Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Chương trình Sữa học đường năm học 2018-2019:
Trẻ em diện chính sách được uống sữa miễn phí
Thứ sáu: 06:02 ngày 12/10/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 11.10.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2368/QÐ-UBND phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường trong trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Cách nay vài ngày, Sở GD-ÐT bắt đầu triển khai kế hoạch này.

Học sinh mầm non trong giờ uống sữa.

SỮA RẤT CẦN CHO TRẺ EM

Nhiều công trình nghiên cứu khoa học về tâm, sinh lý và xã hội học đều khẳng định giai đoạn tuổi học đường là giai đoạn có tính chất quyết định để tạo nên thể lực, trí tuệ trong tương lai, và đây cũng là giai đoạn não bộ phát triển hoàn thiện nhanh nhất làm nền tảng cho trí thông minh sau này của trẻ.

Nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ ở mỗi giai đoạn khác nhau. Vì vậy, thức ăn dành cho trẻ cùng phải phù hợp theo từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển một cách toàn diện cho trẻ.

Trẻ dưới 6 tuổi, ngoài chế độ ăn đa dạng các chất như: chất đạm, chất béo, bột đường, vitamin... thì việc bổ sung thêm sữa mỗi ngày là rất cần thiết. Nhất là giai đoạn trẻ từ 6-10 tuổi, sữa cung cấp các vitamin khoáng chất và nguồn đạm có giá trị sinh học cao chứa đủ các acid amin thiết yếu có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ.

Cho trẻ em uống sữa mỗi ngày nhằm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam nói chung và trẻ em tỉnh Tây Ninh nói riêng, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai. Do đó, việc tăng cường tổ chức cho trẻ uống sữa trong các trường mầm non, tiểu học là rất quan trọng và cần thiết.

Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng về cân nặng, chiều cao và trí tuệ của trẻ em mầm non, góp phần giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và thể thấp còi, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em tỉnh Tây Ninh, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Theo quyết định của UBND tỉnh, năm 2018, 80% cha mẹ, người chăm sóc của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng, phấn đấu 100% trẻ mầm non của 95 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố được uống sữa 3 lần/tuần; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ mầm non, tiểu học trung bình 0,4%/năm, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ mầm non, tiểu học trung bình 0,5%/năm.

Giai đoạn 2019-2020, 100% cha mẹ, người chăm sóc của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng; 100% trẻ mầm non của 95 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố được uống sữa 3 lần/tuần; khuyến khích 80% học sinh tiểu học uống sữa tại gia đình 3 lần/tuần. Năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ mầm non, tiểu học trung bình 0,6 %/năm và giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ mầm non trung bình 0,7 %/năm.

PHỤ HUYNH CHỈ ÐÓNG GÓP 45% chi PHÍ

Ðối tượng áp dụng của Chương trình sữa học đường ở Tây Ninh gồm trẻ thuộc độ tuổi mầm non đang học trong các trường mầm non, mẫu giáo; riêng học sinh tiểu học được khuyến khích uống sữa tại gia đình. Trẻ mầm non được uống sữa 9 tháng trong 1 năm học, tính từ ngày trẻ bắt đầu học đến khi kết thúc năm học là 35 tuần.

Do đó, mỗi trẻ mầm non được uống 105 hộp sữa trong thời gian học 35 tuần tại trường, mỗi tuần uống 3 lần. Trẻ 6-12 tháng không uống sữa tươi vì cơ thể trẻ chỉ phù hợp với sữa mẹ và sữa bột theo công thức. Với học sinh từ 6-11 tuổi, quyết định của UBND tỉnh khuyến khích cha mẹ cho uống sữa tại gia đình.

Kinh phí chi cho trẻ mầm non uống sữa được chia cho cả ba bên gồm ngân sách Nhà nước, công ty cung ứng sữa và cha mẹ học sinh. Trong đó, phụ huynh đóng góp 45%, công ty sữa hỗ trợ tối thiểu 15%, ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí huy động từ các tổ chức xã hội 40%. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình sữa học đường giai đoạn 2017-2020 hơn 130 tỷ đồng.

Sữa dùng cho học sinh uống là loại sữa tiệt trùng có đường, dung tích 110 ml/hộp và 180ml/hộp, thời gian bảo quản 6 tháng. Sữa sử dụng trong chương trình phải bảo đảm theo quy định của Bộ Y tế tại Quyết định số 5450/QÐ-BYT, ngày 28.9.2016, về việc quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và các quy định của Chương trình sữa học đường.

Công ty cung cấp sữa cho trẻ uống đạt thương hiệu Việt Nam đã được Bộ Y tế cấp phép bảo đảm hàm lượng đầy đủ các chất dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng và sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với trẻ độ tuổi mầm non.

Cách nay vài ngày, Sở GD-ÐT bắt đầu triển khai quyết định Chương trình sữa học đường theo Quyết định 2368 của UBND tỉnh. Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 138 trường mầm non với 1.219 nhóm, lớp, tổng số trẻ là 33.796 cháu (số liệu thống kê ngày khai giảng năm học).

Theo tinh thần này, đơn vị cung cấp sữa là Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk. Tên sản phẩm là sữa tươi tiệt trùng có đường, hộp sữa có dung tích 110ml và hộp 180ml, có logo chương trình sữa học đường trên bao bì. Ðối tượng thụ hưởng là tất cả trẻ mầm non đang học tại các trường mầm non, mẫu giáo trong tỉnh. Năm 2018, trẻ được uống sữa từ ngày 15.10.2018 đến ngày 31.12, số lần uống 4-5 lần/tuần.

Ðối tượng uống sữa gồm trẻ 1-2 tuổi (nhà trẻ) uống sữa dung tích 110ml/hộp; trẻ 3-5 tuổi (mẫu giáo) uống sữa dung tích 180ml/hộp. Giờ uống sữa tại trường từ 8 giờ 30 - 9 giờ hằng ngày.

Trẻ mầm non là con gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ dân tộc thiểu số sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 85%, công ty cung cấp sữa hỗ trợ 15% (phụ huynh không đóng góp).

Chi phí đóng góp cụ thể từng tháng:

Tháng

Số hộp sữa trẻ uống theo quy định

Hộp 110ml

(PH đóng 1.776 đồng/hộp)

Hộp 180ml

(PH đóng 2.824  đồng/hộp)

10.2018

11

19.536

31.064

11.2018

20

35.520

56.480

12.2018

20

35.520

56.480

1.2019

12

21.312

33.888

2.2019

9

15.984

25.416

3.2019

12

21.312

33.888

4.2019

12

21.312

33.888

5.2019

9

15.984

25.416

Tổng cộng

105

186.480

296.520

 
VIỆT ÐÔNG
“Ðến năm 2020, 90% cha mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

- Ðến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình sữa học đường.

- Ðến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình sữa học đường.

- Ðáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90% - 95% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40% vào năm 2020.

- Ðáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.

- Ðến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.

- Ðến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.

- Ðến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010”.

     (Trích Quyết định 1340 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sữa học đường) 
Tin cùng chuyên mục