Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Trộm điện để sống sót
Thứ bảy: 10:03 ngày 14/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
18h là thời gian căn hộ của Mohammed Masri trở nên tối tăm và yên lặng. Đèn, quạt, TV, tủ lạnh, tất cả đều tắt vì mất điện.

Ngày hôm sau, cũng vào 18h, điện có trở lại. Tình trạng điện lúc có lúc không đã diễn ra trong hơn 10 năm tại nhà ông và hầu hết căn nhà ở Lebanon.

Dây điện chằng chịt ở Shatila, Beirut. Ảnh: BBC.

Lưới điện quốc gia Lebanon chỉ có thể cung cấp khoảng một nửa nhu cầu của người dân. Điều đó gây rắc rối cho Mohammed, 73 tuổi, bị bệnh phổi mạn tính, sống với vợ và 5 con gái ở Tripoli, thành phố lớn thứ hai đất nước.

"Tôi không thể bật điều hòa. Tôi không thể đun nước. Tôi thậm chí không thể bơm nước vào căn hộ của mình", ông nói.

"Chúng tôi phải lên kế hoạch sinh hoạt dựa theo lịch cắt điện. Có ngày chúng tôi không tắm, không giặt quần áo và phải vứt bỏ thức ăn khi tủ lạnh không hoạt động".

Nhưng hiện giờ, 6 triệu người Lebanon đã mất kiên nhẫn. Một làn sóng biểu tình chưa từng có quét qua đất nước này trong hai tháng qua với một trong những yêu cầu chính là nguồn cung điện ổn định. Hàng trăm nghìn người xuống đường tuần hành. Thủ tướng Saad Hariri tuyên bố từ chức cuối tháng 10 nhưng Tổng thống Michel Aoun chưa chấp nhận.

Công ty điện lực nhà nước EDL là một trong những mục tiêu chỉ trích chính. Những người biểu tình trẻ tuổi tập trung bên ngoài trụ sở EDL tại một tòa tháp ở trung tâm thủ đô Beirut. "Thật điên rồ khi giờ là năm 2019 rồi mà chúng tôi vẫn mất điện ba giờ mỗi ngày", Lara Kais, 33 tuổi, nói. Cô sống ở thủ đô Beirut. Ở những nơi khác, điện có thể bị cắt tới 17 giờ một ngày.

Tình trạng thiếu điện là hệ quả của nhiều năm thiếu đầu tư vào các nhà máy điện. Hệ thống chính trị cồng kềnh của Lebanon gặp khó trong việc ra các quyết định hoạch định chiến lược vì quyền lực phải được chia sẻ giữa các cộng đồng tôn giáo chính.

Người biểu tình muốn xóa bỏ hệ thống đó. Họ nghi ngờ nhiều chính trị gia hưởng lợi từ tình trạng thiếu điện vì có liên kết với những người vận hành máy phát điện tư nhân.

Hầu hết người Lebanon trả hai hóa đơn tiền điện - một cho EDL và một cho chủ sở hữu máy phát điện địa phương. Họ chuyển sang dùng điện tư nhân khi mất điện nhưng giá đắt hơn nhiều. Về mặt lý thuyết, vận hành máy phát điện tư nhân là bất hợp pháp. Điều đó có nghĩa là các nhà cung cấp cần phải có thế lực chính trị chống lưng.

Ở Tripoli, một số chủ máy phát điện là cựu lãnh đạo dân quân đã bảo vệ cộng đồng trong các cuộc đụng độ năm 2011 và 2014, khi các thành viên của cộng đồng thiểu số Hồi giáo Sunni và cộng đồng thiểu số Alawite xung đột. Đổi lại, họ phải cung cấp điện miễn phí cho một số cộng đồng để đảm bảo sự trung thành với chính phủ trong các cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, nhiều người đang dùng điện miễn phí bằng cách ăn trộm. Ước tính gần một nửa nguồn cung của EDL bị trộm, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lưới điện bị thiếu đầu tư.

Những thợ điện chuyên câu trộm tự nhận mình là Robin Hoods (nhân vật chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo). Họ lấy điện từ những khu sáng đèn và chuyển hướng nó tới những nơi mất điện.

"Tôi chỉ muốn giúp những người tôi thấy thực sự cần điện và nghèo khổ, không thể lấy điện từ nơi khác", Adam, một "Robin Hood" nói. "Đó là ăn trộm, tôi không thể phủ nhận điều đó, nhưng nhà nước khiến chúng tôi phải rơi vào tình thế đó".

Ở những khu vực đặc biệt nghèo, như trại tị nạn Shatila ở miền nam Beirut, gần như mọi người đều sống bằng điện câu trộm. Mọi tòa nhà đều được nối với những đống dây chằng chịt.

Aissa Rashid phải dùng máy trợ thở tại Shatila, Beirut. Ảnh: BBC.

Nhưng nếu không có chúng, Aissa Rashid có thể không còn sống đến hôm nay. Ông bị suy phổi và chỉ có thể thở nhờ máy hoạt động bằng điện.

Khi nguồn cung điện chính thức bị cắt, gia đình chuyển sang đường dây câu trộm. Họ chỉ chuyển sang đường kết nối với máy phát điện đắt tiền nếu điện câu trộm cũng bị mất.

Vài lần trong một ngày, có những khoảnh khắc kinh hoàng khi nguồn cung chuyển từ nguồn này sang nguồn khác và Aissa, nằm trên ghế sofa trong phòng khách, phải cố gắng hết sức để thở.

Nguồn cung điện chính thức cho Shatila đặc biệt thấp vì một trong những dây cáp chính bị hỏng. Nhưng nó không được sửa vì căng thẳng tôn giáo ở Beirut.

"Chúng tôi luôn nơm nớp lo sợ chuyện xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào", con trai của Aissa, Issam nói. "Thật khủng khiếp và đáng sợ. Chúng tôi đã phải sống như thế này trong 5 năm".

Nguồn VNE (Theo BBC)

Tin cùng chuyên mục