui chơi có đụng mâm đụng bát ấy, anh Toán là một trong những tay tham gia quá mức nhiệt tình. Quá mức vì chẳng biết do đâu anh mắc phải tật xấu ham ăn, không biết thế nào là no, dù cái bụng anh đâu có to hơn bụng mọi ngưới là mấy. Bữa cỗ nào anh cũng là người đứng lên sau cùng, và chỉ đứng lên khi đáy nồi cơm đã vơ vét tới không còn một hạt. Chuyện về tài ăn như trạng của anh cứ râm ran, đồn thổi tới mức khó mà tin nổi. Cho đến một tối, chùa làng cúng cháo cô hồn đêm rằm tháng bảy xá tội vong nhân, khi một nồi cháo lớn chuẩn bị múc vào những chiếc lá đa đặt lên mâm cúng, thì anh Toán đùa đùa nói với sư sãi trong chùa:

- Sau này tôi chết, xin chư vị cúng cô hồn cả nồi thì tôi mới được bữa no, còn cứ bôi xớn ra từng chiếc lá thế này, có mà liếm hết đêm cũng chưa ấm bụng.

- Đừng có mà nói dóc, sống sờ sờ còn chả chứa nổi nửa nồi nữa là ma.

- Thế có dám cuộc ngay bây giờ tôi húp sạch nồi cháo này không?

Vậy là một cuộc thương lượng nổ ra, sau cùng người ta múc cháo vào những bát to, bát nhỏ bày một hàng dài đo được hơn một sải tay. Được dịp trổ tài, anh Toán liền xá xá xin phép chư vị vong linh, sau đó điềm nhiên ngồi xì xụp húp cho tới bát cuối cùng, đoạn vươn vai đứng lên lững thững ra về. Ra tới cổng chùa còn ngoái cổ nói giỡn:

- Nấu nồi cháo mới tôi lại vào ăn tiếp.

Chuyện này, những người làng Đồng năm nay, vào độ tuổi sáu bảy mươi, chắc hẳn có nhiều vị được chứng kiến bữa ăn nổi tiếng ấy. Và cũng từ ấy kỷ lục húp cháo của anh Toán đã được xác lập bằng mồm thiên hạ. Còn danh hiệu trạng ăn làng Đồng thì chẳng có sắc vua ban, nhưng vẫn nghiễm nhiên dán vào danh tính anh Toán làng Đồng như một lời khen ngợi. Sau này, những chuyện như là anh ăn sạch bách một chõ xôi nhà bà X… hay hai con vịt luộc nhà ông Y… như mọc cánh bay tuột vào bụng anh gọn ghẽ. Và còn vân vân nhiều tập truyền kỳ dân gian về tài ăn uống của trạng Toán lưu lại trên cửa miệng đến bây giờ, thì chẳng ai dám xác quyết được bao nhiêu phần thực hư trong đó. Nhưng cái sự tích anh một mình nâng cả cây cột cái nhà ông chủ nhiệm hợp tác xã là có thực trăm phần trăm. Lệ tục làng Đồng hễ ai dựng nhà mới thì cả làng đến giúp, chứ chẳng riêng nhà chủ nhiệm. Bữa ấy tuổi trạng Toán đã ngoại ngũ thập rồi. Chưa già nhưng cũng xêm xêm bậc lão, nên được ưu tiên làm việc nhẹ. Tới giờ hoàng đạo, ông thợ cả chỉ huy dựng cây cột cái, hơn chục thanh niên ì ạch mãi vẫn chưa đặt được vào chân tảng, trạng Toán ngứa mắt, xắn tay áo đứng lên dõng dạc thách đố:

- Chỉ một mình tôi bê đặt cột vào đúng chỗ, các vị có tin không?

Cả bọn thanh niên tự ái đồng thanh:

- Chú làm được thì ông chủ nhiệm cho luôn đem về dựng nhà mới.

Tưởng chỉ đùa vậy, ông chủ nhiệm cũng phởn chí đồng ý liền, lại còn giao hẹn thêm ông Toán phải vác một hơi liền về nhà mới được.

Trạng Toán chỉ nói một câu: “Mọi người làm chứng nhé”. Rồi nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, xoa xoa mấy cái đoạn đứng tấn ôm cây cột to như cột đình, nâng lên từ từ đặt trúng chính tâm đá tảng. Sau khi mọi người đã chứng kiến rõ ràng, ông cúi lưng vác bổng cây cột lên vai, hai chân vững từng bước một mạch đi về phía nhà mình. Theo sau là những người làng reo hò cổ vũ. Nhà ông cách nhà chủ nhiệm non cây số, đoạn đường đất rộng hơn bờ ruộng một tí. Tới sân, ông ném phịch cây cột xuống đất, tiếng va động lớn như đổ tường. Một lời đánh đố của chủ nhiệm đâu phải đùa. Tới lúc này, chủ nhiệm phải nằn nì, xin ông cho anh em khiêng về tiếp tục dựng nhà. Ông phẩy tay tuyên bố:

- Khiêng được về thì cho không, bằng không thì tạ thóc với con lợn nộp cho làng liên hoan, Toán lại vác về chỗ cũ.

Tất nhiên đường nhỏ như bờ ruộng, thì đông người khiêng vác làm sao được. Chủ nhiệm đành bấm bụng vui vẻ chịu thua. Ngày hôm sau, như lời hứa, lớn bé già trẻ làng Đồng được một bữa liên hoan rượu thịt no say tuý luý. Thời buổi chia nhau từng lạng thóc công điểm, một bữa cỗ cho cả làng là quý lắm.

Đến khi xảy ra vụ một góc đình làng Đồng đổ sụp, rồi chả hiểu thế quái nào, Ban chủ nhiệm hợp tác xã dám vượt quyền, ra nghị quyết dỡ đình về làm nhà kho, thì danh tiếng trạng Toán lại thêm nổi như cồn. Kể từ đấy ông mới thực sự được bàn dân trong vùng kính nể. Hôm hợp tác dỡ đình, xã viên đứng tuổi chẳng ai dám tham gia, chỉ có Ban chủ nhiệm và đám thanh niên choai choai hăng hái tay vồ, tay búa đập tường, tháo ngói. Trạng Toán có mặt ngay từ sáng sớm, nhưng ông chỉ đi lại ngắm nhìn, hình như trong thâm tâm ông muốn ghi thêm vào ký ức buồn buồn của mình, một cái gì đó của một thời ông cho là đang dần dần biến mất. Đến non trưa, công việc phần trên mái tạm xong, thì gặp vấn đề rắc rối: xử lý sao đây với chiếc lư hương bằng đá to như chiếc cối xay, đã mấy trăm năm nay sừng sững ngự trị giữa gian đại bái. Chiếc lư hương này được chạm trổ rất tinh xảo, hình nổi một đôi lưỡng long chầu nguyệt sinh động tới mức, chỉ thoáng nhìn vào ta đã có cảm giác đang đứng trước một vùng sóng nước sục sôi, ẩn hiện trong đó hai con rồng màu xám cong mình vờn vẫy không ngừng nghỉ, nếu không có ba chân vạc dưới đáy lư níu giữ, thì rất có thể chúng đã tung mình bay thẳng về trời từ tám hoánh rồi. Là vật báu rất cổ, là niềm tự hào của bao đời quan dân làng Đồng, chiếc lư hương còn tồn tại đến ngày nay, có lẽ một phần nhờ thần khí linh thiêng của nó, và một phần nhờ nó có trọng lượng vài ba người lực lưỡng cũng khó mà nhấc nổi. Nghe kể lại, ngày xưa đã có lần, một làng kế cận đã mướn hai tên trộm vào loại siêu đẳng, rình hàng tháng toan lấy cắp chiếc lư này. Nhưng chúng đã phải sợ đến vãi linh hồn, khi cả hai đã ôm được vào chiếc lư, mà xoay trở thế nào cũng không hề nhúc nhích được, ba trụ chân lư vững chãi dính chặt giữa bệ thờ. Rồi cứ tư thế ấy, chúng đứng nhìn nhau cho tới sáng bạch, khi ông từ giữ đền ra mở cửa, thì cả hai mới sực tỉnh quỳ lạy như tế sao, miệng lắp bắp xin tha mạng.

Hình như chủ ý của trạng Toán lảng vảng cả buổi là để canh chừng chiếc lư quý ấy. Sợ có thằng nhóc nào ăn chưa no, lo chưa tới dại dột phang một nhát búa thì sao. Tới khi ông chủ nhiệm buông ra một câu:

- Giải quyết thế nào với cái lư hương này đây? Chả lẽ giao cho đội chăn nuôi làm cối giã bèo…

Chỉ chờ có vậy, trạng Toán ngay tắp lự tiến lên lên tiếng:

- Thì chủ nhiệm cho quách em, với tập thể thì nó chẳng được tích sự gì đâu. Chứ với nhà em thì…

Ông chủ nhiệm này vốn là đội viên du kích khi xưa, nên sẵn có nhiều nể vì đội trưởng Toán, chẳng cần suy nghĩ ông gật đầu liền. Vậy là trước bao con mắt ngạc nhiên, trạng Toán từ tốn bước đến trước bệ thờ, quỳ gối giữa bộn bề gạch ngói nát vỡ, chắp hai tay kính cẩn khom lưng xá ba xá, đoạn từ từ hai tay ôm hai khuỷu chân lư, bụng làm bệ đỡ một bên hông lư, cẩn thận nhấc từ từ chiếc lư đá với đôi rồng xám lên khỏi bệ. Rồi như có thần linh phù trợ, tuy đã có tuổi, nhưng ông vẫn đủ sức nhẩn nha tiến bước, từ đình về tới sân nhà không một lần nghỉ mệt. Một số bô lão trong làng, theo sau trạng Toán kể lại, thì ra ông đã chuẩn bị từ trước để rước ngài về. Một bệ gạch như chiếc bàn con, ông mới xây chính giữa ngôi nhà, khi biết ý định của Ban chủ nhiệm về số phận ngôi đình. Bây giờ thì ông chỉ còn mỗi việc thỉnh lư lên yên vị. Một chai rượu nhỏ, ba chiếc chén thờ, một nải chuối vừa chín ngoài vườn, trạng Toán cùng các cụ cùng hành lễ chư vị thần linh trong lặng lẽ.

Vài chục năm sau, phong trào săn lùng đồ cổ rộ lên, có mấy tay buôn cỡ bự nghe đồn đã lần mò tới tận nhà trạng Toán, ngắm nghía chán chê chiếc lư hương, rồi trả những giá khiến nhiều người làng há mồm, trợn mắt không ngờ. Lúc này trạng Toán đã ngót tám chục rồi, ông ở chung với thằng con cả. Nó to lớn hộc hệch, lại thêm một đàn con nó cũng rặt giống nhà, đều vườn vưỡn to lớn như ngỗng Bắc Kinh. Nồi cơm hằng bữa nhà ông, người yếu sức đừng hòng bê nổi. Do vậy mà cảnh nhà một năm thiếu ăn mấy tháng là sự thường. Có lúc vợ ốm không đồng mua thuốc, trạng Toán vẫn cứ điềm nhiên gạt phắt hết lần này lần khác, những món tiền cực lớn từ tay những người buôn đồ cổ, cay cú nhét vào tay ông để đổi lấy cái lư hương đá ấy. Cho tới phút lâm chung, trạng Toán ra hiệu anh con cả ghé sát lỗ tai thì thào dặn dò, anh con gạt nước mắt hết vâng rồi dạ hứa sẽ y lời. Yên bụng, ông mới khẽ vẫy bàn tay to như tay hộ pháp nổi chằng chịt gân xanh, vời cả đám đông con cháu tới bên giường thều thào lời cuối: 

- Ta biết dòng họ ta truyền đời nối dõi, đều là những trang nam nhi to lớn khác thường. Hơn người chỗ ấy mà cũng khổ nhục hơn người chỗ ấy. Bởi vì to xác, phải ăn nhiều. Xưa nay của đời có hạn, phận mọn hèn như ta lấy đâu ra cho đủ chi dùng. Ta và các cụ xưa truyền kiếp thèm cơm. Hèn lắm, nhục lắm. Các con, các cháu gắng làm sao cho thoát khỏi cái nghiệp đời, chỉ chăm chắm lo ăn ngày hai bữa thì mới mong mọc mũi sủi tăm lên được.

Trạng Toán mất rồi, gia cảnh người trai con trạng Toán vẫn chẳng khá hơn cha, vợ chồng con cái quanh năm suốt tháng lam lũ tối mặt tối mày, cơm chẳng đủ nói chi dư dả. Một món tiền to đến với nhà anh, có thể dẫn đến một cuộc đổi đời như thể nằm mơ, vậy mà anh vẫn bình tâm như vại trước rất nhiều dụ dỗ, ve vãn đổi chác chiếc lư hương, khi giá trị được đặt ngang chiếc xe đạp Favorit Tiệp Khắc, khi là một con xe 81 kim vàng long lanh giọt lệ, thứ mơ ước không bao giờ thành hiện thực của anh, cũng như hầu hết thanh niên trong làng thời ấy.

Cho tới thời kỳ đổi mới, làng Đồng dựng lại được ngôi đình mới to đẹp hơn đình cũ, anh mừng như vớ được vàng. Bao nhiêu năm canh cánh bên lòng lời cha già uỷ thác, bây giờ anh mới hả hê hoàn thành sứ mệnh, đưa trả báu vật của làng về lại chính nơi nó đã mấy trăm năm ngự trị.

Vậy ra, trạng Toán đã ngầm biết trước sẽ có ngày này!

Ngày nay, chuyện về trạng Toán làng Đồng đã thêm thắt nhiều lắm, những sắc màu dân gian lấp lánh kỳ kỳ ảo ảo. Mỗi chuyện là một tự hào, một tôn vinh trạng Toán của làng. Còn làng Đồng là còn có nhiều ông trạng Toán. Còn làng Đồng là dòng giống trạng Toán còn sinh sôi vạn đại. Có điều con cháu ông số phận cứ long đong thế nào ấy. Thằng con trai độc nhất của ông, đứa trong đói khổ vẫn kiên trì không bán chiếc lư báu vật, không có cơ hội thổi tù và như ông, cũng không được giữ chức trung đội trưởng du kích như ông. Khi còn chiến tranh, sức vóc ấy giá như có chút học lực thì được tuyển phi công là cái chắc. Đằng này gần chục năm chiến trường chỉ loanh quanh chức vụ anh nuôi bếp núc. Là bởi vì mỗi lần chuyển quân, treo trên cái thân thể hộ pháp ấy là cả một nhà bếp dã chiến, bình thường phải vài ba chiến sĩ đảm đương vẫn còn ì ạch. Thì dại gì cấp trên cho anh thôi chức phận anh nuôi. Cái lợi thế cơ bắp di truyền dòng họ anh, hình như bây giờ xuống giá lắm rồi. Chả thế mà thằng con anh, cũng mặt vuông chữ điền, cũng to lớn như ông hộ pháp vậy mà nghe đâu, mươi năm rồi vẫn chịu kiếp cửu vạn, tận tít trên miền biên giới Lạng Sơn. Năm một lần về, quà biếu bố mẹ chỉ vài lạng chè với vài ba trăm bạc. Năm một lần về, nó một thêm già, thêm nhang nhác, lộ ra những đường nét như là ông nội. Có điều vẻ ưu tư của nó mang đậm dấu ấn phong trần, dọc những con đường non sông thế sự. Khác hẳn ông trạng làng Đồng, một đời chỉ ngâm ngấm cô đơn riêng một nỗi làng.

V.T.K

Tin cùng chuyên mục