Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
MỎ CÔNG, TÂN BIÊN:
Trao huy chương nhầm người, tình anh em rạn nứt
Thứ tư: 13:16 ngày 06/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ sai sót ban đầu của cơ quan chức năng trong việc trao Huy chương Kháng chiến hạng Nhất nhầm đối tượng được nhận, hai anh em ông Ngô Văn Quậy và ông Ngô Văn Quây (hiện cùng ngụ ấp Gò Đá, xã Mỏ Công, huyện Tân Biên) đã phát sinh mâu thuẫn, mất lòng, thậm chí người anh đã nộp đơn đến nhiều cơ quan trong tỉnh để khiếu nại chính em ruột của mình.

Ông Quậy trình bày lại vụ việc.

TRAO HUY CHƯƠNG NHẦM NGƯỜI

Trong gia đình, ông Ngô Văn Quậy là con thứ tư, ông Ngô Văn Quây là con thứ sáu (thường gọi là Sáu Hồ). Ông Ngô Văn Quậy trình bày, từ năm 1961 đến tháng 1975, ông Quậy vừa tham gia lực lượng du kích xã vừa làm giao liên cho đơn vị 302 (xã Mỏ Công). Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Quậy trở về sinh sống cùng gia đình. Do hoàn cảnh khó khăn, nên ông chỉ lo chuyên tâm làm ăn. Mãi đến năm 2016, ông Quậy mới làm đơn gửi đến cơ quan chức năng để được xem xét hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 8.11.2005 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Quyết định 290).

Khoảng tháng 12.2017, bà Huỳnh Thị Trà Mi, cán bộ LĐ-TB&XH xã Mỏ Công có đến trước cửa nhà ông Quậy thông báo về việc lên huyện nhận Huy chương Kháng chiến hạng Nhất “vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Theo đó, ông Quậy đã đến liên hệ Phòng Nội vụ huyện Tân Biên để ký nhận huy chương. Bất ngờ, khoảng 6 ngày sau, bà Trà Mi lại đến nhà ông “thu hồi” lại huy chương với lý do “đã trao nhầm người”, việc này không được lập biên bản cụ thể, không có sự giải thích rõ ràng, thoả đáng. Bất ngờ hơn, vài ngày sau đó, cũng chính huy chương ấy lại được trao cho người em ruột của ông Quậy là ông Ngô Văn Quây. 

“Sự thật là tôi đã nộp đơn đề nghị xem xét được hưởng chế độ và đang trong quá trình chờ đợi kết quả, khi nghe cán bộ Mi thông báo thì tôi làm theo. Thật khó diễn tả cảm giác vừa nhận được huy chương kháng chiến chỉ vài ngày thì bị lấy lại mà không hề có biên bản giải thích rõ. Đáng buồn hơn, cũng từ đó tình cảm anh em tôi bắt đầu rạn nứt. Sáu Hồ (tức ông Ngô Văn Quây - NV) cho rằng tôi cố ý mạo nhận huy chương của em trai. Tôi nghi ngờ Sáu Hồ đã lén lấy hồ sơ của tôi để đi làm thủ tục khai nhận huy chương kháng chiến”, ông Quậy nói. 

Ông Quây cho rằng, việc trao nhầm huy chương cho ông Quậy là một sự cố đáng tiếc.

Được biết, theo hồ sơ vụ việc, từ năm 2007, ông Sáu Hồ đã bắt đầu làm hồ sơ đề nghị khen thưởng về thành tích giúp đỡ cách mạng. Ngày 13.5.2007, ông Nguyễn Văn Nhỡ (người trực tiếp biết và hoạt động chung đơn vị với ông Sáu Hồ) xác nhận về thành tích giúp đỡ cách mạng của ông Sáu Hồ. Theo nội dung xác nhận, khoảng từ năm 1965 đến 1975, ông Sáu Hồ chủ yếu thực hiện nhiệm vụ mật trong ấp chiến lược. Tiếp theo, đến năm 2015, ông Sáu Hồ được người thứ hai xác nhận về thành tích giúp đỡ cách mạng, đó là ông Lê Văn Quăng, hay còn có tên khác là Lê Văn Út (tự Út Két, SN 1939, ngụ khu phố 3, phường 1, thành phố Tây Ninh). Nội dung mà ông Út Két xác nhận cho ông Sáu Hồ cũng tương tự như ông Nhỡ.

Đối với trường hợp của ông Quậy, ngày 23.11.2018, Bộ CHQS tỉnh đã có Công văn số 3110 phúc đáp cho UBND huyện Tân Biên về việc cung cấp thêm thông tin để củng cố hồ sơ khen thưởng thành tích kháng chiến đối với ông Ngô Văn Quậy. Công văn nêu rõ, tháng 3.2018, Bộ CHQS tỉnh có tiếp nhận, thẩm định và đề nghị Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 về hồ sơ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290 đối với ông Ngô Văn Quậy thuộc đối tượng III (giao liên, du kích mật). Ông Quậy thuộc đối tượng không có giấy tờ gốc, chỉ có xác nhận của ông Lê Văn Út. Ông Út xác nhận thời gian tham gia lực lượng du kích và giao liên tại xã Mỏ Công của ông Ngô Văn Quậy là từ năm 1961 đến 1970, bản tự khai của ông Quậy đề từ năm 1961 đến 1975.

Hội nghị liên tịch ấp Gò Đá, Hội Cựu chiến binh, UBND xã Mỏ Công và Ban CHQS huyện Tân Biên đề nghị tính thời gian cho ông Quậy được hưởng chế độ là 14 năm. Phòng Chính trị - Bộ CHQS tỉnh đề nghị thời gian tính hưởng chế độ cho đối tượng là 9 năm (theo xác nhận của ông Lê Văn Út). Phòng Chính sách - Cục Chính trị Quân khu 7 thẩm định, tham mưu giải quyết chế độ cho ông Ngô Văn Quậy là 14 năm. Ngày 4.5.2018, Chính uỷ Quân khu 7 đã ra Quyết định số 938/QĐ-BTL trợ cấp một lần cho ông Ngô Văn Quậy với số tiền 5,6 triệu đồng.

ĐÃ CÓ SỰ HIỂU LẦM?

Công văn số 3110 còn lưu ý, việc xác lập hồ sơ và thực hiện chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 290 đối với ông Quậy là giải quyết chế độ, chính sách đối với người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Không thể hiện quy định lấy kết quả thực hiện Quyết định số 290 để làm căn cứ thực hiện các chế độ khác tại quyết định này. Do đó, việc ông Quậy đề nghị khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước phải được giải quyết theo quy định hiện hành, bằng một hồ sơ khác.

Có thể nhận thấy, hồ sơ của ông Ngô Văn Quây với đề nghị được khen thưởng về “thành tích giúp đỡ cách mạng”, còn hồ sơ của ông Ngô Văn Quậy với đề nghị được hưởng chế độ theo Quyết định số 290. Vào thời điểm ông Quây nhận huy chương, ông Quậy chưa thực hiện hồ sơ đề nghị khen thưởng “thành tích tham gia kháng chiến chống Mỹ” (khác với thành tích giúp đỡ cách mạng), mà ông Quậy đang chờ kết quả theo Quyết định số 290. Lúc bà Mi đến trước nhà của hai đương sự thông báo, nhiều khả năng ông Quậy chưa phân biệt rõ hai loại hồ sơ trên nên đã hiểu nhầm mà lên huyện nhận huy chương của ông Quây. Về lý do vì sao ông Quậy vẫn nhận được huy chương và mang về nhà, cơ quan chức năng giải thích rõ dưới đây.

Ngày 28.2.2019, bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Công khẳng định ông Quậy mới nộp đơn đề nghị khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến sau này, cụ thể là sau khi giải quyết xong chế độ cho ông theo Quyết định số 290. Mặt khác, bà Huỳnh Thị Trà Mi kể, nhà của ông Quây và ông Quậy giáp ranh nhau. Lúc bà Mi đến thông báo, người nhà của ông Quây cho hay ông đang bị bệnh nên không tiếp khách được. Bà Mi liền đứng luôn trước nhà thông báo to bằng miệng về việc nhận huy chương. Có thể ông Quậy nhà kế bên đã nghe được nội dung nên tưởng là trường hợp của mình, và sau đó đã lên Phòng Nội vụ ký nhận huy chương. Chỉ đến khi ông Quây đến xã hỏi bà Mi về vụ của ông thì mới hay huy chương đã trao nhầm cho ông Quậy. 

Bà Mi thừa nhận có thiếu sót trong việc “thu hồi” huy chương (không lập biên bản…). Sự thật, trên chứng từ trao tặng huy chương có ghi rõ tên người nhận là ông Ngô Văn Quây chứ không phải Ngô Văn Quậy. Hơn nữa, cùng ngày 28.2, một cán bộ tại Phòng Nội vụ huyện Tân Biên, người trực tiếp đối chiếu giấy tờ khi trao huy chương cho biết, giấy chứng minh nhân dân của ông Ngô Văn Quây và ông Ngô Văn Quậy khá giống nhau, kể cả về năm sinh và địa chỉ, nên trong lúc đối chiếu với tên người được nhận đã có sự nhầm lẫn.

Ngoài ra, cũng vào ngày 28.2, ông Lê Văn Út khẳng định với phóng viên rằng nội dung xác nhận của ông trước đó cho hai trường hợp nêu trên là hoàn toàn đúng. “Đại ý, ông Ngô Văn Quây chủ yếu chỉ hoạt động mật trong ấp chiến lược, ông Ngô Văn Quậy vừa hoạt động du kích vừa làm giao liên. Theo tôi nghĩ, hai em ông Quây và ông Quậy đã có sự hiểu lầm, mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc ban đầu trao nhầm huy chương. Ông Quậy nên làm thêm một hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích tham gia kháng chống Mỹ để cơ quan chức năng xem xét giải quyết, tôi sẵn sàng xác nhận cho ông, không cần thiết phải khiếu nại ông Quây làm gì gây mất tình anh em”, ông Út nêu ý kiến.

Trao đổi với ông Quậy về ý kiến của ông Út, ông Quậy như thông cảm kể, sau khi xảy ra sự việc trao huy chương nhầm người, cán bộ Mi, lãnh đạo UBND xã Mỏ Công, Phòng Nội vụ huyện Tân Biên đã tận tình hướng dẫn ông thực hiện các bước thủ tục để làm hồ sơ đề nghị khen thưởng thành tích tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, ông Quậy không tìm được người thứ hai để xác nhận thành tích, do ông Nguyễn Văn Nhỡ cũng đã qua đời cách nay nhiều năm. 

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Tân biên cho hay, Phòng rất quan tâm đến trường hợp của ông Ngô Văn Quậy, tuy nhiên theo quy định thì hồ sơ của ông Quậy vẫn còn thiếu một người xác nhận về thành tích tham gia kháng chiến, cụ thể là giai đoạn từ năm 1970 đến 1975. Được biết, vụ việc của ông Quậy đang được cơ quan có thẩm quyền vào cuộc giải quyết. 

Ngày 27.2.2019, Phòng Chính trị - Bộ CHQS tỉnh có Báo cáo số 259 về kết quả kiểm tra, xác minh theo đơn tố cáo của ông Ngô Văn Quậy như sau: “… Thủ tục giải quyết xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất cho ông Ngô Văn Quây là đúng quy định. Việc thu hồi quyết định tặng thưởng huy chương của ông Ngô Văn Quây đã trao nhầm cho ông Ngô Văn Quậy là đúng, vì cấp không đúng đối tượng (do sai sót của cán bộ TB-XH xã Mỏ Công và cán bộ Phòng Nội vụ huyện Tân Biên). Đề nghị Phòng LĐ-TB&XH huyện Tân Biên kết hợp với UBND xã Mỏ Công xem xét, hướng dẫn ông Ngô Văn Quậy bổ sung hồ sơ đề nghị khen thưởng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ. Ông Quậy nên liên hệ các cơ quan có liên quan để bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị khen thưởng

QUỐC SƠN

Tin cùng chuyên mục