Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tản văn
Trưa hè ngồi nhớ bánh đa
Thứ hai: 10:06 ngày 25/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bánh đa, đó là gọi theo phương ngữ miền Bắc, chính xác ở quê tôi mọi người thường gọi là chiếc bánh tráng. Bởi bánh được làm bằng bột gạo hoặc bột mì, tráng mỏng trên một tấm vải căng ở trên miệng một nồi nước sôi lớn, sau đó đem ra vỉ tre phơi khô.

Những buổi trưa hè, cơn mưa thoáng qua, tiếng trẻ tắm mưa, đùa giỡn rượt đuổi nhau la ơi ới. Nắng bỗng bừng lên sắc vàng, khô hanh và nóng ẩm. Chiếc lá sa kê ngoài sân là đà theo cơn gió nhẹ, khẽ khàng rơi rụng xuống nền xi măng.

Nhìn chiếc lá, tôi bỗng bâng quơ thèm nhớ một thứ gì vừa vàng rụm, vừa béo giòn. Nhìn lên tủ thờ, thêm nhớ mẹ và chiếc bánh đa, thuở bé, ngồi trước cửa ngong ngóng mẹ đi chợ về...

 

Bánh đa, đó là gọi theo phương ngữ miền Bắc, chính xác ở quê tôi mọi người thường gọi là chiếc bánh tráng. Bởi bánh được làm bằng bột gạo hoặc bột mì, tráng mỏng trên một tấm vải căng ở trên miệng một nồi nước sôi lớn, sau đó đem ra vỉ tre phơi khô.

Để tăng phần thơm ngon cho chiếc bánh đa, người ta có thể trộn bột với dừa nạo, hay những con tép, ruốc nhỏ, thêm hạt mè...

Và tuỳ theo từng vùng mà có những chế biến riêng biệt, độ tráng bánh dày mỏng cũng khác nhau. Bánh đa hay bánh tráng nướng là món quà quê rẻ tiền, thường hay bán ở các quán hàng nước ở đầu làng, trong các phiên chợ quê, để người đi chợ ăn vặt, hoặc mua về làm quà cho con cháu.

Ca dao cũng từng ghi nhận: “Ăn quà cho biết mùi quà/ Bánh đúc thì dẻo, bánh đa thì giòn”. Cũng đã có bài vè, đồng dao về các loại quà bánh nhà quê, mà lũ trẻ con chúng tôi thời đó hay nghêu ngao hát, có tên nhiều loại bánh như: “Bánh đứng đầu vè/ Đó là bánh tổ/ Cái mặt nhiều lỗ/ Là bánh tàn ong/ Để nó không đồng/ Đó là bánh tráng/ Ngồi lại đầy ván/ Nó là bánh quy...” v.v...

Kể về bánh đa, bánh tráng phải kể đến những “thương hiệu” bánh đa, bánh tráng nổi tiếng ngoài Bắc, trong Nam như bánh đa Kế ở Bắc Giang, bánh đa nem ở Thổ Hà, rồi bánh tráng Hoà Đa ở Phú Yên, bánh tráng phơi sương của Trảng Bàng, bánh tráng Mỹ Lồng, Bến Tre...

Mỗi vùng miền đều có hương vị đặc sắc riêng khó trộn lẫn. Song cái hương vị giòn thơm, cái màu sắc bắt mắt thu hút những ánh nhìn hau háu, cái chép miệng thòm thèm của lũ trẻ con thời xưa đón mẹ đi chợ về, vẫn là những chiếc bánh đa giòn rụm, béo béo, mằn mặn cứ nhớ hoài trong ký ức...

Lớn lên, xuôi ngược đó đây trên những vùng quê đất nước, mới biết thêm chiếc bánh đa với nhiều công dụng làm nem, chả cuốn, bày biện sang trọng trên những mâm tiệc lớn và cũng là những món... mồi bắt rượu trong các độ nhậu! Bánh đa, bánh tráng còn góp phần trong những cuộc tình duyên bằng ca dao tục ngữ, chân chất mà giòn giã những tình cảm đáng trân trọng: “Em tráng bánh tráng, anh quết bánh phồng/ Cảm thông đôi má ửng hồng/ Hẹn em chợ Mỹ Lồng ăn cháo về đêm”.

Và chắc rằng trong cuộc “cháo đêm” ấy, thế nào chàng trai cũng nhờ người mai mối để thành duyên chồng vợ, cho xứng cặp với câu “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”...

Song cái bánh đa thời thơ ấu nhớ hoài cùng với những năm còn khó khăn gian khổ, lương thực thiếu thốn. Ngồi trên xe, bụng đói, chạy ngang vùng Phan Rí, Bình Thuận, mua cái bánh tráng nướng, trên để cục... mắm ruốc trộn ớt đỏ tươi. Cắn ăn, mà nhớ mãi đến bây giờ!

CHÍNH VŨ

Tin cùng chuyên mục