Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Khác với giống mía đường trồng để bán cho các nhà máy, giống mía ép nước uống có thời gian sinh trưởng chỉ 6 - 7 tháng. Chi phí đầu tư trồng giống mía này thấp nhưng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ðáng chú ý là mía ép nước có khả năng chịu hạn, chịu lụt tốt hơn các cây trồng khác và ít sâu bệnh.
Mỗi bó mía ép nước được bán từ 30.000 - 37.000 đồng.
Giá mía nguyên liệu liên tục giảm trong những năm gần đây nên không còn sức hấp hẫn đối với nông dân trong tỉnh. Nhiều diện tích trồng mía của người dân đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, có một người dân ấp Tầm Lanh (xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) lại mở rộng diện tích trồng mía ép nước. Mô hình này hiện đang phát huy hiệu quả kinh tế khá tốt.
Là hộ canh tác mía phục vụ nhu cầu giải khát có kinh nghiệm hơn 10 năm nay, ông Phạm Thanh Hùng (ngụ tại ấp Tầm Lanh, trồng 5 ha mía ép nước) cho biết, khác với giống mía đường trồng để bán cho các nhà máy, giống mía ép nước uống có thời gian sinh trưởng chỉ 6 - 7 tháng. Chi phí đầu tư trồng giống mía này thấp nhưng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Ðáng chú ý là mía ép nước có khả năng chịu hạn, chịu lụt tốt hơn các cây trồng khác và ít sâu bệnh.
Mùa thu hoạch chính của mía ép nước bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm. Ðây là thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước mía giải khát tăng cao nên đầu ra rất thuận lợi. Vụ vừa rồi, ông Hùng bán được giá từ 32.000 - 37.000 đồng/bó mía (12 cây/bó). Trung bình 1 ha mía cho năng suất khoảng 100 tấn, thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, người trồng lãi từ 50 đến 70 triệu đồng/ha.
Theo ông Võ Thành Ðổi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Thạnh, diện tích trồng mía đường địa bàn xã ngày càng giảm vì không có lãi. Nhiều người chuyển sang trồng mía ép nước, hiện tại xã có gần 200 ha mía này. Trước hiệu quả kinh tế từ cây mía ép nước, Hội Nông dân xã khuyến khích người dân duy trì trồng giống mía này. Ðồng thời, Hội sẽ phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Gò Dầu hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc mía cho nông dân.
Vũ Nguyệt