Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo sư Hồ Ngọc Ðại:
Trẻ em của chúng ta ngày càng thông minh hơn
Thứ bảy: 06:38 ngày 08/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tôi hoàn toàn thoải mái, yên tâm lắm, không có vấn đề gì hết. Trẻ em của chúng ta đang ngày càng thông minh hơn. Học sinh học chương trình của tôi đang ngày càng vui vẻ, thành công, hạnh phúc.

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại trong lần vào thăm Trường thực nghiệm Giáo dục phổ thông Tây Ninh (nay là Trường Nguyễn Hiền, TP. Tây Ninh).

Xuất phát từ một video clip đánh vần cho học sinh lớp 1, khoảng hai tuần nay, cả mạng xã hội lẫn báo chí chính thống xôn xao bàn luận về chương trình công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Ðại. Ngoài một số ý kiến góp ý trên tinh thần xây dựng, khoa học, có rất nhiều người phát biểu kiểu a dua, thiếu cơ sở. Xung quanh câu chuyện đó, Báo Tây Ninh đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Hồ Ngọc Ðại về một số nội dung liên quan đến vấn đề tranh cãi trên.

Phóng viên: Thưa giáo sư, gần đây trên mạng xã hội và báo chính thống có nhiều luồng ý kiến về chương trình công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi. Giáo sư có ý kiến gì xung quanh câu chuyện đó?

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại: Tôi nói thế này nhé, họ nói nhiều nhưng không chính xác đâu, vì họ học theo chương trình cũ, từ thời Pháp thuộc cho đến cả sau thời cải cách. Công trình công nghệ giáo dục của tôi dựa trên thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ học đã được tổng kết trên 300 năm, mãi đến năm 1977 mới hoàn thành. Sau đó, công trình này trở thành giáo trình chính thức dành cho sinh viên năm thứ 3 của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1978, tôi dạy lớp 1 theo chương trình công nghệ giáo dục. Tôi nói thẳng, những người phán xét tôi, họ nhìn sự việc theo một phương pháp lạc hậu, họ không hiểu gì về cái mới, không theo trình độ hiện đại, tư duy hiện đại. Hiện có gần một triệu trẻ em lớp một đang học chương trình giáo dục công nghệ của tôi.

Chương trình này thể hiện cả trên lý thuyết, công nghệ thực thi, thực nghiệm và mở rộng đại trà. Thế này nhé, học sinh 6 tuổi, không cần biết người dân tộc nào, sống ở vùng đất nào, không cần biết tiếng Việt hay không, các em học sinh học xong lớp 1 thì đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù. Học hết lớp 2 viết thành câu và học hết lớp 3 không hề viết sai câu.

Công nghệ giáo dục của tôi, người học học đâu biết đấy, học gì được nấy, học gì chắc nấy. Do đó, công nghệ này khác hoàn toàn với chương trình cũ. Ngay cả lớp người được đào tạo bài bản cũng phản ứng với tôi, vì họ nhìn sự việc theo những điều cũ kỹ.

Phóng viên: Thưa giáo sư, chương trình công nghệ giáo dục đã triển khai áp dụng được hơn 40 năm. Là tác giả của chương trình này, giáo sư nhìn nhận thành quả nghiên cứu của mình như thế nào?

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại: Như tôi đã nói, hiện nay cả nước chỉ có hơn một triệu học sinh lớp 1, trong đó có hơn 800 ngàn em đang theo học chương trình của tôi. Kết quả đó như thế nào, mọi người đã thấy. Và tôi xin nói rõ, chương trình công nghệ giáo dục về cơ bản đã được triển khai đại trà. Vừa rồi có một anh trưởng phòng giáo dục của một sở nói với tôi, dù có chương trình gì đi nữa, chúng em vẫn áp dụng công nghệ của thầy, sách của thầy.

Phóng viên: Trong số những vấn đề gây tranh cãi mấy ngày qua, rất nhiều ý kiến bàn luận về cách phát âm những chữ như k, c… hơi lạ tai. Giáo sư có ý kiến gì không?

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại: Tôi nói ngắn gọn thế này nhé, cần phải phân biệt đâu là âm, đâu là chữ. Một âm có thể ghi bằng một chữ, ví dụ a, bờ (b) hoặc một âm có ghi được hai chữ như gờ đơn (g), gờ kép (gh), ngờ đơn (ng), ngờ kép (ngh) hoặc một âm có thể ghi được ba chữ như c, k, q…

Phóng viên: Như vậy, công nghệ giáo dục có sự khác biệt hoàn toàn so với phương pháp giáo dục cũ, đúng không ạ?

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại: Hoàn toàn khác. Khác như thế nào? Ðó là công nghệ giáo dục dạy âm, dạy tiếng, dùng chữ để ghi tiếng chứ không phải căn cứ vào chữ để học tiếng.

Phóng viên: Một số ý kiến nói giáo sư có liên doanh liên kết gì đó với nhà xuất bản…?

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại: Tôi đang viết sách cho Nhà xuất bản Giáo Dục thì phải có sự hợp tác, một mình tôi làm sao mà làm được.

Phóng viên: Thưa giáo sư, có nhiều ý kiến phê phán câu nói của giáo sư, đại ý giáo sư có nói chương trình giáo dục công nghệ chỉ có thầy cô giáo mới dạy được cho học sinh, còn phụ huynh không thể. Họ cho rằng, giáo dục phổ thông thì ai cũng có thể dạy được. Giáo sư có tán thành điều này không?

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại: Chỉ những người chưa hiểu hết mới nói như vậy. Xã hội có phân công lao động. Giáo viên là những người được đào tạo, có kiến thức chuyên môn, phương pháp sư phạm để tối ưu hoá quá trình dạy học. Ðúng, tôi có nói rằng, chỉ giáo viên mới dạy được chương trình của tôi và điều này không có gì sai, tôi bảo đảm không sai.

Phóng viên: Ngoài những ý kiến công kích về công nghệ giáo dục và tác giả của nó, cũng có người nói rằng, giáo sư là một nhà khoa học thực thụ, chân chính. Bởi vì, nếu muốn đi theo con đường quan lộ, với gia thế của mình, bản thân ông chắc không khó khăn gì. Giáo sư có thể chia sẻ đôi điều không ạ?

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại: Ðối với tôi, chức tước tầm thường thôi. Tôi nói với anh thế này nhé, tôi tự nhận thức được trách nhiệm của bản thân mình với đất nước, với thế hệ trẻ, không phải một hai nhiệm kỳ, năm năm hay mười năm mà làm khoa học phải vì một tương lai lâu dài, một trăm năm hoặc hơn nữa (cười lớn).

Phóng viên: Theo Giáo sư, chương trình giáo dục công nghệ này có tồn tại được lâu dài không?

Giáo sư Hồ Ngọc Ðại: Sẽ mãi mãi tồn tại. Nó tồn tại bởi nó có ích cho giáo dục, cho cuộc sống chứ đâu phải vì cá nhân tôi. Tôi dám chắc rằng, điều này không gì lay chuyển được, một trăm năm nữa chương trình của tôi vẫn tồn tại. Tôi làm công trình này là vì tương lai của học sinh. Người ta chấp nhận tôi là vì lợi ích của học sinh chứ không phải vì tôi. Tôi hoàn toàn thoải mái, yên tâm lắm, không có vấn đề gì hết. Trẻ em của chúng ta đang ngày càng thông minh hơn. Học sinh học chương trình của tôi đang ngày càng vui vẻ, thành công, hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Giáo sư Hồ Ngọc Ðại.

VIỆT ÐÔNG

“Thế giới văn minh hiện đại có những đặc điểm mà nền văn minh cổ truyền chưa hề có. Ở nền văn minh cổ truyền, ông nội có cái gì thì cha có cái đó, cha có cái gì thì con có cái đó. Nhưng, ở nền văn minh hiện đại, trẻ em có những đặc điểm, những nhu cầu mà các lớp cha anh không hề có. Thế hệ học sinh ở nền văn minh hiện đại là thế hệ chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Học sinh hiện đại mà vẫn học những thứ cũ kỹ có hàng trăm, hàng ngàn năm trước, học làm gì? Ðiều đó học sinh và lịch sử không chấp nhận. Nhưng chờ cho lịch sử chấp nhận được, số đông chấp nhận được thì muộn quá. Có những người đi trước, họ chuẩn bị tương lai cho trẻ em, vì những cá nhân (như tôi) biết chắc chắn rằng cái mới, nền giáo dục mới phù hợp với trẻ em. Do đó, học sinh chấp nhận những cái mới, đón nhận cái mới. Theo tôi, những gì học sinh chấp nhận được thì lịch sử chấp nhận được. Mà những gì lịch sử chấp nhận được thì đó là quy luật, không ai cưỡng lại được. Lúc đầu trường thực nghiệm chỉ có 1 trường ở Hà Nội. Ngôi trường này có thể được dẹp bỏ chỉ bằng một quyết định. Nhưng rồi đến một lúc nào đó, quyết định ấy sẽ vô nghĩa, vì nó đại diện cho những gì cũ kỹ. Ðến hôm nay, tôi chắc chắn rằng, cách làm giáo dục của tôi, là đúng. Tôi nói để anh biết thêm thôi, lúc bấy giờ, khi mô hình giáo dục thực nghiệm mới ra đời, tôi tuyên bố, trẻ em, thuộc mọi dân tộc trên mảnh đất hình chữ S, chỉ cần học một năm là đọc thông viết thạo, không thể tái mù. Nhưng lúc đó không ai tin tôi cả. Thế nhưng thực tế đã chứng minh tôi đúng. Nguyên lý giáo dục của tôi là thầy thiết kế, trò thi công, không học vẹt, học sinh phải tự làm lấy, làm ra sản phẩm của mình. Nguyên tắc dạy học của giáo dục thực nghiệm là giáo viên không làm thay, không làm sẵn cho học trò”.
                                                                                                        (Trích bài phỏng vấn giáo sư Hồ Ngọc Ðại, đăng trên báo Xuân Tây Ninh năm 2016)
Tin cùng chuyên mục