Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Triệu chứng cảnh báo bệnh tay chân miệng chuyển nặng
Thứ tư: 09:50 ngày 21/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ và dễ lây truyền theo đường tiêu hoá. Bệnh có khả năng tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Các biểu hiện của bệnh tay chân miệng

Dịch tay chân miệng đang có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng. Bộ Y tế đề nghị chuẩn bị các phương án phòng, chống dịch.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thống kê từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó, 3 bệnh nhân tử vong.

Đặc biệt, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây, đồng thời đã ghi nhận sự xuất hiện của virus Enterovirus (EV71) có khả năng gây bệnh nặng ở một số trường hợp mắc bệnh.

Trẻ mắc tay chân miệng đa số ở mức độ nhẹ với các triệu chứng điển hình bao gồm: sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng như trên và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.

Các triệu chứng nặng của bệnh tay chân miệng bao gồm:

1. Trẻ quấy khóc liên tục kéo dài: Khi bị tay chân miệng, trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15-20 phút lại dậy và quấy khóc liên tục. Đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.

2. Sốt cao liên tục không hạ: Khi bệnh tay chân miệng trở nặng, trẻ có thể sốt trên 38,5 độ liên tục hơn 48 giờ và không tác dụng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Điều này cảnh báo mức độ viêm rất mạnh trong cơ thể trẻ dễ dẫn đến nhiễm độc thần kinh.

3. Hay giật mình: Đây chính là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Phụ huynh cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi trẻ đang chơi đùa.

Nếu thấy trẻ xuất hiện 1 trong 3 triệu chứng trên, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám tại những cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời. 

Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Đình Tiến

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh