Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Triều Tiên có thể lặp lại 'phép màu' kinh tế Việt Nam ra sao?
Thứ ba: 20:19 ngày 19/02/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sắp tới đang được kỳ vọng sẽ mở ra một cơ hội cho Triều Tiên trong phát triển kinh tế. Mô hình "Đổi mới" mang đến "phép màu" kinh tế cho Việt Nam giờ đây đang được nhắc đến như một hình mẫu mà Triều Tiên có thể học hỏi.

Công nhân lắp ráp linh kiện điện tử tại nhà máy của Samsung Electronics Việt Nam ở Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN 

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng mới đây có bài viết phân tích những cơ hội và thách thức của Triều Tiên nhìn từ câu chuyện "Đổi mới" của Việt Nam.

Làn gió "Đổi mới"

Khi ông Võ Văn Đại bắt đầu công việc tại nhà máy sản xuất nước mắm Vạn Phần Diễn Châu (Nghệ An) vào cuối những năm 1980, doanh nghiệp quốc doanh này gồm 5 phòng, được giám sát, điều hành bởi 18 cán bộ quản lý. Vào thời điểm ông giữ cương vị giám đốc công ty sau khi cổ phần hóa vào năm 2000, nhà máy này đã giảm 2/3 số cán bộ quản lý. Trong cùng khoảng thời gian, doanh số của nhà máy bùng nổ gấp 10 lần và lực lượng lao động thường xuyên tăng hơn gấp đôi, lên 180 người.

Ông Đại hiện sở hữu 15% cổ phẩn của công ty Vạn Phần Diễn Châu, là cổ đông lớn nhất trong 116 cổ đông. Công ty đã được tư nhân hóa sau khi nhà nước bán hết cổ phần cho công nhân, trợ cấp 30% giá trị cổ phiếu và ưu tiên bán nhiều cổ phiếu hơn cho những công nhân làm việc lâu năm. “Tư nhân hóa có nghĩa chúng tôi phải tự quyết định sản xuất những gì, bán những gì mà thị trường cần. Vai trò của nhà nước đã thay đổi từ liên quan trực tiếp sang quản lý các công ty một cách gián tiếp thông qua luật và các quy định”, ông Đại cho biết.

Những câu chuyện làm kinh tế như ở doanh nghiệp của ông Đại đã diễn ra trên khắp Việt Nam kể từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu chính sách Đổi mới, mở cửa nền kinh tế và hội nhập với thế giới.


Vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.

Công cuộc Đổi mới đã đưa nền kinh tế kế hoạch tập trung của Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thu nhập bình quân trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng gấp 5 lần kể từ thập niên 1980 lên khoảng 2.500 USD hiện tại, với tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7%.

Trong bài phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Nội vào năm 2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng khẳng định ông tin rằng Triều Tiên có thể tham khảo con đường phát triển kinh tế của Việt Nam. "Phép màu này có thể là của các bạn", ông Pompeo nhắn nhủ tới Bình Nhưỡng.

Triều Tiên có thể học tập mô hình của Việt Nam ra sao?

Truyền thông Hàn Quốc đã dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã bày tỏ mong muốn học hỏi mô hình của Việt Nam. Tại Triều Tiên, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2011, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế. Năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho hay ông Kim rất quan tâm đến việc tham gia các thể chế quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng dù còn khiêm tốn sau hàng thập niên trì trệ. Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, nền kinh tế quốc doanh Triều Tiên tăng trưởng ước tính 3,9% trong năm 2016, thành tựu xuất sắc nhất trong hơn một thập niên. GDP bình quân đầu người được ước tính dao động từ vài trăm đến 2.000 USD/người/năm.


Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lái thử máy kéo sản xuất trong nước. Ảnh: Reuters

Những năm gần đây, Bình Nhưỡng đã khởi động nhiều chương trình cải cách nhỏ nhằm nới lỏng sự lệ thuộc vào nền kinh tế chỉ huy, cho phép trên 400 chợ tư nhân và thành lập trên 10 đặc khu kinh tế phục vụ đầu tư nước ngoài. Trong một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - trụ sở tại Mỹ), có 35/36 người Triều Tiên tham gia khảo sát cho biết họ đã tạo ra ít nhất 3/4 thu nhập thông qua hoạt động thị trường tư nhân.

Dưới thời Chủ tịch Kim Jong-un, hoạt động thương mại tư nhân từng bị cấm ngặt trước kia đã được nới lỏng hơn. Theo Viện Hội nhập xã hội Triều Tiên (Hàn Quốc), các "chợ trời", được gọi là "jangmadang", xuất hiện nhiều sau nạn đói vào giữa thập niên 1990, ngày nay chiếm khoảng 60% hoạt động kinh tế của Triều Tiên.

Các nhà đầu tư như doanh nhân người Mỹ Jim Rogers hoạt động tại Singapore (là tỉ phú sáng lập Quantum Fund) đã nhìn thấy sức mạnh kinh tế tiềm tàng ở Triều Tiên nếu như họ có thể áp dụng những cải cách mạnh mẽ và được cộng đồng quốc tế nới lỏng cấm vận.


Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên ở Singapore năm 2018. Ảnh: AP

Một lợi thế của Triều Tiên là vị trí địa lý gần với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, lại sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản khổng lồ chưa được khai thác ước tính trị giá nhiều nghìn tỉ đôla.

"Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc với một hiệp định rõ ràng đã cho phép vài thập kỷ sau Hà Nội và Washington có thể thiết lập mối quan hệ hợp tác", ông Andray Abrahamian, chuyên gia đào tạo khởi nghiệp ở Triều Tiên, làm việc cho Choson Exchange, một quỹ phi lợi nhuận có trụ sở tại Singapore, bình luận. "Việc thiếu một kết thúc chính thức cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng cảm thấy buộc phải tiếp tục chống Mỹ. Nếu bây giờ hai bên có thể tìm ra giải pháp kết thúc cuộc chiến tranh này, ai biết điều gì có thể xảy ra?", ông Abrahamian nói.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên đi thăm một nông trang. Ảnh: AFP

Nhưng lúc này, các nhà phân tích vẫn nghi ngại khả năng Chủ tịch Kim Jong-un dám mạo hiểm mở cửa đất nước lên một mức độ và quy mô mạnh mẽ hơn. Giống như Triều Tiên hiện nay, Việt Nam từng trải qua giai đoạn nền kinh tế yếu kém và bị cô lập trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chính sách mở cửa của Việt Nam có thể là khó khăn để áp dụng với một quốc gia bị cô lập như Triều Tiên.

"Hãy nhìn vào ưu tiên lớn của ông Kim Jong-un dành cho các đặc khu kinh tế chẳng hạn. Có một lý do để ông ưu tiên mạnh mẽ cho các đặc khu này: đây là cách để kiểm soát những thay đổi và cải cách trên những khu vực nhất định của đất nước, mà không phải chịu quá nhiều rủi ro", ông Benjamin Katzeff Silberstein, thuộc tổ chức North Korean Economy Watch (Theo dõi Kinh tế Triều Tiên) nhận xét. “Triều Tiên sẽ luôn đặt ổn định chính trị lên cao hơn trong danh sách các ưu tiên và sẽ không thể áp dụng những thay đổi mà họ cho rằng có thể đe dọa tới ổn định chính trị-xã hội của đất nước”.

Để tái lặp thành công của Việt Nam, theo ông Silberstein, Triều Tiên cần cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp lý và hệ thống sở hữu của mình để các doanh nghiệp có thể phát triển những sáng kiến của riêng họ.

Đó cũng là một thách thức mà công ty nước mắm Vạn Phần Diễn Châu của Giám đốc Võ Văn Đại hiểu quá rõ. "Do chúng tôi là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tư nhân hóa, các công nhân coi việc tư nhân hóa là đẩy họ ra đường. Họ đã rất lo lắng", ông Đại cho biết và nói thêm rằng các công nhân đã yên tâm hơn khi hiểu về các chính sách bảo hiểm và phúc lợi xã hội khá.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục