Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trợ lực phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm
Thứ hai: 00:32 ngày 13/07/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã hỗ trợ người dân mở rộng, phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, từng bước góp phần nâng cao, ổn định cuộc sống.

Đàn dê của gia đình anh Phạm Thanh Hoàng.

Cùng với việc thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách, trong thời gian qua, nguồn vốn từ Chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đối với người dân tỉnh Tây Ninh nói chung và người dân huyện Dương Minh Châu nói riêng đã góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã hỗ trợ người dân mở rộng, phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, từng bước góp phần nâng cao, ổn định cuộc sống.

Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, những năm qua, NHCSXH Chi nhánh tỉnh triển khai đầy đủ, kịp thời và công khai các chính sách liên quan đến chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng đến các điểm giao dịch xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Gia đình anh Phạm Thanh Hoàng (ngụ ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) bén duyên với nghề chăn nuôi gia súc gần 10 năm nay. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên gia đình anh chỉ chăn nuôi với quy mô nhỏ. Năm 2019, được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH là 40 triệu đồng, anh mạnh dạn đầu tư, mua thêm con giống. Đồng thời, gia đình bỏ thêm vốn để xây chuồng trại.

Sau 1 năm, gia đình anh Hoàng đã có hệ thống chuồng trại, chăn nuôi hàng trăm con dê thịt và 10 con bò vỗ béo, mỗi năm đem lại khoảng 100 triệu đồng tiền lãi.

Còn chị Hồ Thị Kim Nhật (ngụ ấp Phước Hiệp, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu) mở trang trại chăn nuôi vịt theo mô hình nuôi trên sàn từ năm 2019. Chỉ riêng tiền đầu tư để xây trang trại đã hơn 200 triệu đồng, nên chị gặp khó khăn khi mua con giống và thức ăn.

Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH với số tiền 80 triệu đồng, chị Nhật mua con giống và thức ăn chăn nuôi. Với diện tích chăn nuôi khoảng 400m2, mỗi năm, chị Nhật nuôi 6 - 7 lứa vịt. Sau khi trừ chi phí, chị cũng có lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Chị Nhật cho biết, thông qua Hội Nông dân xã, chị được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH với lãi suất chỉ 6,6%/năm. Nếu như đi vay bên ngoài, với số tiền 80 triệu đồng, chị phải trả lãi suất đến 4%/tháng, như vậy, chăn nuôi sẽ không có lợi nhuận. Chẳng may gặp thiên tai, dịch bệnh thì coi như mất trắng.

Thời gian qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Dương Minh Châu đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện chương trình cho vay tạo việc làm tới người dân, tổ chức tốt việc thu hồi nợ, thu lãi tại các điểm giao dịch các xã, thị trấn theo định kỳ hằng tháng đối với tất cả các đối tượng vay vốn. Nhờ đó, nguồn vốn được thu hồi để cho các đối tượng vay vốn tiếp theo và nợ quá hạn không ngừng giảm thấp qua các năm.

Những hộ vay vốn theo Chương trình giải quyết việc làm cho thấy hiệu quả mang lại rõ rệt, nhiều người có việc làm, thoát nghèo bền vững. Hằng năm, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đều xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn cho các xã, thị trấn. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên huyện thực hiện tốt công tác hướng dẫn, thẩm định, quản lý và điều hành cho vay vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn.

Ông Nguyễn Hữu Phước- Phó Giám đốc Phòng Giao dịch cho biết, đến thời điểm này, nguồn vốn vay giải quyết việc làm tại huyện Dương Minh Châu hơn 18 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn tại địa phương 9,4 tỷ đồng. Việc chính quyền địa phương quan tâm bổ sung nguồn vốn cho chương trình, góp phần tạo điều kiện cho người dân phát triển các mô hình kinh tế.

Hiện mức cho vay của chương trình 100 triệu đồng/hộ. Dù không phải là số tiền lớn nhưng nguồn vốn này là một “cú hích”, tạo đà quan trọng giúp các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vươn lên.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn vốn vay từ chương trình vẫn còn ít, trong khi nhu cầu vay lại nhiều. Nếu nguồn vốn được tăng cường, bổ sung, sẽ có nhiều hơn cơ hội cho người dân được tiếp cận để giảm nghèo bền vững, tạo thêm việc làm mới, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Vũ Nguyệt

Tin cùng chuyên mục