Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo thống kê của Khoa tiêu hóa BV Nhi đồng 2, có khoảng 70% trẻ bị xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng nhập viện, bị nhiễm vi khuẩn HP.
Thời gian gần đây, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhi NHN điều trị ở Khoa tiêu hóa BV Nhi đồng 2. Ảnh: HL
Mất máu cấp do viêm loét dạ dày
Điển hình, BV Nhi đồng 2 đang điều trị cho bệnh nhân NHN (15 tuổi, ngụ Bình Dương), nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng. Cách đây một năm, bệnh nhân N cũng từng có tiền sử bị viêm loét dạ dày tá tràng gây mất máu và truyền máu tại BV tỉnh Bình Dương.
Tại Khoa tiêu hóa BV Nhi đồng 2, bệnh nhân N được hồi sức chống sốc, truyền dịch, truyền rất nhiều máu, điều trị nội khoa xuất huyết tiêu hóa, theo dõi sát sao. Tuy nhiên, trong vòng 4-6 tiếng máu vẫn tiếp tục chảy không cầm được, điều trị nội khoa không thành công. Do đó, êkíp nội soi tiêu hóa đã tiến hành nội soi tiêu hóa cầm máu cho bệnh nhân nhưng máu vẫn phun thành dòng, phải tiếp tục hồi sức truyền máu. Lúc này, êkíp ngoại được huy động để can thiệp phẫu thuật, khâu nơi chảy máu, phẫu thuật ổ bụng và cầm máu cho bệnh nhân thì máu mới ngưng chảy. Hiện bệnh nhân đang được theo dõi quá trình lành thương và tiệt trừ vi khuẩn HP trong dạ dày.
Theo các bác sĩ, hằng tháng Khoa tiêu hóa tiếp nhận khoảng 5-7 bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng, trong đó kết quả nội soi tiêu hóa cấy vi khuẩn HP cho thấy khoảng 70% dương tính với vi khuẩn HP. Các bệnh nhi được điều trị nội khoa, truyền máu, dùng các thuốc điều trị, nếu không thành công sẽ tiến hành nội soi cầm máu.
Vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống giữa người với người, chẳng hạn người lớn lây cho trẻ em và trẻ em lây cho người lớn
Nhiều bệnh nhi không tuân thủ điều trị
TS-BS Hà Minh Thiệu, điều hành Khoa tiêu hóa BV Nhi đồng 2, cho biết: “Các bệnh nhi nhập viện do nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày tá tràng sẽ được nội soi, cấy tìm vi khuẩn và sinh thiết giải phẫu bệnh, xem xét sang thương trong dạ dày, áp dụng phương tiện chẩn đoán theo khuyến cáo của Hội Nhi tiêu hóa gan mật dinh dưỡng châu Âu và Bắc Mỹ. Nếu được điều trị sớm viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, biến chứng viêm loét sẽ được hạn chế, hạn chế lây nhiễm cho cộng đồng”.
Theo TS-BS Thiệu, trong cộng đồng Việt Nam, tỉ lệ người mang vi khuẩn HP khá cao - khoảng 70%, đa phần không cần điều trị, hoặc được điều trị khi có chỉ định phù hợp theo tình trạng bệnh.
TS-BS Thiệu khuyến cáo: Khi có chỉ định điều trị viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, các phụ huynh phải tuân thủ theo phác đồ điều trị, giúp hạn chế biến chứng thủng dạ dày, chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, môn vị, ung thư dạ dày và lây nhiễm cho người khác.
“Việc điều trị viêm dạ dày do vi khuẩn HP thường kéo dài 6-8 tuần, thậm chí 10 tuần đối với những ổ loét lâu lành. Do đó, nhiều phụ huynh vì lý do nào đó đã không cho con tái khám và sau đó nhập viện trở lại thì tình trạng đã nặng. Việc không tuân thủ điều trị dẫn đến nhiều hậu quả như vi khuẩn HP kháng thuốc, khó tiệt trừ thành công, tỉ lệ lành ổ loét thấp, liền sẹo thấp, tỉ lệ tái phát cao và có khả năng bị ung thư hóa” - BS Thiệu nói.
Theo BS Thiệu, vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống giữa người với người, chẳng hạn người lớn lây cho trẻ em và trẻ em lây cho người lớn. Do đó, phụ huynh phải đảm bảo thức ăn có nguồn gốc rõ ràng, sạch sẽ, chế biến chín, nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ. Người chế biến thức ăn phải rửa tay sạch sẽ và người ăn phải rửa tay sạch sẽ dưới vòi nước trước khi ăn. Ngoài ra, phụ huynh không nên tự tiện cho trẻ uống thuốc kháng sinh vì có thể dẫn đến nguy cơ kháng thuốc.•
Cảnh giác bệnh nhi nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Khoa tiêu hóa BV Nhi đồng 2 thời gian qua thường xuyên tiếp nhận các trẻ mắc bệnh lý đường tiêu hóa. Các bệnh thường gặp là trẻ bị viêm dạ dày ruột cấp do vi khuẩn, virus hoặc ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa.
Bên cạnh những ca bệnh nhẹ, Khoa tiêu hóa cũng ghi nhận những ca nặng do sốc mất nước, sốc nhiễm trùng do vi khuẩn đường tiêu hóa.
Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh viêm dạ dày ruột cấp, rối loạn tiêu hóa có đường lây chủ yếu qua thức ăn hoặc nước uống. Thời điểm giao mùa mưa và nắng, thức ăn dễ bị ôi thiu. Để phòng ngừa bệnh lý đường tiêu hóa, phụ huynh nên bảo quản thức ăn thật tốt, cho trẻ ăn chín uống sôi, vệ sinh tay chân sạch sẽ trước khi ăn.
Bên cạnh các dấu hiệu thông thường như ói, tiêu chảy, bác sĩ cảnh báo phụ huynh nên theo dõi các dấu hiệu cần đưa trẻ nhập viện ngay tại cơ sở y tế hoặc bệnh viện nhi gần nhất như trẻ nôn ói nhiều, không uống được, tiêu phân có đàm máu, sốt cao liên tục, bệnh hai ngày không thuyên giảm, kích thích, vật vã, không chơi, lơ mơ hoặc khóc không có nước mắt, môi khô...
Nguồn PLO