Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Triển khai các dự án kết nối Long An và Tây Ninh
Chủ nhật: 14:39 ngày 16/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các trục giao thông kết nối tỉnh Long An và Tây Ninh góp phần thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Mới đây, hai địa phương Long An và Tây Ninh đã đề xuất trong thời gian tới hai sở GTVT sẽ xây dựng quy chế phối hợp tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô giữa hai tỉnh. Bên cạnh đó là việc triển khai các dự án giao thông kết nối giữa Long An và Tây Ninh.

Hai trục kết nối Long An và Tây Ninh

Theo Sở GTVT tỉnh Long An, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Long An về việc triển khai thực hiện liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2016-2020, hai địa phương đã ký kết văn bản ghi nhớ về việc kết nối GTVT giữa Tây Ninh và Long An. Sau một thời gian triển khai, Sở GTVT tỉnh Long An đã bước đầu thực hiện được nhiều nhiệm vụ quan trọng để kết nối giữa hai địa phương với nhau.

Cụ thể, về giao thông đường bộ, hiện có hai trục kết nối giữa Long An và Tây Ninh. Trong đó, trục thứ nhất là đường ĐT.786 (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) kết nối đường ĐT.838C (huyện Đức Huệ, Long An) tại cầu Đường Xuồng, tuyến trùng với quy hoạch quốc lộ (QL) 14C kéo dài. Dự kiến trục đường này sẽ hoàn thành trong quý II-2022. Trục thứ hai là đường ĐT.787A (thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh) kết nối đường ĐT.821 (huyện Đức Hòa, Long An).

Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết dự án QL14C kéo dài sẽ trùng với tuyến ĐT.786 và ĐT.838C. Hiện dự án này đã bổ sung quy hoạch đường ĐT.838 nối dài kết nối đường huyện 120, 119 và QL22 tỉnh Tây Ninh. Đối với tuyến QL14C, hiện do còn một số đoạn tuyến chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn đường cấp IV. Do đó, hai sở cùng phối hợp tham mưu UBND tỉnh đầu tư đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV trong giai đoạn 2021-2025 và chuyển cấp toàn bộ tuyến cho Bộ GTVT trước năm 2025.

Theo ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, việc kết nối giao thông giữa Long An và Tây Ninh là vô cùng cấp thiết để các địa phương giao thương, thu hút đầu tư, đồng bộ về nâng cấp đường bởi Tây Ninh là một cửa ngõ vô cùng quan trọng đối với khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Trung kỳ vọng khi hai địa phương được kết nối sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kích thích việc thu hút đầu tư và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hai tỉnh Long An và Tây Ninh. Ngoài ra, thời gian tới hai địa phương cũng sẽ kết nối đồng bộ từ đường thủy, đường bộ và vận tải hành khách công cộng.

Sơ đồ một số tuyến đường kết nối giữa Tây Ninh và Long An.
Đồ họa: HỒ TRANG

Kết nối với đường Hồ Chí Minh

Nói về quy hoạch kết nối, ông Nguyễn Tấn Tài cho biết tỉnh cũng có định hướng quy hoạch đường Hồ Chí Minh kết nối từ thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) với huyện Đức Hòa (Long An). Hiện dự án đang được Bộ GTVT triển khai trong kế hoạch trung hạn 2021-2025.

Theo đó, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh sẽ phối hợp với Bộ GTVT và Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ đoạn Chơn Thành - Đức Hòa (cao tốc Bắc - Nam phía tây), hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 trước năm 2025. Đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu sớm đầu tư cao tốc sáu làn xe theo quy hoạch trước năm 2030.

Bên cạnh đó, Tây Ninh sẽ cùng với Bình Dương, Bình Phước tham mưu UBND các tỉnh có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT sớm đầu tư hoàn thành giai đoạn 1 dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành.

Ông Tài cho biết hiện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, tiêu chuẩn đường cấp III, tổng mức đầu tư khoảng 3.482 tỉ đồng bằng vốn đầu tư công. Dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành vào năm 2025.

Ngoài ra, trong thời gian tới Sở GTVT tỉnh Tây Ninh sẽ tham mưu UBND tỉnh sớm đầu tư tuyến đường kết nối trung tâm xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng với trung tâm xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ (Long An) giai đoạn 2026-2030. Phối hợp tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT hỗ trợ kinh phí đầu tư cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông tại bến khách ngang sông Phước Chỉ - Lộc Giang giai đoạn sau năm 2030.

Tây Ninh cũng sẽ phối hợp với các địa phương TP.HCM, Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đầu tư khép kín đường vành đai 3 trước năm 2025 và đầu từ đường vành đai 4 đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2030, hình thành tam giác phát triển TP.HCM - Tây Ninh - Long An.•

Kết nối phương tiện giao thông công cộng

Theo quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng của tỉnh Tây Ninh đến năm 2020, trong thời gian tới sẽ có tuyến xe buýt liên tỉnh từ huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) đến huyện Đức Hòa (Long An). Tuyến này sẽ có điểm đầu tại Bến xe khách Hậu Nghĩa và điểm cuối tại phường Lộc Hưng (thị xã Trảng Bàng) và ngược lại.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục