Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Hiện nay, vẫn còn một bộ phận phụ nữ là đối tượng yếu thế, chịu nhiều thiệt thòi, là nạn nhân trong các vụ bạo hành gia đình, mua bán phụ nữ..., đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Để thực hiện trợ giúp pháp lý (TGPL) cho phụ nữ nói chung, phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình, mua bán người nói riêng, thời gian qua, Trung tâm TGPL nhà nước đã có nhiều hoạt động về TGPL cho đối tượng này.
Ông Lê Minh Hiền- Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước cho biết, giữa Sở Tư pháp và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã có ký kết Kế hoạch liên tịch số 2358 nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ năm 2019.
Theo đó, ngoài tư vấn pháp luật tại trụ sở, trong năm 2019, Trung tâm TGPL nhà nước phối hợp với LHPN tỉnh tổ chức 5 đợt truyền thông công tác TGPL kết hợp tư vấn pháp luật tại cơ sở cho chị em phụ nữ là hội viên thuộc các xã khu vực biên giới.
Trợ giúp viên pháp lý với vai trò là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi tại một phiên toà.
Thông qua đó, chị em được các trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên của Trung tâm tư vấn, giải đáp vướng mắc pháp luật, phổ biến về các quyền của phụ nữ theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các Công nước quốc tế đã quy định đối với quyền của người phụ nữ. Ngoài ra, Trung tâm còn cấp phát hơn 9.000 tờ gấp các loại cho gần 1.490 lượt người tham dự, giải đáp thắc mắc về pháp luật cho 76 lượt người dân.
Để tạo điều kiện cho phụ nữ có điều kiện tiếp cận với pháp luật, tại các cuộc truyền thông tại cơ sở, cán bộ Trung tâm còn lồng ghét tuyên truyền nhiều chuyên đề pháp luật thuộc các lĩnh như đất đai, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình...
Bên cạnh đó, Trung tâm còn cử người tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, người nữ từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, trung bình một năm khoảng 50 trường hợp.
Bên cạnh việc kiện toàn, phát triển tổ chức thực hiện, đổi mới phương thức quản lý, đánh giá chất lượng; bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan….
Trung tâm còn chú trọng tới việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng hành nghề cho đội ngũ thực hiện TGPL. Trang bị nhiều tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ; mở lớp tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng tham gia tố tụng dân sự, hình sự, hành chính và kỹ năng TGPL cho các đối tượng đặc thù nói chung, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, mua bán người... nói riêng.
Buổi truyền thông công tác TGPL kết hợp tư vấn pháp luật cho người dân do Trung tâm TGPL nhà nước tổ chức.
Tuy nhiên, hoạt động TGPL cho phụ nữ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ông Lê Minh Hiền cho rằng, không phải tất cả phụ nữ đều được TGPL.
Hiện nay, việc trợ giúp pháp lý miễn phí chỉ được áp dụng cho phụ nữ thuộc một trong các nhóm như người nghèo, người có công với cách mạng, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính, nạn nhân của hành vi mua bán người có khó khăn về tài chính buôn bán, người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính...
Việc quy định đi kèm điều kiện khó khăn về tài chính trong một số trường hợp trên hiện gây khó cho đối tượng muốn được TGPL.
Hay quy định hiện nay nạn nhân trong vụ bạo lực gia đình, mua bán người muốn được TGPL phải có giấy tờ chứng minh mình thuộc diện TGPL như giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc khám và điều trị thương tích do hành vi bạo lực gây ra; giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp đã được hợp thức hoá lãnh sự chứng minh là nạn nhân trong vụ mua bán người...
Đây là một quy định khó cho nạn nhân. Chị em phụ nữ mang tâm lý mặc cảm, xấu hổ khi phải chứng minh mình là nạn nhân của các vụ việc nói trên, điều này dẫn đến họ không mấy “mặn mà” sử dụng dịch vụ, mặc dù có nhu cầu.
Bên cạnh đó, không ít chị em phụ nữ vẫn chưa biết được về quyền trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý. Thông thường, phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục thường cam chịu, không dám lên tiếng, do vậy gây khó khăn cho những người trực tiếp thực hiện TGPL
Với những bất cập hiện nay, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho rằng, khung pháp luật về hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ ở Việt Nam cần phải được sửa đổi, hoàn thiện.
Trung tâm TGPL nhà nước đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp đề nghị với cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định đi kèm khó khăn về tài chính trong một số trường hợp để bảo vệ phụ nữ trước sự đe dọa của các tệ nạn xã hội, các hành vi phân biệt đối xử, bạo lực gia đình hoặc tội phạm mua bán người.
Thiên Di