Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung Quốc chi hàng trăm tỷ USD để tự chủ công nghệ
Thứ ba: 08:25 ngày 06/10/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Trung Quốc đã chi 2.200 tỷ nhân dân tệ (324 tỷ USD) cho công tác nghiên cứu và phát triển để thoát khỏi công nghệ Mỹ, nhưng hiệu quả hạn chế.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, dù kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới thế nào, cạnh tranh về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn. Do đó, Bắc Kinh ngày càng đổ nhiều tiền vào việc nghiên cứu công nghệ.

Việc nghiên cứu công nghệ đang được Trung Quốc đẩy mạnh. Ảnh: AP.

Tuần trước, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh giá cẩn thận các công trình nghiên cứu của giới khoa học để bảo đảm chúng có thể được ứng dụng thực tiễn ngay sau đó, thay vì "đắp chiếu" như trước đây.

Động thái này là một phần trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách về khoa học - công nghệ cốt lõi của Trung Quốc với Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Các biện pháp mạnh đã được Bắc Kinh thực hiện vào năm 2018, trong đó có giảm tư duy "công nghệ trên giấy", thắt chặt việc cấp học hàm, bằng cấp và giải thưởng cho cá nhân.

Giữa cuộc chiến công nghệ với Mỹ, Trung Quốc muốn ngày càng có thể "tự cung tự cấp" được nhiều thứ hơn, đặc biệt là các công nghệ cốt lõi, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, mạng di động thế hệ tiếp theo. Vì vậy, nước này được cho là đã tập hợp các công nghệ có thể bị Washington cấm vận hoặc kiểm soát, sau đó, đổ nguồn lực nghiên cứu và đặt mục tiêu hoàn thành trong thập kỷ này. Bai Chunli, Chủ tịch Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), khẳng định Trung Quốc tự chủ về công nghệ để tránh bị Mỹ "bóp nghẹt" như thời gian qua.

Những năm gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhiều lần kêu gọi tăng cường khả năng tự chủ các công nghệ cốt lõi. "Trong bối cảnh ảnh cạnh tranh quốc tế gay gắt, chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi, chúng ta phải tìm ra cách riêng của mình để nâng cấp, đổi mới và tạo ra nhiều đột phá ngay từ đầu", ông Tập phát biểu tại một diễn đàn khoa học hồi tháng 9, theo Tân Hoa xã.

Trung Quốc được đánh giá là có mức chi tiêu cho R&D không thua kém Mỹ, cũng như hưởng lợi từ lao động giá rẻ, có kế hoạch dài hạn, chính phủ ủng hộ... Theo thống kê do chính phủ Trung Quốc công bố tháng trước, chi tiêu cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Trung Quốc đã đạt kỷ lục 2.200 tỷ nhân dân tệ (324 tỷ USD) vào năm ngoái, chiếm 2,23% GDP quốc gia.

Robot là một trong những lĩnh vực được Trung Quốc đẩy mạnh. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Nhà Trắng hồi tháng 8 đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào AI và khoa học lượng tử. Tháng 5, một số nhà lập pháp đã đề xuất chi khoản tiền trị giá 100 tỷ USD nhằm "tăng cường sự lãnh đạo về công nghệ của Mỹ và chống lại Trung Quốc". Một báo cáo do cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cũng đánh giá, mặc dù Mỹ đang dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến nhất, Trung Quốc và Nga đang đạt được những tiến bộ nhất định và có thể đe dọa vị thế của nước này trong tương lai.

Theo dữ liệu do Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ công bố, Mỹ đã chi 580 tỷ USD cho R&D vào năm 2018, chiếm 2,8% GDP hàng năm, cao hơn một chút so với tỷ lệ 2,1% của Trung Quốc trong cùng kỳ. Vào năm 2000, Mỹ đã chi 2,6% GDP cho R&D, trong khi Trung Quốc mới chỉ 0,9%. Đầu năm nay, Trung Quốc cũng đã công bố giải ngân khoản đầu tư 1.400 tỷ USD cho phát triển từ 5G, AI và xe tự lái. Điều này cho thấy Bắc Kinh đang ngày một chú trọng đầu tư công nghệ.

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ, Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện các kế hoạch, như "Made in China 2025" và "Nghìn nhân tài" - chính sách thu hút những bộ não Trung Quốc giỏi trên toàn thế giới về phục vụ quốc gia.

Giới phân tích chỉ ra rằng động thái của Mỹ trong việc hạn chế thị thực đối với người Trung Quốc gần đây, đặc biệt là các tài năng khoa học hàng đầu, có thể là yếu tố có lợi cho Bắc Kinh. "Hành động này sẽ thúc đẩy các tài năng khoa học hàng đầu quay trở lại Trung Quốc", Zachary Arnold, nhà nghiên cứu của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (CSET), nhận xét.

Tuy vậy, theo Cao Cong, chuyên gia kinh tế của Đại học Nottingham (chi nhánh ở Ningbo, Trung Quốc), việc tự chủ công nghệ có thể khiến Bắc Kinh phải tách rời với xu hướng toàn cầu hóa, cũng như phải tự phát triển. Thực tế, Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài về chip, hệ điều hành và thiết bị phòng thí nghiệm tiên tiến, do đó, không thể tự chủ một sớm một chiều.

Tarun Chhabra, một thành viên cấp cao của CSET, đánh giá, nếu Mỹ và các đồng minh kiểm soát chặt chẽ các công nghệ cốt lõi, đồng thời tiếp tục đầu tư bằng các kế hoạch dài hạn, tác động của nó với tham vọng khoa học và công nghệ của Trung Quốc có thể ảnh hưởng rất lớn.

Nguồn VNE (theo SCMP)

Tin cùng chuyên mục