PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
PC vị trí 1 - Tuyên truyền - Đầu trang
Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Mừng Đảng - Mừng Xuân
Tư tưởng Hồ Chí Minh Mừng Đảng - Mừng Xuân
Trí tuệ nhân tạo: Từ giải thưởng Nobel tới khuynh hướng ‘chống công nghệ’
Chủ nhật: 09:40 ngày 02/02/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Gần 130 năm trước, nhà sáng chế người Thụy Điển, Alfred Nobel, để lại di chúc hiến tặng tài sản của mình để tài trợ cho giải thưởng dành cho những người “mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại”. Giải thưởng danh giá mang tên ông, giải Nobel, đã được trao cho những nhà khoa học khám phá ra thuốc penicillin, tia X quang hay cấu trúc DNA.

Năm 2024, giải thưởng Nobel Vật lý đã được trao cho hai nhà vật lý học John Hopfield và Geoffrey Hinton nghiên cứu về mạng lưới thần kinh nhân tạo, đặt nền tảng cho học máy (machine learning), giúp phát triển mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI)...

Ông John Hopfield và Geoffrey Hinton đã tìm ra câu trả lời cho một câu hỏi khá đơn giản: “Đâu là miêu tả đơn giản nhất của các nơron thần kinh, yếu tố tạo thành não bộ, cơ sở của trí thông minh loài người?”. Câu trả lời này có giá trị... một giải Nobel. Mỗi tế bào thần kinh, cho dù là nhân tạo hay tự nhiên, là một “đơn vị tính toán” mà sử dụng các dữ liệu thu nạp, kết hợp các dữ liệu này và áp dụng trên kết quả đó một biến đổi (ví dụ như chỉ giữ lại những giá trị tích cực, hoặc xác định xem kết quả là cao hơn hay thấp hơn một ngưỡng định trước). Qua nghiên cứu, ông John Hopfield và Geoffrey Hinton đã có thể chứng minh rằng, khi kết hợp một số lượng vô cùng lớn những “đơn vị tính toán” này, thì chúng ta có thể dự đoán gần đúng mọi tính toán, ngay cả những tính toán phức tạp nhất.

Từ phát hiện nền tảng này, nhiều năm sau, các nhà khoa học máy tính, trong đó không thể không nói đến Yann LeCun - cha đẻ của công nghệ học sâu (deep learning), đã tạo ra AI có thể chuyển lời nói thành văn bản, phân loại hình ảnh, đưa ra kết quả thống kê với mọi loại dữ liệu, như dữ liệu y học, pháp lý hay thậm chí cả dữ liệu quân sự. Nghiên cứu của John Hopfield và Geoffrey Hinton không chỉ đặt nền tảng mà còn tạo cảm hứng cho vô số những nghiên cứu trong ngành khoa học AI để đạt được kết quả AI như ngày nay - khi công nghệ này đang cách mạng hóa khoa học, kỹ thuật và thay đổi từng ngóc ngách của cuộc sống chúng ta.

Trong bài thông báo giải thưởng, bà Ellen Moons, Chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý, đã nói đến tác động của nghiên cứu nói trên tới sự phát triển của AI và ứng dụng của nó trong vật lý vũ trụ, chẩn đoán y tế cũng như trong công nghệ nhận diện khuôn mặt và biên phiên dịch. Tuy nhiên, bà cũng không quên nói đến những thách thức và thay đổi tiêu cực mà AI có thể mang lại trong tương lai.

Khuynh hướng luddite - chống lại công nghệ - hiện nay không có nghĩa là tìm cách loại bỏ AI ra khỏi cuộc sống, mà là loại bỏ, hạn chế những mặt trái của công nghệ này.

Tất nhiên, như bà Ellen Moons đã nói ở trên, phát triển công nghệ không chỉ mang lại những thay đổi tích cực. Đặc biệt, đối với nhiều người trong chúng ta, một trong những thách thức lớn nhất của AI chính là những thay đổi căn bản trong thị trường lao động. Theo một nghiên cứu do OpenAI và Đại học Pennsylvania thực hiện năm 2023, các quy trình tự động hóa nhờ vào AI có thể đe dọa sự tồn tại của khoảng 300 triệu việc làm. Nghiên cứu này cũng dự đoán là 80% công ăn việc làm ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, trên ít nhất 10% khối lượng công việc.

Trước đây, dự đoán AI thay thế con người mới chỉ dừng lại ở những công việc lao động chân tay đơn giản. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của AI, và với sự ra đời của AI tạo sinh (generative AI), khả năng AI có thể tư duy và sáng tạo cạnh tranh với con người đã trở thành một hiện thực. Câu hỏi về “vị thế” của AI như “tác giả” hay “nhà sáng chế” ngày càng được đặt ra nhiều hơn trước các tòa án quốc gia.


Năm 2024, giải thưởng Nobel Vật lý đã được trao cho hai nhà vật lý học John Hopfield và Geoffrey Hinton.

Chúng ta không lạ gì “Dabus” - một hệ thống AI của nhà khoa học Stephen Thaler - đã tạo ra một số sáng chế quan trọng có ứng dụng trong công nghiệp. “Dabus” càng trở nên nổi tiếng vì AI này hiện tại hầu như chưa được công nhận vị thế “nhà sáng chế” trong luật về sở hữu trí tuệ, do không phải là một... con người sinh học. Tòa án các quốc gia như Mỹ, Anh, Israel, Ấn Độ, Canada hay thậm chí cả Cục Bằng sáng chế châu Âu đều từ chối cho phép công nhận Dabus như “nhà sáng chế”. Tuy nhiên, Nam Phi và Ảrập Saudi lại là ngoại lệ, công nhận vị thế “nhà sáng chế” của Dabus - vốn chỉ dành cho con người.

Trong lĩnh vực nghệ thuật, khuynh hướng công nhận sáng tạo của AI đang ngày càng hiện rõ, khi tòa án các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc đã bắt đầu cho phép bảo hộ tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra, hay Cục bản quyền Mỹ (USCO) cũng không còn từ chối bảo hộ như trước mà khẳng định rằng sẽ xem xét khả năng bảo hộ nếu như tác phẩm có sự đóng góp của con người ngoài phần sáng tạo của AI. Rõ ràng là những thay đổi của công nghệ đang làm đảo lộn nhiều khái niệm truyền thống - không còn là chuyện viễn tưởng khi đặt ra câu hỏi AI có thể là “nhà” sáng chế, “nhà” sáng tạo. Một ngày kia, liệu AI có thể là... nghệ sĩ yêu thích của nhiều người trong chúng ta?

“Lịch sử của công nghệ là lịch sử của sự bác bỏ nó” - đây là nhận định của nhà nghiên cứu Thomas Dekeyser, đồng tác giả bộ phim tài liệu mang tên “Machines in Flames” (tạm dịch: Những cỗ máy trong biển lửa) - nói về những người “chống lại công nghệ”. Trái với hình dung của nhiều người, sự phát triển công nghệ không hề được xã hội đón nhận một cách hào hứng và suôn sẻ.

Đó là câu chuyện của nước Anh vào thế kỷ 19 với những thay đổi căn bản nhờ vào cách mạng công nghiệp. Các cỗ máy tự động ra đời thay thế con người đã dẫn đến kết quả là các cuộc biểu tình của công nhân Anh đồng loạt diễn ra và lan rộng sang nhiều nơi. Những người biểu tình (còn được gọi là luddite) đã đập phá máy móc, phá hủy nhà máy. Chính phủ Anh đã phải huy động hơn 10.000 lính để đối phó với cuộc biểu tình.

Sau đó, Luật Frame-Breaking Act đã được thông qua, trong đó có quy định tội tử hình cho hành động đập phá máy móc. Sự ra đời của máy tính cũng không phải luôn được chào đón ở... Pháp. Giữa những năm 1980 và 1983, nhiều vụ hỏa hoạn đã xảy ra ở trụ sở các công ty máy tính tại thành phố Toulouse, gây ra nhiều thiệt hại về vật chất. Những vụ cố ý phá hoại này cũng diễn ra ở một vài nơi khác tại châu Âu và Mỹ. Truyền thông thời đó thường nhận được những lá thư ký tên Clodo, chữ viết tắt của... “Ủy ban phá hủy máy tính”, một nhóm những người coi máy tính như công cụ để kiểm soát và bóc lột con người.

Hiện nay, khuynh hướng luddite chống lại công nghệ vẫn tồn tại và có phần phát triển, đặc biệt khi người ta càng lo ngại trước một tương lai AI thay thế con người và con người lại càng trở nên phụ thuộc vào máy móc. Năm 2023, ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood xáo trộn vì các cuộc đình công kéo dài của các nhà biên kịch, những người lo ngại khả năng sử dụng AI tạo sinh trong sáng tạo điện ảnh. Nhìn chung, những “tân luddite” của thế kỷ 21 có nhiều khác biệt với những người công nhân Anh ở thế kỷ 19. Họ phản đối những phát triển công nghệ khi tồn tại những nguy cơ ảnh hưởng xã hội, kinh tế có tác động tiêu cực tới “lợi ích chung” như bảo vệ môi trường, bình đẳng xã hội.

Nhiều chuyên gia cho rằng hoàn toàn có lý do để cảnh báo về ảnh hưởng tiêu cực của AI tới công ăn việc làm. Trong quyển sách “Artificial Intelligence and the Two Singularities”, chuyên gia về AI, Calum Chace, cho rằng trái ngược với hai cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, nơi công nghệ tạo ra công ăn việc làm thay vì gây ra thất nghiệp như người ta lo ngại, thì với cách mạng công nghệ mà AI tạo ra, chúng ta nên lo ngại vì có nhiều khả năng AI xóa sổ nhiều việc làm hơn là tạo ra công việc mới.

AI đang được coi là động cơ phát triển kinh tế toàn cầu: các doanh nghiệp cũng như các quốc gia đang gấp rút nâng cao lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua toàn cầu này. Tuy nhiên để AI thực sự được coi là “mang lại lợi ích lớn cho nhân loại”, thì càng cần phải nâng cao ý thức và hiểu rõ những nguy cơ bất ổn và ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ này. Khuynh hướng luddite - chống lại công nghệ - hiện nay không có nghĩa là tìm cách loại bỏ AI ra khỏi cuộc sống, mà là loại bỏ, hạn chế những mặt trái của công nghệ này.

Nguồn thesaigontimes

Tin cùng chuyên mục