Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Triển vọng kinh tế thế giới cuối năm 2023
Thứ hai: 07:54 ngày 06/11/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thế giới ngày càng bị phân mảnh, sự chia rẽ giữa các nước lớn ngày càng rõ ràng và địa chính trị trở thành yếu tố then chốt cản trở phát triển kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa.

Năm 2023, kinh tế toàn cầu “chậm chạp” tiến về phía trước. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), tăng trưởng toàn cầu sẽ tụt xuống 3% trong năm nay, thay vì 3,5% của năm trước và tiếp tục giảm xuống 2,9% vào năm tới, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong lịch sử.

Xung đột Israel - Hamas bồi thêm cú đấm vào một cơ thể chưa kịp hồi sức hoàn toàn, khiến các nền kinh tế vốn đang tăng trưởng thấp và không đồng đều, lại thêm bất ổn hơn.

Bấp bênh
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Ajay Banga cảnh báo, thế giới đang ở trong thời điểm “rất nguy hiểm”. Tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá năng lượng tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Các chuyên gia cho rằng, xung đột tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới, gia tăng bất ổn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.

Trên thực tế, bất ổn tại Dải Gaza, xung đột Nga-Ukraine trở thành cú sốc lớn nhất đối với các thị trường hàng hóa kể từ những năm 1970. Theo nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB, nếu xung đột tiếp tục leo thang, kinh tế toàn cầu lần đầu đối mặt với cú sốc năng lượng kép trong nhiều thập kỷ, thổi bùng lạm phát trở lại, sau những nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương.

Giá dầu đã tăng 6% kể từ sau xung đột Israel - Hamas, trong khi giá các mặt hàng nông nghiệp, kim loại và các hàng hóa khác hầu như không biến động. Dựa trên lịch sử các cuộc xung đột khu vực từ những năm 1970, báo cáo của WB đã dự báo về ba kịch bản với mức độ nghiêm trọng tăng dần.

Ở viễn cảnh lạc quan, tác động tương tự như tình hình tại Libya năm 2011, giá dầu có thể tăng 3-13% lên 93-102 USD/thùng.

Nếu nguy cơ gián đoạn ở mức trung bình như trong diễn biến tại Iraq năm 2003, giá dầu có thể tăng lên 109-121 USD/thùng.

Còn trong kịch bản nghiêm trọng nhất, giá dầu có thể đạt đỉnh 140-157 USD/thùng, vượt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF cho biết, giá dầu tăng 10% thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm tới sẽ giảm 0,15 điểm phần trăm, đồng thời lạm phát sẽ tăng thêm 0,4 điểm phần trăm.

Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới nửa cuối năm 2023, IMF chỉ ra ba rủi ro chính mà thế giới phải đối diện là lạm phát, sự mất ổn định của thị trường tài chính và sự đan xen giữa địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ.

Giá năng lượng tăng cao do tác động của các cuộc xung đột là rủi ro đầu tiên. Trong đó, nguy cơ lan rộng của cuộc xung đột Israel - Hamas với khả năng can dự của các cặp quan hệ mật thiết Iran-Hamas và Mỹ-Israel, rất có thể khiến nguồn cung trên thị trường dầu mỏ bị thắt chặt và giá năng lượng bị đẩy lên cao.

Rủi ro thứ hai là sự ổn định của thị trường tài chính. Hai năm qua, để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương các nước vẫn chưa thể hoàn tất lộ trình tăng lãi suất kéo dài và liên tục. Chi phí nợ gia tăng là kết quả dự kiến của chính sách thắt chặt tiền tệ. Lãi suất cao có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của thị trường tài chính, dẫn đến vỡ nợ gia tăng.

Chủ nghĩa bảo hộ mới?

Được coi là rủi ro thứ ba đối với nền kinh tế thế giới, nhưng sự đan xen giữa địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cản trở thương mại và đầu tư quốc tế lại là vấn đề lớn nhất, với khả năng ảnh hưởng sâu rộng nhất.

Thương mại quốc tế là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng động cơ này đang suy yếu. Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc, xung đột Nga-Ukraine khiến các công ty đa quốc gia coi địa chính trị là biến số cần xem xét. Xung đột Israel -Hamas càng khiến các công ty đa quốc gia chú ý đến địa chính trị.

Trong bài viết “Kẻ thù thực sự của nền kinh tế toàn cầu là địa chính trị, không phải chủ nghĩa bảo hộ”, học giả Dani Rodrik của Đại học Harvard nhấn mạnh, rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt đến từ sự cạnh tranh giữa hai cường quốc dẫn đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, có thể liên lụy đến tất cả mọi người.

Những phân tích của tác giả trong bài viết, khá phù hợp với nền kinh tế toàn cầu hiện nay - một thế giới bất ổn và dễ xảy ra xung đột hơn. Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của sự phân mảnh, các rào cản thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng, hình thức cực đoan là tập đoàn hóa kinh tế, toàn cầu hóa kinh tế diễn biến theo một phương thức khác.

Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu cải thiện tiếp xúc trong thời gian gần đây, nhưng xung đột Israel - Hamas gây tác động tiêu cực đến cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai nước. Địa chính trị trở thành yếu tố then chốt cản trở sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Thương mại Mỹ-Trung Quốc không còn là “chất xúc tác” của hòa bình, mà cạnh tranh chiến lược giữa hai người khổng lồ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi.

Cùng quan điểm trên, trong bài viết “Thương mại tự do trong một thế giới phân mảnh”, Giáo sư kinh tế Craig Emerson phân tích, khi hai siêu cường tranh giành quyền lực tối cao và phần lớn thế giới quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ, các cường quốc bậc trung theo đuổi những con đường mới.

Một số quốc gia thể hiện xu hướng liên kết với siêu cường này hoặc siêu cường kia vì các mục đích chiến lược và kinh tế, một số khác giữ thái độ trung lập.

Nếu trong nửa thế kỷ trước, các quốc gia lớn, nhỏ đều được hưởng lợi từ quá trình hội nhập toàn cầu. Xu hướng mở rộng biên giới kinh tế và kết nối mạnh mẽ theo quan điểm các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế thì ít có khả năng cân nhắc tới xung đột.

Hiện nay, khi chủ nghĩa bảo hộ quay lại, các nhà sản xuất trong nước có nhu cầu được bảo vệ khỏi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài và để bảo đảm sự tồn tại của các ngành công nghiệp trong nước, một quá trình tách rời toàn cầu mới bắt đầu.

Nổi bật là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và sau này được chuyển tiếp sang chính quyền kế nhiệm, trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, nước Mỹ sẽ trở nên vĩ đại trở lại bằng cách đưa việc làm và ngành công nghiệp trở về trong nước. Không chỉ dừng ở đó, vì lý do an ninh quốc gia, nhiều sản phẩm nhập từ các nước khác buộc phải chịu hạn chế, hay một hạng thuế quan đặc biệt…

Trong khi, Trung Quốc từ lâu vẫn kiên trì thực hiện một loạt chính sách công nghiệp, bao gồm chủ nghĩa bảo hộ thương mại, dù điều này vấp phải sự chỉ trích từ các nước phương Tây.

Nguồn baoquocte

Tin cùng chuyên mục