Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Triển khai dự án đầu tư công trung hạn: Còn nhiều khó khăn
Chủ nhật: 23:15 ngày 04/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công gặp một số khó khăn nhất định cần được tháo gỡ kịp thời để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án theo đúng kế hoạch đề ra.

Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh (giai đoạn 1).

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Đầu tư công được tập trung chủ yếu vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công gặp một số khó khăn nhất định cần được tháo gỡ kịp thời để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án theo đúng kế hoạch đề ra.

Tháo gỡ khó khăn

Theo UBND huyện Tân Biên, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của huyện quá lớn so với nguồn lực kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của huyện, nên trong quá trình xây dựng kế hoạch huyện phải rà soát, điều chỉnh bổ sung nhiều lần, chưa bố trí được vốn cho những dự án mang tính đột phá mà chỉ bố trí cho các dự án quy mô nhỏ, nguồn vốn thấp.

Điển hình như Dự án Hỗ trợ đầu tư phát triển rừng sản xuất trên địa bàn huyện Tân Biên giai đoạn 2021-2025, huyện đã phê duyệt 43 phương án xin khai thác rừng sản xuất gồm cây cao su, xà cừ, keo, với tổng diện tích 208,03 ha. Sau khi khai thác cây trồng, các hộ dân đã trồng cây nông nghiệp, có chừa đường để trồng rừng khi tỉnh có quy hoạch cụ thể.

Bên cạnh đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã có rừng thực hiện hướng dẫn các hộ dân kê khai diện tích đất rừng, đề nghị giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng, đăng ký nhu cầu giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn; thống kê danh sách các hộ dân xây dựng nhà ở, nhà chòi, lán trại trên đất rừng sản xuất làm cơ sở để UBND huyện xây dựng kế hoạch giao, cho thuê rừng và đất rừng sản xuất theo đề án đã được phê duyệt.

Đến nay, đã có 12 hộ đăng ký nhu cầu giao rừng, thuê rừng sản xuất và vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân có nhu cầu giao rừng, thuê rừng sản xuất đăng ký để hoàn tất hồ sơ và tiến hành xây dựng kế hoạch trồng rừng theo mô hình trồng rừng được tỉnh phê duyệt.

Theo UBND huyện Tân Biên, trong quá trình thực hiện dự án còn nhiều khó khăn, công tác xây dựng đường lâm nghiệp và phòng, chống cháy rừng còn chậm, do 15 hộ dân dây dưa, kéo dài bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công; chưa có phương án xử lý việc cất nhà, lán trại, trồng cây nông nghiệp trên đất rừng sản xuất; khi tiếp nhận bàn giao từ Ban Quản lý khu rừng VHLS Chàng Riệc chưa thực hiện xác định diện tích thực tế nên khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch giao và thuê rừng.

Để dự án thực hiện có hiệu quả, UBND huyện Tân Biên chỉ đạo các ngành chuyên môn phối hợp UBND các xã tuyên truyền vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công làm đường lâm nghiệp và phòng, chống cháy rừng; xử lý di dời lán trại ra khỏi đất rừng sản xuất; hoàn thành công tác đo đạc, cắm mốc làm cơ sở xây dựng kế hoạch giao, cho thuê rừng trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt theo quy định.

Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh (giai đoạn 1) với kinh phí đầu tư 364 tỷ đồng. Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng Thành phố, thời gian thực hiện dự án đến hết tháng 12.2023. Tuy nhiên, hiện dự án chưa được bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài) năm 2022. Vì vậy, việc triển khai tạm ứng, thanh toán giải ngân cho các gói thầu sử dụng nguồn vốn ODA đang gặp khó khăn, chưa thể thực hiện được, ảnh hưởng đến công tác giải ngân, triển khai thực hiện chung của dự án; hợp đồng và các thủ tục pháp lý khác mất khá nhiều thời gian, ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai chung của dự án.

Từ những khó khăn trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Thành phố kiến nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh hỗ trợ công tác giải ngân vốn của dự án, nhất là vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, công tác giải ngân cho dự án chưa thực hiện được, sẽ bị chậm so với kế hoạch đề ra, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân nguồn vốn ODA của tỉnh. Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tham mưu UBND tỉnh bố trí bổ sung vốn ngân sách Trung ương năm 2022 để đủ điều kiện triển khai đấu thầu gói thầu hợp đồng B2 và thanh toán khối lượng cho gói thầu hợp đồng A+B4 thuộc dự án, để dự án bảo đảm đủ điều kiện triển khai thực hiện.

Vùng ngập tại ấp Tân Hoà, xã Tân Lập.

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án kênh tiêu xã Tân Lập

Nhiều năm qua, người dân sinh sống xung quanh khu vực kênh tiêu xã Tân Lập phải chịu cảnh ngập cục bộ khi mưa lớn kéo dài. Trước tình trạng trên, ngày 12.8.2020, UBND tỉnh có Quyết định số 1741/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án kênh tiêu xã Tân Lập để tiêu thoát nước, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân. Tuy nhiên đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Ông Đào Văn Sớt- Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết, thời gian gần đây, mưa lớn kéo dài gây ngập úng cục bộ nhiều nơi trong khu vực- đặc biệt là ngập úng khu dân cư các ấp Tân Tiến, Tân Hoà, Tân Đông 1, Tân Đông 2. Khu vực thường xuyên bị ngập úng là những khu trũng thấp xen lẫn trong khu dân cư và đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Tổng diện tích ngập khoảng 200 ha, thời gian bị ngập khoảng 20 ngày, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 600 hộ, riêng khu vực có tuyến kênh đi qua khoảng 1km có khoảng 51 hộ.

Anh Nguyễn Thanh Long, ở ấp Tân Hoà, xã Tân Lập cho biết: “Hơn 10 năm nay, chúng tôi đã chứng kiến cảnh mưa lớn khiến nước dâng ngập hết nhà cửa như vậy. Lúc đầu cứ tưởng nước ngập vài ngày sẽ hết, cùng lắm thì chỉ ngập đường, ai ngờ nước dâng vào trong nhà. Cả gia đình tôi phải thu dọn đồ đạc, vật dụng sinh hoạt hằng ngày di chuyển đến những chỗ cao ráo, để tránh bị ngập, hư hỏng”.

Ông Đào Văn Sớt kiến nghị UBND tỉnh xem xét tiếp tục triển khai thực hiện dự án kênh tiêu Tân Lập, để bảo đảm tiêu thoát nước trên địa bàn xã. Đồng thời, xem xét đền bù khi thu hồi đất đối với các hộ dân và tổ chức nằm trong vùng ngập và vùng không bị ngập do dự án kênh tiêu đi qua, vì vùng bị ngập lớn, nhiều diện tích đất sản xuất, nhiều hộ dân sinh sống bị ảnh hưởng mà không đền bù thì thiệt thòi cho những hộ này.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, kênh tiêu xã Tân Lập dài 5,2km, điểm đầu tại nông trường cao su Xa Mát, điểm cuối giáp suối Mây. Tổng kinh phí đầu tư là 36 tỷ đồng. Dự án sẽ hỗ trợ tiêu thoát cho 824 ha đất nông nghiệp khu vực xã Tân Lập, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp; ổn định kinh tế - xã hội trong khu vực.

Theo Ban Quản lý dự án, sau khi có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1741/QĐ-UBND ngày 12.8.2020, Ban Quản lý dự án cùng UBND huyện Tân Biên phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức lấy ý kiến người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm (Nhà nước đầu tư kinh phí, người dân góp đất), đồng thời phối hợp các sở, ngành và UBND huyện Tân Biên, các đơn vị có liên quan đề xuất một số phương án đền bù qua khu dân cư 4m, 3m và tham dự các cuộc họp lấy ý kiến của người dân để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án theo đúng quy định.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, UBND các cấp, các sở, ngành và địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án, công tác giải phóng mặt bằng đã được các địa phương vận động người dân hiến đất, cho thi công trước một số vị trí công trình bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, cụ thể: có 8 dự án đã thi công hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy được hiệu quả đầu tư của dự án, trong đó có 1 dự án đã quyết toán.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã được UBND các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện và triển khai tích cực. Tuy nhiên, do giá đất trên thị trường biến động theo chiều hướng tăng cao nên ảnh hưởng đến công tác lập và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và tiến độ của dự án.

Ban Quản lý dự án kiến nghị đối với các dự án quy mô lớn và trọng điểm nên lập thành 2 dự án để đẩy nhanh tiến độ gồm: chủ đầu tư thực hiện công tác xây dựng cơ bản; UBND huyện làm chủ đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Nhi Trần

Tin cùng chuyên mục