Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong đời làm vợ, có lẽ hạnh phúc nhất đối với người phụ nữ là khi gặp khó khăn hoạn nạn luôn có người chồng ở cạnh bên quan tâm, lo lắng.
Ông Thịnh cùng vợ tập vật lý trị liệu tại bệnh viện.
Đến Khoa Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Tây Ninh, nói đến người chồng nuôi vợ bị bệnh tai biến suốt 6 năm qua ai cũng biết và cũng nể phục. Nể phục bởi cái tình, cái nghĩa thật sâu sắc của người đàn ông trong suốt chặng đường dài đồng hành cùng người bạn đời bị hành hạ vì bệnh tật. “Chăm người bệnh đã cực, chăm người bệnh tai biến còn cực gấp trăm lần. Vậy mà ông vẫn chăm lo cho bà suốt bao năm trời! Không phải đàn ông nào cũng làm được vậy đâu”- một người nuôi bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền nói.
Ông tên là Chu Văn Thịnh, năm nay 62 tuổi, còn bà là Nguyễn Thị Hiền, 56 tuổi, quê Thanh Hoá. Cách đây sáu năm, khi các con lần lượt theo nhau vào miền Nam kiếm sống, hai ông bà ở lại quê nhà chăm sóc nhà cửa và 2 công ruộng. Cứ ngỡ tuổi già có được cuộc sống thanh bần như vậy là ổn rồi, không còn mong ước gì hơn. Nào ngờ đến một ngày, bà Hiền được bác sĩ chẩn đoán: chứng đau nhức bấy lâu của bà không phải do bệnh xương khớp như bà nghĩ mà là do não bị thoái hoá.
Dù đã cố chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh của bà Hiền vẫn không thuyên giảm; nửa người bên phải dần trở nên nặng trịch, rồi không cử động được nữa. Con cái bận đi làm xa, ông Thịnh một mình ở nhà chăm sóc vợ bệnh. Ông lặn lội đưa bà đi Hà Nội, rồi vào tận thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị, gần như bệnh viện nào cũng từng qua. Bệnh của bà không thấy hết chỉ thấy ngày càng nặng thêm.
“Nghe anh em bên vợ tôi ở Kà Tum mách bảo đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền Tây Ninh thử xem sao, từ tháng 10 năm ngoái tôi đã đưa bà ấy tới đây, hy vọng gặp được thầy, được thuốc”- ông Thịnh kể.
Từ ngày vợ bệnh, ông Thịnh ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cuộc sống vì vậy cũng ngày một khó khăn hơn. Ông từ bỏ hết các thú vui riêng như thuốc lá, cà phê… cốt để dành tiền tập trung lo cho vợ. Ông tâm sự, cũng có những lúc ông thấy quá mệt mỏi nhưng rồi ông lại nghĩ: vợ chồng khi khoẻ mạnh đã biết hợp sức cùng nhau làm ăn, nuôi con thì lúc bệnh tật đau yếu cũng phải nương dựa vào nhau; đó mới là trách nhiệm, là tình nghĩa, chứ cứ nghĩ tới chuyện tính toán thiệt hơn cho mình thì sao mà sống với nhau cho được.
Hầu như cả ngày, ông Thịnh chỉ quanh quẩn bên người vợ bệnh tật, chưa khi nào ông rời khỏi bà quá nửa tiếng. Nếu bận việc gì đó phải ra ngoài, ông nhờ những người nuôi bệnh cùng phòng trông chừng bà giúp, sau đó cố gắng quay lại cho nhanh. Tối đến, ông đẩy xe lăn đưa bà đi dạo một vòng quanh bệnh viện cho bà khuây khoả, đỡ cảm giác tù túng.
Nhìn cách ông cho bà ăn, đút thuốc cho bà uống, cẩn thận cột dây để giữ chân bà vào máy tập chạy mới thấy hết sự tận tình, chu đáo của một người chồng dành cho vợ. Sự tận tình ấy đã được đền đáp lại phần nào khi bệnh tình của bà có dấu hiệu thuyên giảm. “Lúc đầu mới nhập viện, bà ấy chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân tôi đều phải bồng ẵm. Nhưng nay tôi đã có thể dìu một bên để bà ấy bước đi, khi ngồi bà không phải dựa vào tường nữa”- ông Thịnh nói.
Nhờ có sự quan tâm, bà Hoa mới có được sức khoẻ của ngày hôm nay.
Cũng ở Bệnh viện Y học cổ truyền Tây Ninh, ngày ngày người ta thường gặp đôi vợ chồng gần 60 tuổi ghé vào phòng tập vật lý trị liệu. Cứ đúng 7 giờ sáng, ông chồng đưa bà vợ vào phòng tập rồi đi uống nước với bạn bè. Bà tập xong thì ra căn-tin ngồi trò chuyện với mọi người, chờ đúng 9 giờ ông đến rước về; đều đặn như vậy suốt nhiều năm qua. Đó là chuyện của vợ chồng ông Bùi Chí Công (tên ở nhà là Hậu) ở ấp Ninh Hiệp, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.
Ông Hậu cho biết, đầu năm 2011, trong một lần tai nạn, bà Hoa vợ ông bị gãy xương tay và chân. Sau một thời gian chữa trị, tay chân bên trái của bà không cử động được nữa, lúc đó mới biết bà bị tai biến liệt nửa người. Suốt hai năm trời, nghe ai chỉ đâu có thầy hay thuốc giỏi, ông Hậu lại đưa bà đi đó. “Lúc đó nhà có chiếc xe 4 chỗ, mỗi lần đưa bả đi trị bệnh là tôi bỏ xe lăn của bả lên mui. Ngày trước còn mạnh khoẻ đi đâu cũng có vợ có chồng, giờ bà ấy bệnh, nếu không có mình thì bả biết dựa vào ai. Con cái cũng có lo nhưng tụi nó có tư riêng hết, đâu thể theo suốt được”.
Mất thời gian chạy chữa khá lâu mà bệnh của bà vẫn không khỏi, qua lời mách bảo của người quen, ông Hậu đưa vợ vào Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh từ khi bệnh viện này còn nằm trong khu nội ô Toà thánh. Mỗi ngày, bà Hoa được châm cứu, tập vật lý trị liệu tại đây. Lúc đầu, ông phải ở sát bên bà để tập cùng. Dần dần, bệnh giảm bớt, bà đã có thể bỏ xe lăn chống gậy mà đi. Hai năm nay, tuy tay trái của bà vẫn không thể nhấc lên được nhưng bà đã có thể tự đi mà không cần dùng đến gậy.
“Như vầy là đỡ lắm rồi, nếu không có ổng, chắc tôi đã nằm nhẹp một chỗ, có khi giờ đã xanh cỏ”- bà Hoa vui vẻ nói về chồng mình. Cho đến bây giờ, ngày ngày ông Hậu đều tự mình đưa vợ đi tập vật lý trị liệu, ít khi để con cái làm thay việc này. Ông nói: “Tập luyện để ngăn ngừa teo cơ. Bà xã tôi bị bệnh hơn 6 năm rồi nhưng tay chân vẫn đều nhau, không bị bên to, bên nhỏ. Thứ bảy không tập tôi cũng đưa bả tới bệnh viện ngồi chơi với mọi người ở căn- tin cho thư giãn”.
Ngọc Diêu