Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trở lại Sóc Con Trăng
Thứ năm: 20:20 ngày 13/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Lâu lắm rồi mới trở lại Sóc Con Trăng. Một địa danh mà chỉ mới nghe qua thôi cũng đã khiến người ta mường tượng đến khung cảnh của một ngôi làng vắng vẻ đìu hiu ở đâu đó nơi miền biên giới.

Quả đúng như vậy, Sóc Con Trăng là một ngôi làng dân tộc cổ xưa, đã bao lần tan rồi hợp bởi bom đạn chiến tranh. Bây giờ, trở lại nơi này, dấu vết sóc cũ như xoá mờ gần hết, thay vào đó là ấp mới đang vươn mình phát triển.

Sóc Con Trăng là tên ghi chính thức trong sử cũ, còn hiện nay là ấp Con Trăn của xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Sở dĩ làng này có tên là Sóc Con Trăng bởi nó có nguồn gốc từ tiếng dân tộc. Trong ngôn ngữ Khmer, “Sóc” có nghĩa là xóm làng; “Con Trăng” xuất phát từ “Đơm Treang” nghĩa là cây lá buông; Sóc Con Trăng là làng mọc nhiều cây lá buông nhỏ.

Ngôi nhà sàn truyền thống dễ dàng bắt gặp trên vùng đất này.

Ngày nay đến với Sóc Con Trăng không khó. Nếu xuất phát từ thị trấn Tân Châu, có hai đường chính để đi. Thứ nhất, có thể chạy thẳng theo đường 785 lên tới ngã ba Tân Đông, rẽ phải qua đường 794 lên Bổ Túc, Suối Ngô rồi đi tiếp theo hướng cầu Sài Gòn sẽ đến. Thứ hai, chạy theo đường 795 qua hướng Suối Dây, lên Suối Ngô, cắt ra đường 794, chạy qua khỏi ấp Cây Cầy là tới Sóc Con Trăng.

Theo Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư cho biết: “ Con Trăng – làng thuộc tổng Bang Chrum hạt thanh tra Tây Ninh từ sau 1862. Ngày 6-3-1891 giải thể nhập vào làng Prey Toch cùng tổng”. Điều đó có nghĩa là làng Con Trăng có từ những năm giữa của thế kỷ XIX. Nhưng Sóc Con Trăng lại là một sóc Khmer có từ khá lâu đời, đến sau hoà ước năm Nhâm Tuất năm 1862, Pháp mới thành lập làng với tư cách là một đơn vị hành chính chính thức.

Trải qua hơn 150 năm, Sóc Con Trăng nhiều lần bị bom đạn cày xới hoang tàn đổ nát, chính vì vậy người dân ở đây nhiều lần phải xiêu tán khắp nơi, hết bom đạn lại tụ về làm ăn sinh sống. Mãi cho đến hôm nay mới có được cuộc sống thanh bình, ổn định.

Sóc Con Trăng là một khu dân cư nằm bên sườn một ngọn đồi thấp. Nối tiếp cả khu đồi rộng lớn là đường 794 chạy qua tận tới cầu sông Sài Gòn. Sơ bộ trong ấp hiện nay có khoảng 160 hộ bà con dân tộc Khmer đang sinh sống. Các con hẻm nhỏ trong khu dân sinh đa phần đều được bê tông hoá.

Trước đây người dân ở đây chủ yếu là sống khép kín tự cấp tự túc, phần lớn dựa vào rừng, ít tiếp xúc hay giao thương với bên ngoài. Nhưng ngày nay thì đã khác, bà con ngoài việc trồng các loại khoai lúa rau quả truyền thống, còn trồng mì và lập vườn cao su để khai thác. Trong ấp hầu hết trẻ em đều được đến trường, điểm trường tiểu học Tân Hoà A cũng chỉ cách ấp vài ba trăm mét nên rất thuận tiện cho con em các hộ gia đình học tập.

Có nhiều em sau khi tốt nghiệp phổ thông tiếp tục xuống Cần Thơ, Trà Vinh để học các đại học chuyên ngành. Đó cũng là nguồn nhân lực quan trọng để phát triển nhiều mặt cho địa phương sau này.

Trong ấp có một số ngôi nhà sàn gỗ khá to đẹp. Ngoài ra bà con bắt đầu thích nghi xây nhà bê tông để ở, vì nó vừa bền vừa phù hợp với xu thế hiện đại hơn. Nhưng nếp cũ là những ngôi sala của các gia đình đa phần vẫn được duy trì như trước, đó là bản sắc của Khmer.

Nhà rông trên Sóc Con Trăng.

Nếu hơn năm mươi năm trước Sóc Con Trăng là nơi lửa đạn điêu tàn thì nay Sóc Con Trăng là một màu xanh của sự sống mới. Sóc Con Trăng tuy đa phần bà con theo Phật giáo nhưng lại chưa có điều kiện để xây chùa, nhưng các nghi lễ cổ truyền như Chol Chnam Thmay, Sen Donta… đều được tổ chức rất trọng thể.

Các nghi lễ liên quan tới Phật giáo thì bà con Phật tử phải chịu khó đi xa một chút qua chùa Kà Ốt, hoặc rước sư sãi về làng để tụng kinh, cầu siêu, chúc phúc.

Đi một vòng quanh cái sóc này ta không khỏi chạnh lòng với dấu vết chiến tranh xưa còn hằn lại. Có vậy mới thấy quân dân ở đây can trường tới mức nào khi quyết tâm bám trụ chiến đấu để bảo vệ quê hương. Đúng là vậy, đừng nghĩa Sóc Con Trăng là một địa danh bình thường mà là một địa danh lịch sử lẫy lừng thời quá khứ.

Trước khi Căn cứ Quân ủy Miền dời về đóng ở Tà Thiết chính là đóng ở Sóc Con Trăng. Cụ thể là ngày 7.4.1972, Lộc Ninh là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng, Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền quyết định dời căn cứ Quân uỷ Miền từ Sóc Con Trăng về đóng tại Tà Thiết. Lý do là khí hậu Tà Thiết ít khắc nghiệt hơn Sóc Con Trăng và có rừng giải phóng rộng lớn.

Đặc biệt là Lộc Ninh là điểm cuối cùng của đường mòn Hồ Chí Minh nên có điều kiện để nắm bắt nhanh mọi diễn biến về chính trị, quân sự và rất thuận lợi cho sự chỉ đạo, lãnh đạo và tiếp nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến trường miền Nam.

Tháp bảo vệ rừng trên Sóc Con Trăng.

Nói đến Sóc Con Trăng không thể không nhắc tới trận thắng oanh liệt và đầy ý nghĩa của Sư Đoàn Bộ Binh 9 vào năm 1968: “Đầu tháng 11 năm 1968, sau khi ôn định biển chế tổ chức và làm nhiệm vụ nghiên cứu chiến trường, trung đoàn được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt căn cứ Sóc Con Trăng, Sóc Con Trăng nằm bên bờ suối Tông Lê Chân, một ngọn suối sát đầu nguồn sông Sài Gòn, cách mũi mỏ vẹt về phía bắc khoảng 5 ki-lô-mét.

Tại đây quân Mỹ xây dựng một cụm chốt dã ngoại kiên cố nhằm ngăn chặn chủ lực ta, trực tiếp uy hiếp Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền ở phía tây. Lực lượng ở đây có hai tiểu đoàn bộ binh thuộc sư đoàn số 1 “Anh cả đỏ” Mỹ với trên 36 xe tăng, xe bọc thép, lại bố trí trong năm hàng rào thép gai bùng nhùng kết hợp với mìn clay-mo và chiếu sáng.

Bên trong có 40 lô cốt vừa là chỗ ngủ vừa là ụ chiến đấu, bố trí thành hai vòng lô cốt theo kiểu rằng bừa. 23 giờ ngày 13 tháng 11 năm 1968, trung đoàn nổ súng tiến công, trời gần sáng trung đoàn được lệnh rút khỏi trận địa.

Trận đánh kết thúc. Ta tiêu diệt cơ bản hai tiểu đoàn dã chiến hỗn hợp Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 7 đại đội Mỹ, phá hủy 24 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 18 máy bay lên thẳng. Về phía ta, 40 cán bộ, chiến sĩ hy sinh (trong đó có 2 tiểu đoàn trưởng, 6 đại đội trưởng hy sinh, 2 tiểu đoàn phó bị thương).

Đây là trận đánh hao tổn cán bộ nhất trong lịch sử chiến đấu của trung đoàn. Trận đánh Sóc Con Trăng đã thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời cũng như sự tôi luyện của cán bộ, chiến sĩ trong đánh công kiên, sự xung phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, dù ở chiến trường nào, khó khăn gian khổ ác liệt đến đâu cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ” (Lịch sử Sư Đoàn Bộ Binh 9 [ 1965- 2010], trang 145,146).

Ngày nay, đến Sóc Con Trăng ta không còn thấy cái vẻ quạnh hiu rùng rợn như lịch sử của nửa thế trước kỷ mô tả nữa. Bởi hàng xóm kế bên có ấp Cây Cầy, dưới chân đồi nhìn sang trái có Nhà máy xi măng Fico hiện đại hoạt động đêm ngày. Rừng đầu nguồn tuy bị chiến tranh tàn phát đi rất nhiều nhưng nay đã hồi sinh trở lại và có tỉnh lộ cắt qua ăn thông với Bình Phước.

Xã Tân Hoà trước đây còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền cùng với nhân dân lao động trong nhiều năm qua mà đời sống đã được nâng lên rất rõ rệt. Trở lại Sóc Con Trăng, trầm hồn vào một thời quá vãng, rồi nhìn lại hôm nay mới thấm thía hơn câu thơ của Nguyễn Đình Thi “Đạp quân thù xuống đất đen / Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”.

ĐÀO THÁI SƠN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục