Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Triều Tiên đang châm ngòi đối đầu với Mỹ?
Thứ tư: 23:32 ngày 29/11/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau một thời gian dài im ắng, sáng 29/11, CHDCND Triều Tiên lại khiến cộng đồng quốc tế dậy sóng với một vụ phóng thử thành công loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới toàn bộ lãnh thổ Mỹ.

Động thái này không chỉ khiến nhiều nước lo ngại mà còn là “gáo nước lạnh” dội vào những nỗ lực giải quyết hồ sơ hạt nhân Triều Tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua. 

Mối đe dọa nghiêm trọng

Mới đây, dư luận thế giới còn đồn đoán về những nguyên nhân khiến CHDCND Triều Tiên “im hơi lặng tiếng” suốt hơn 2 tháng qua, kể từ ngày 15/9. Thậm chí có thông tin, giới chức Mỹ còn tỏ ra bối rối và không hiểu nổi vì sao Bình Nhưỡng lại có động thái khác thường như vậy.

Hàng loạt lý do đã được đưa ra: Quân đội Triều Tiên đang trải qua đợt huấn luyện mùa đông, nước này đang thiếu nhiên liệu. Có ý kiến bình luận, có thể Triều Tiên đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm các phần khác nhau của tên lửa. Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng Bình Nhưỡng dường như đang phải chịu nhiều sức ép trước Trung Quốc hay Mỹ.

CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất Hwasong-12 ngày 15/5. Nguồn: Kyodo

CHDCND Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung đất đối đất Hwasong-12 ngày 15/5. Nguồn: Kyodo

Thế nhưng, vụ phóng tên lửa mới nhất được đánh giá là mạnh nhất từ trước tới nay của Bình Nhưỡng đã phá tan mọi đồn đoán những ngày qua. Với độ cao đạt tới 4.475 km, khoảng cách bay gần 1.000 km và thời gian bay là 53 phút, tên lửa Hwa-song 15 đã chứng minh lộ trình phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang tiếp tục triển khai thành công.

Truyền thông Triều Tiên cho biết, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà nước này vừa phóng có khả năng “bao phủ toàn bộ lục địa Mỹ”. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un không ngại ngần khẳng định, Triều Tiên “đã thực hiện được sứ mệnh lịch sử vĩ đại là hoàn thiện sức mạnh hạt nhân quốc gia”.

Giới chuyên gia quân sự cũng nhận định, nếu tên lửa Hwa-song 15 bay theo quỹ đạo chuẩn thay vì bay “đường vòng” như hiện nay thì có thể đạt tầm bắn xa hơn 13.000 km. Chính Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in phải nhận định, công nghệ tên lửa của Triều Tiên đã được cải tiến.

Ngay lập tức, ông Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc điện đàm đã nhấn mạnh, vụ phóng thử tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên đang đặt ra mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng.

Thông điệp “Không khuất phục”

Vụ phóng thử tên lửa thành công của Triều Tiên còn là một thông điệp rõ ràng gửi đến các nước đang gây sức ép với nước này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là Mỹ.

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức đưa Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố để mở đường cho các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng.

Năm 1998, CHDCND Triều Tiên từng bị chính quyền Mỹ liệt vào danh sách này, nhưng đến năm 2008 đã được cựu Tổng thống George Bush đưa ra khỏi danh sách đen tài trợ khủng bố. Đến ngày 21/11 vừa qua, Mỹ cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt mới đối với 1 cá nhân, 13 công ty và 20 tàu thuyền do tham gia vào các hoạt động thương mại với Triều Tiên.

“Đòn đáp trả” của Triều Tiên như một cú giáng mạnh vào chính sách Triều Tiên mà Tổng thống Donald Trump đang khá lạc quan thời gian qua.

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 29/11/2017. Nguồn: Sky News

Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên ngày 29/11/2017. Nguồn: Sky News

Nhìn lại chuyến công du châu Á với 3 điểm dừng chân là Đông Bắc Á của Tổng thống Mỹ vừa qua, dư luận đã thấy một cách tiếp cận đa dạng của ông Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên. Đó là vẫn sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán với Bình Nhưỡng; nhưng cùng với đó vẫn cứng rắn tuyên bố sẵn sàng có biện pháp quân sự nếu nước này có động thái khiêu khích.

Thế nhưng, dường như kể cả có đổi mới cách tiếp cận thì chính sách Triều Tiên của Tổng thống Mỹ vẫn chưa mang lại hiệu quả. Ngay trong thời gian Tổng thống Donald Trump công du châu Á, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã khẳng định, nước này sẽ không bao giờ tham dự một cuộc đàm phán nào với Mỹ hay với các nước khác để bàn về việc giải pháp vũ khí hạt nhân.

Và vụ phóng mới nhất là lời khẳng định, Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ ý định phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Và rằng, một khi mục tiêu chiến lược quốc gia của Bình Nhưỡng chưa đạt được thì không một quốc gia nào, kể cả Mỹ có thể ngăn cản được nước này. 

Trước sự cứng rắn từ phía Triều Tiên, tất nhiên ở phía ngược lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ám chỉ rằng “sẽ xử lý” động thái này của Bình Nhưỡng. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sau đó cũng cảnh báo, Triều Tiên không nên thử độ kiên nhẫn của Mỹ và “tất cả các lựa chọn” luôn sẵn sàng.

Thế nhưng ai cũng hiểu rằng, châm ngòi một cuộc đối đầu quân sự sẽ là thảm họa không chỉ với hai nước mà với cả khu vực và thế giới. Vì thế, giới quan sát cho rằng, tuyên bố “sẽ xử lý” của Tổng thống Mỹ có lẽ vẫn sẽ dừng ở các biện pháp đe dọa và trừng phạt. Dù vậy, với một cá nhân khó dự đoán như Tổng thống Donald Trump, vẫn có ý kiến cho rằng, chưa thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra!

Nguồn BNA

Tin cùng chuyên mục