Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai công tác y tế trường học giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm tiếp tục củng cố nhân lực, cơ sở vật chất, cải thiện môi trường, điều kiện học tập cho công tác y tế học đường; truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao ý thức trách nhiệm và sự tham gia chủ động của toàn xã hội, các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe học sinh; truyền thông về trách nhiệm, quyền lợi đối với việc tham gia bảo hiểm y tế.
Sở Y tế, Sở GD&ĐT giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các trường mầm non, mẫu giáo- Ảnh minh hoạ
Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh, tầm soát phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp cho học sinh; nâng cao trách nhiệm và nhận thức của học sinh, cán bộ giáo viên và phụ huynh học sinh trong công tác phòng chống dịch bệnh ngay tại trường học và tại nhà của học sinh; thực hiện việc giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục để xử lý kịp thời, triệt để.
Kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học và các cơ sở giáo dục.
Theo chỉ tiêu kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 có 100% trường học và cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, bảo đảm diện tích, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh. Phấn đấu 100% trường học có cán bộ y tế với trình độ phù hợp theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT quy định về công tác y tế trường học. 100% trường mầm non, phổ thông tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh với trên 98,5% học sinh được khám.
Khám răng cho học sinh tiểu học- Ảnh minh hoạ
100% các huyện, thành phố triển khai mô hình điểm về truyền thông nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật trong trường học, góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán và các yếu tố nguy cơ của sức khỏe trong trường học. Không để xảy ra các dịch bệnh có quy mô lớn và ngộ độc thực phẩm xảy ra trong các trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT chỉ đạo việc củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học; chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện chương trình tầm soát bệnh lý học đường theo từng giai đoạn và từng năm; chủ trì, phối hợp các sở, ngành tham mưu đầu tư, trang bị cơ sở vật chất trường học bảo đảm các điều kiện về phòng học, bàn ghế, bảng viết, chiếu sáng, đồ chơi trong trường học đáp ứng chuẩn quy định tại Quyết định số 1221 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu dùng trong phòng y tế học đường của các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học.
Hằng năm rà soát, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hoặc xây mới các hạng mục công trình về cấp thoát nước và vệ sinh môi trường trong trường học (nhà vệ sinh). Tổ chức điều tra yếu tố vệ sinh học đường (vệ sinh môi trường, nguồn nước, bếp ăn) tại các trường học, cơ sở giáo dục; đánh giá thực trạng sức khỏe học sinh từ 6-11 tuổi trên địa bàn tỉnh từ kết quả chương trình tầm soát bệnh học đường cho học sinh tiểu học năm học 2018-2019,…
Ngoài ra, UBND tỉnh còn giao các sở Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư… thực hiện nhiệm vụ trong kế hoạch liên quan đến từng ngành.
Nhã Trúc