Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Triển vọng du lịch làng nghề bánh tráng
Thứ sáu: 02:47 ngày 15/04/2016

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Đến với lễ hội văn hoá du lịch nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng vừa kết thúc mấy ngày gần đây, chúng tôi đã thấy rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước rất hào hứng muốn được tiếp cận, khám phá nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của người dân xứ Trảng. Từ thực tế đó có thể nhận ra Trảng Bàng là địa phương hứa hẹn tiềm năng phát triển du lịch bằng chính làng nghề làm bánh tráng của mình.

Du khách nước ngoài tìm hiểu nghề làm bánh tráng.

Tôi đã dành thời gian gần một tuần cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những người chuyên làm bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng. Qua đó, tôi đã vỡ lẽ ra rằng: cái nghề thủ công truyền thống này coi cực vậy mà cũng thật… hấp dẫn. Để làm ra chiếc bánh tráng phơi sương, người thợ làm bánh phải trải qua các công đoạn như làm bột, tráng bánh, phơi bánh, nướng bánh, rồi lại đem bánh phơi sương, xếp bánh và đóng gói.

Mỗi công đoạn đòi hỏi một kỹ thuật riêng. Ở công đoạn tráng bánh, người thợ phải dùng chiếc gáo dừa mài nhẵn. Bánh được tráng tuần tự hết lớp thứ nhất, đến lớp thứ hai và hai lớp phải chồng khít lên nhau. Việc phơi bánh phải được thực hiện từ 9 giờ đến 10 giờ 30 thì bánh mới ngon, nếu phơi quá trưa, nắng gắt dễ làm bánh bị bể. Công đoạn nướng bánh cũng khá thu hút sự chú ý của du khách.

Sau khi phơi khô, bánh được cho vào bao ni-lông để ủ trong vài ngày, chờ cho bánh dịu lại rồi mới đem ra nướng. Bánh nướng trên mẻ om với than nóng vừa phải. Nghệ thuật nướng bánh đòi hỏi phải trở bánh đều tay, liên tục, vừa khéo không để cho bánh vàng, không để hai lớp bong tróc. Bánh phải có độ phồng vừa phải. Công đoạn phơi sương càng thú vị. Nó được thực hiện vào ban đêm, từ khoảng 22 giờ cho đến lúc tờ mờ sáng khi sương đêm đã giăng phủ khắp nơi.

Nếu như ở những công đoạn trước, khách tham quan được mời thưởng thức những chiếc bánh tráng mới ra lò còn nóng hổi thì ở công đoạn phơi sương, mọi người có thêm niềm vui được nhấm nháp chiếc bánh tráng mềm, dẻo, thơm ngon dưới trăng thanh gió mát, vừa ăn vừa nghe các cụ cao niên kể những câu chuyện thú vị về nghề làm bánh tráng ngày xưa; trong đó có chuyện những chiếc bánh tráng trở thành lương khô đỡ dạ cho người chiến sĩ cách mạng trong những năm kháng chiến cứu nước, hay chuyện những chiếc bánh dân dã của xứ Trảng quê nghèo đã trở thành đặc sản trong các nhà hàng sang trọng và còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Bà Phạm Thị Đương (57 tuổi, ngụ khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng) kể, trong hơn 40 năm làm nghề bánh tráng, bà từng tiếp đón nhiều du khách từ các nơi đến xem bà làm bánh tráng. Bà nói: “Họ hỏi han cách làm bánh, ghi chép vào sổ tay, có người còn xin ngồi vào lò tráng thử”. Anh Lê Văn Châu (44 tuổi, ngụ cùng khu phố Lộc Du) vui vẻ kể chuyện năm trước, có đoàn khách Nhật Bản đến nhà xem anh tráng bánh và: “Họ tỏ ra thích thú lắm. Họ đưa tiền cho vợ chồng tôi mua lưới về giăng để phơi sương bánh tráng, lại mua rau sông, thịt heo về luộc để cuốn ăn cho họ quay phim. Bà Nguyễn Thị Nhiều, 59 tuổi, ngụ cạnh nhà anh Châu kể thêm: “Du khách nhiều nơi đến đây tham quan, chụp ảnh, làm phim… nhiều lắm, nhớ không hết”.

Nghề làm bánh tráng ở Trảng Bàng không tập trung ở một nhóm hộ gia đình, mà rải rác trong các khu dân cư từ khu phố Lộc Du đến khu phố Gia Huỳnh và một số khu phố khác của thị trấn Trảng Bàng. Bánh tráng xứ Trảng, không chỉ có bánh tráng phơi sương mà còn có cả chục loại khác như bánh tráng nhúng, bánh tráng muối ớt, bánh tráng mè, bánh tráng chuối, bánh phồng, bánh đa...

Nghề làm bánh tráng không chỉ gói gọn ở khu vực thị trấn Trảng Bàng mà còn phát triển ở nhiều xã, phường, huyện, thành phố khác trong tỉnh. Điều này cho thấy, nhiều năm qua, ở Trảng Bàng nói riêng, tỉnh Tây Ninh nói chung ẩn chứa một tiềm năng du lịch làng nghề rất lớn, nhưng tiếc là đến nay tiềm năng này vẫn chưa được khai thác đúng mức.

Theo một số nghiên cứu, du lịch làng nghề truyền thống đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài những lợi ích về kinh tế, xã hội, du lịch làng nghề còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá vùng miền, địa phương. So với các loại hình du lịch khác, du lịch làng nghề có nhiều ưu điểm vượt trội. Cơ sở vật chất hầu như chẳng cần đầu tư, tốn kém thêm. Đường sá giao thông, nhân lực, sản phẩm đều có sẵn tại chỗ, phần còn lại chỉ cần người làm du lịch biết cách tổ chức, kết nối làng nghề với các tour.

Ở Trảng Bàng, việc phát triển du lịch làng nghề truyền thống bánh tráng phơi sương là hoàn toàn có thể.

Thảo Nguyên

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh