Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Câu chuyện pháp luật
Tranh chấp lối đi chung
Thứ sáu: 15:53 ngày 10/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Giải quyết tranh chấp lối đi chung là một vấn đề rất phức tạp và có ảnh hưởng đến nhiều người. Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Tuy nhiên, qua nhiều sự việc xảy ra trong cuộc sống thực tế thì vấn đề về giải quyết tranh chấp lối đi chung rất khó thương lượng, hoà giải với nhau mà chỉ có thể giải quyết bằng khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp lối đi chung. Vụ kiện dưới đây là một điển hình.

Ngày 13.4.2022, TAND huyện Châu Thành mở phiên toà xét xử sở thẩm dân sự vụ án “tranh chấp quyền về lối đi qua, xác định lối đi chung” giữa nguyên đơn là anh N.T.T và bị đơn là bà N.T.P, sinh năm 1935. Do bà P là người cao tuổi có khó khăn về tài chính nên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Tây Ninh phân công luật sư Nguyễn Hữu Lộc (là luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm) tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà P.

Trình bày tại phiên toà, anh T cho biết, nguồn gốc đất anh đang quản lý, sử dụng là do cha mẹ anh nhận chuyển nhượng từ người khác rất lâu. Khi anh T sinh ra và lớn lên, anh đã thấy có lối đi này. Phần lối đi này thuộc quyền sử dụng đất của anh.

Gia đình anh T đã để cho hộ bà P, hộ anh D đi qua lại từ lối đi này từ trước đến nay. Do phía nhà bà P, anh D sử dụng phần diện tích đất của anh T làm lối đi, quá trình sinh sống, xảy ra mâu thuẫn, anh D gây sự với gia đình anh T, cho rằng đây là lối đi chung nên anh T bức xúc.

Do đó, anh T khởi kiện yêu cầu Toà án buộc bà P không được sử dụng phần diện tích đất đang tranh chấp làm lối đi chung, với lý do diện tích đất thuộc quyền sử dụng của anh. Anh T xác định hộ nhà bà P, anh D không còn lối đi nào khác nhưng phải tự thoả thuận mở lối đi khác chứ không được đi qua phần diện tích đất đang tranh chấp. Bà P có yêu cầu phản tố, đề nghị TAND huyện Châu Thành xác định phần diện tích đất đang tranh chấp là lối đi chung đã có từ trước.

Tại phiên toà, luật sư Nguyễn Hữu Lộc trình bày, phần diện tích khu đất tranh chấp được anh T và mẹ anh là bà N.T.S thừa nhận là lối đi chung đã sử dụng ổn định từ trước đến nay.

Bà S khai trong hồ sơ vụ án khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ bà Ba Nang là bà “mua mớ”, không xác định diện tích cụ thể là bao nhiêu. Bà S nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất 2 lần, lần đầu mua ở phía sau, có lối đi ra ngoài đường quốc lộ 22B, cũng bằng con đường mà anh T đang tranh chấp với bà P.

Mặt khác, chính quyền địa phương cũng có xác nhận thể hiện con đường đã có từ lâu, khi bà S làm thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tăng từ 1.170m2 lên thành 1.508,7m2 nhưng cán bộ địa chính xác định đây là sai số không phù hợp. Diện tích đất tranh chấp nằm ngoài cổng rào phần đất anh T đang sử dụng. Điều này thể hiện qua bản ảnh có trong hồ sơ mà anh T thừa nhận cổng rào và hàng rào trong bản ảnh là do gia đình anh rào và làm cổng rào.

Kết quả xác minh nguồn gốc hình thành và tồn tại lối đi đang tranh chấp từ những người dân sinh sống lâu đời ở địa phương đều thể hiện lối đi này là một phần của lối đi đã hình thành từ trước năm 1975.

Trước đây, lối đi này kéo dài từ quốc lộ 22B ra đến bờ đê ấp chiến lược cũ từ thời điểm trước giải phóng, các hộ dân đã sử dụng lối đi này để đi qua lại. Đại diện chính quyền địa phương xã Đồng Khởi trình bày cho biết, chính quyền xác định trên thực tế, các hộ anh T, anh D và bà P đã cùng sử dụng phần lối đi tranh chấp này làm lối đi chung từ xưa đến nay.

Luật sư Lộc cũng phân tích, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh T không thể hiện lối đi chung là chưa phù hợp với hiện trạng đất được sử dụng, nhất là qua việc trình bày giải thích về việc tăng diện tích đất là do sai số trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà S trước đây và cho anh T vừa qua là hoàn toàn không có cơ sở, không phù hợp với quá trình sử dụng đất của hộ anh T, cũng như hiện trạng phần diện tích đất là gia đình anh T sử dụng từ trước cho đến nay. Do đó, luật sư Lộc đề nghị HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T đối với bà P, chấp nhận yêu cầu phản tố của bà P.

Kết quả xem xét thẩm định của Toà án, cũng như lời khai của các đương sự, thể hiện quyền sử dụng đất do ông D và bà P sở hữu là hai bất động sản bị vây bọc. Do đó, để đi ra đường công cộng, hộ bà P và hộ anh D, ngoài sử dụng lối đi hiện tại đang tranh chấp thì không có lối đi nào khác.

Toà án cũng xác định, lối đi đang tranh chấp được các bên sử dụng ổn định và lâu dài từ trước đến nay, cùng nhau tu sửa, tôn tạo để bảo đảm việc đi lại, vận chuyển dễ dàng. Điều này thể hiện sự tồn tại của lối đi là hết sức cần thiết, thuận tiện và phục vụ cho nhu cầu đi lại thiết yếu của các bên, đặc biệt là hộ bà P và hộ anh D. Bên cạnh đó, tranh chấp hiện tại phát sinh từ mâu thuẫn cá nhân giữa các bên, cho thấy việc sử dụng lối đi chưa gây ra các vấn đề thiệt hại nào dẫn đến phát sinh tranh chấp.

Trên cơ sở xem xét các tài liệu trong hồ sơ vụ án, lời trình bày tại phiên toà, các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai, TAND huyện Châu Thành tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T, chấp nhận yêu cầu phản tố của bà P đối với anh T về xác định lối đi chung, xác nhận phần lối đi chung 20m2, giữ nguyên hiện trạng, điều chỉnh phần diện tích đất tranh chấp 20m2 trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của anh T, thành đường đi công cộng.

LG Ngọc Linh

Tin cùng chuyên mục