Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông, vụ Mùa năm 2021
Thứ sáu: 07:39 ngày 09/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 8.7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Thu Ðông, vụ Mùa năm 2021 khu vực Nam bộ.

Ðại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Hội nghị do các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Nam đồng chủ trì. Tại điểm cầu Tây Ninh, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT điều hành hội nghị.

Theo Cục Trồng trọt (thuộc Bộ NN&PTNT), vụ Hè Thu năm 2021, các tỉnh, thành khu vực Nam bộ xuống giống đạt gần 1,6 triệu héc-ta lúa (giảm 11 ngàn héc-ta); cây bắp (ngô) ước đạt 55.042 ha (tăng 639 ha); khoai lang 13.575 ha (giảm 3.306 ha); khoai mì (sắn) 64.034 ha (giảm 2.731 ha); đậu phộng (lạc) 9.734 ha (giảm 554 ha); mè (vừng) 812 ha (giảm 664 ha); mía 24.548 ha (giảm 20.543 ha); rau màu các loại là 213.661 ha (giảm 12.098 ha), đậu các loại 7.540 ha (giảm 3.253 ha).

Diện tích lúa Hè Thu giảm do nông dân chuyển đổi sang trồng rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thuỷ sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặc dù tổng diện tích xuống giống giảm nhưng năng suất bình quân tăng trên 1,14 tạ/ha, sản lượng sản xuất cả vụ vẫn tăng 120.000 tấn so với vụ Hè Thu năm 2020.

Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng lúa giống nguyên chủng là 0,2% (3.000 ha), giống xác nhận là 76,7% (khoảng 1.166 ha) và sử dụng lúa thường làm giống là 23,1% (343.000 ha). Cơ cấu sử dụng giống lúa sản xuất từng vụ đang có xu hướng chuyển dịch sang các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao phù hợp với yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Trong đó, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm, đặc sản (ST24, ST25) là 29,8%, tăng 3,3% so với cùng kỳ; giống lúa chất lượng cao đạt 48%, tăng 2% so với cùng kỳ; giống chất lượng trung bình đạt 11,5%, giảm 4,7% so với cùng kỳ, giống lúa nếp đạt 10,7%, giảm 1,1% so với cùng kỳ.

Theo Cục Trồng trọt, giá lúa bình quân vụ Hè Thu năm 2021 là 3.728 đồng/kg, tăng khoảng 4% (143 đồng so với vụ Hè Thu năm 2020). Trong khi đó, giá các loại phân bón tăng khoảng 40%-60%, các loại vật tư đầu vào khác cũng tăng cao so với những năm trước. Cụ thể, giá phân Ure tăng 3.500 đồng/kg, phân DAP tăng 5.000 đồng/kg…

Bên cạnh đó, nhiều loại sâu bệnh tấn công lúa Hè Thu, nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy nâu… Nhờ thực hiện các bước cắt giảm chi phí hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân vẫn bảo đảm mức lợi nhuận so với vụ Hè Thu 2020.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các tỉnh, thành khu vực Nam bộ cần tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, có giải pháp ứng phó, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc lúa Hè Thu đang sinh trưởng; có kế hoạch phòng trị các loại dịch hại, bảo đảm an toàn cho diện tích lúa còn lại; tranh thủ thu hoạch với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”, hạn chế tối thiểu lúa ngã trong mùa mưa, làm giảm năng suất và chất lượng lúa thương phẩm.

Khi bố trí thời vụ cho lúa Thu Ðông cần lưu ý đến thời điểm xuống giống chính vụ lúa Ðông Xuân 2021-2022, kết thúc xuống giống lúa Thu Ðông vào ngày 20.8, tối đa là 30.8.2021.

Việc sử dụng những giống lúa cho vụ Thu Ðông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Từ vụ Hè Thu sang Thu Ðông cần có thời gian giãn cách để làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt, tiêu huỷ rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân huỷ rơm rạ để hạn chế nguồn bệnh.

Minh Dương

Tin cùng chuyên mục