Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Trẻ nhỏ dễ bị nhiễm giun sán khi chơi với chó mèo
Thứ năm: 07:29 ngày 06/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trẻ ôm ấp chó mèo khiến ấu trùng giun sán xâm nhập qua da vào cơ thể gây bệnh sán dây, giun đũa.

Cơ thể bé Nguyễn Dũng Phong (Nghệ An) 4 tuổi nổi nốt mẩn ngứa, tay chân miệng bị bầm tím. Bác sĩ bệnh viện địa phương chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Trung ương rồi Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, vẫn không tìm ra bệnh.

Suốt 6 tháng trời, chị Trần Thị Kim Năng, mẹ bé Phong và gia đình sống trong nỗi lo sợ "con mang trọng bệnh”. Sau đó bác sĩ Bệnh viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương chẩn đoán bé Phong bị nhiễm giun sán từ chó mèo. Mẹ bé khi đó mới nhớ cháu ở nhà thường xuyên chơi với chó mèo.

Trẻ con ôm chó mèo khiến ấu trùng giun xâm nhập qua da vào cơ thể gây bệnh. Ảnh: PetMD

Bé Nguyễn Kim Anh 3 tuổi ở Ninh Bình cũng thích chơi với mèo. Bé thường xuyên đau bụng, đi ngoài phân sống và chậm lớn. Bác sĩ Bệnh viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương xác định bé bị nhiễm giun sán chó mèo.

Tình trạng trẻ con nhiễm giun sán do tiếp xúc gần với vật nuôi rất phổ biến hiện nay. Khoa khám bệnh của Bệnh viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương hàng ngày có đến hơn 70% số bệnh nhi đến khám và điều trị giun sán.

Bác sĩ Trần Huy Thọ, Trưởng khoa Khám bệnh của Viện cho biết trẻ dưới 5 tuổi rất dễ bị nhiễm giun sán từ chó mèo vì các bé thích chơi đùa, vuốt ve, ôm ấp vật nuôi. Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ nhiễm sán dây ít hơn so với nhiễm giun đũa.

Chó mèo bị nhiễm giun sán sẽ phát tán trứng giun sán qua phân ra môi trường. Trứng nhiễm vào thực phẩm hoặc bám trên lông con vật. Người ăn phải thực phẩm có trứng giun, tiếp xúc với chó mèo tạo điều kiện ấu trùng chui qua da vào cơ thể.

"Không dễ dàng phát hiện tình trạng nhiễm giun sán", bác sĩ Thọ cho biết. Có người biểu hiện đầu tiên chỉ là những nốt mẩn ngứa dưới da, một số phát ban trên da, nổi mề đay. Bệnh nhân ngứa nhiều ngày không hết nhầm là bệnh da liễu hay bệnh máu nên điều trị sai bệnh.

"Nhiễm giun sán nếu lâu ngày rất nguy hiểm", bác sĩ cảnh báo. Giun sán là loại ấu trùng di chuyển trong nội tạng. Nó có thể gây tổn thương trong cơ tim, gan, đường ruột. 

Hai thể thường gặp nhất là ấu trùng di chuyển trong nội tạng và ở mắt. Ở nội tạng, bệnh nhân có các triệu chứng sốt, gan to và bị hoại tử, lách to, hô hấp giống như hen suyễn. Giun sán vào mắt, triệu chứng thường gặp là giảm thị lực một bên mắt hoặc đôi khi bị lé.

Mức độ suy giảm thị lực tùy thuộc vào vùng bị thương tổn (võng mạc, điểm vàng), có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, người bệnh bị viêm cơ tim, viêm thận, hệ thần kinh trung ương có thương tổn với biểu hiện co giật, triệu chứng tâm thần kinh hay bệnh lý ở não. Thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do ấu trùng di chuyển đến não.

Bác sĩ cho biết, ăn chín uống sôi là một trong những biện pháp phòng chống bệnh. Trẻ nhỏ phải rửa tay bằng xà phòng, nhất là sau khi chơi với chó mèo. Uống thuốc tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Gia đình hàng tuần cần dọn dẹp sạch nơi chó mèo nằm, phân được chôn lấp hoặc bỏ vào thùng rác. "Nên tẩy giun định kỳ cho chó mèo", bác sĩ cho biết.

Nguồn VNE

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh