Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Truyền thông Trung Quốc ca ngợi hết lời quyết tâm của chính phủ khi phong tỏa Vũ Hán để ngăn Covid-19, nhưng không đả động gì về nguồn gốc nCoV.
Khi các Mỹ và một số đồng minh châu Âu chỉ trích Trung Quốc ngày càng gay gắt về cách ứng phó ban đầu với Covid-19, Bắc Kinh cũng đang đáp trả bằng cách huy động bộ máy truyền thông toàn cầu của mình để kể lại theo cách của họ câu chuyện về đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 317.000 người trên khắp thế giới.
Trong nỗ lực này, Trung Quốc đang tìm cách truyền đi ba thông điệp chính về đại dịch, theo Rod Wye, phó giáo sư tại Viện nghiên cứu Chatham House ở London và từng là người đứng đầu cơ quan nghiên cứu châu Á tại Bộ Ngoại giao Anh.
Đầu tiên, Bắc Kinh muốn cho thế giới thấy rằng họ đã kiểm soát đại dịch thành công và không ngừng đưa thông tin về các đợt viện trợ vật tư y tế, y bác sĩ tới hỗ trợ các nước khắp thế giới. Hãng thông tấn Xinhua thường xuyên đăng bản tin về những chuyến hàng chở khẩu trang, kit xét nghiệm tới các nước châu Phi hay những đội chuyên gia y tế tới hỗ trợ châu Âu chống dịch, kèm theo đó là những phát biểu biết ơn của đại diện các quốc gia này.
Thứ hai, truyền thông Trung Quốc muốn tìm cách "che giấu" nguồn gốc nCoV. Những câu chuyện được đăng trên báo chí Trung Quốc hay mạng xã hội đều bắt đầu với lệnh phong tỏa Vũ Hán và hành động quyết liệt của chính phủ nhằm kiềm chế dịch. Tuy nhiên, họ không đề cập gì đến những chuyện đã xảy ra trước đó.
"Họ hoàn toàn không đả động gì đến nguồn gốc của nCoV, bởi điều đó sẽ phơi bày những điểm yếu thực sự về những việc họ đã làm", Wye nói.
Thứ ba, Wye cho rằng giới chức Trung Quốc đang tìm cách "gieo hoang mang" về cách ứng phó dịch của các nước khác. Đó là một phần của nỗ lực "làm xói mòn uy tín của những nước đang chỉ trích Trung Quốc và tăng tính thuyết phục cho câu chuyện của Bắc Kinh".
Chủ tịch Trung Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong chuyến thăm Vũ Hán hồi tháng 3. Ảnh: Xinhua.
Theo chuyên gia này, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất lan truyền thông tin mâu thuẫn và gây nhầm lẫn về nCoV. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng đưa ra những tuyên bố không có cơ sở khoa học, những giả thuyết về nguồn gốc nCoV chưa được kiểm chứng và mâu thuẫn với các thống đốc bang về năng lực xét nghiệm.
Nhưng những động thái "viết lại câu chuyện Covid-19" của Trung Quốc dường như nằm trong nỗ lực to lớn hơn trong vài năm gần đây nhằm truyền bá một cách quyết liệt hơn thông điệp của Bắc Kinh ra nước ngoài, từ những kênh truyền thống như truyền hình cho tới việc sử dụng các tài khoản mạng xã hội, thậm chí với cả những nền tảng bị cấm ở Trung Quốc như Facebook, Twitter.
Nỗ lực này càng được tăng cường trong cuộc đấu khẩu giữa Trung Quốc và một số quốc gia phương Tây về nCoV.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc đáng lẽ phải làm nhiều hơn để ngăn đại dịch và cho rằng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán dù không cung cấp bằng chứng. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 14/5, Trump đe dọa cắt quan hệ với Bắc Kinh vì thất vọng về cách phản ứng với Covid-19. Thủ tướng Australia Scott Morrison trước đó kêu gọi "cuộc điều tra độc lập về cách đại dịch xảy ra rút ra bài học và ngăn chặn kịch bản lặp lại".
Lập tức, giới chức Trung Quốc phản ứng bằng cách đăng đàn chỉ trích "những lời dối trá" được thêu dệt bởi các chính trị gia và truyền thông Mỹ nhằm đánh lạc hướng dư luận về những phản ứng thiếu sót của Washington với đại dịch. Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Global Times, thậm chí còn ví Australia là "bã kẹo cao su dính dưới đế giày Trung Quốc".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 9/5 đăng tuyên bố 30 trang với 11.000 từ trên website để phản bác "24 cáo buộc phi lý" về Covid-19 do các chính trị gia Mỹ đưa ra, đồng thời khẳng định "Bắc Kinh hoàn toàn công khai và minh bạch về thông tin".
"Một số chính trị gia, học giả và cơ quan truyền thông Mỹ thù địch với Trung Quốc đã liên tục nói xấu và tấn công đất nước chúng tôi. Trung Quốc chỉ là nạn nhân của những thông tin sai lệch", cơ quan này khẳng định.
Một trong những cách truyền bá thông điệp của Trung Quốc là thông qua những phương tiện truyền thông nhà nước có sử dụng tiếng nước ngoài, như tờ báo China Daily hay Global Times, cùng các mạng lưới truyền hình như đài CGTN.
Mạng lưới này có nhân viên ở hơn 70 quốc gia trên thế giới và năm 2019 còn mở văn phòng gần 3.000 m2 ở London, Anh, với nhân viên vừa là người bản địa vừa là người Trung Quốc. Giống nhiều cơ quan truyền thông nhà nước khác, CGTN phát những bản tin về đại dịch, cùng với những nội dung mà thậm chí chính nhân viên ở đây gọi là "tuyên truyền thuần túy".
Một cựu nhân viên giấu tên của CGTN cho biết dù thông thường họ có thể tự do đưa tin về một số chủ đề, một số đề tài khác sẽ bị hạn chế. Cựu nhân viên này kể rằng đôi khi những cuộc tranh luận giữa nhân viên phương Tây với sếp người Trung Quốc nổ ra về một số vấn đề như Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ.
"Quan điểm của họ về Covid-19 là Trung Quốc công khai và minh bạch, chẳng khác gì những lời lẽ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson từng đưa ra", một nhân viên giấu tên của CGTN nói. "Tất cả đều nhảm nhí, họ đã để lỡ tháng đầu tiên phản ứng với dịch. Dĩ nhiên, Trung Quốc có khả năng che giấu sai sót và dần tung ra những thông tin mới, nhưng họ tiến hành quá vụng về tới mức làm điều đó thật tệ hại".
CGTN không bình luận về thông tin này.
Thông tin được đăng trên truyền thông Trung Quốc là phản ứng thành công của họ với Covid-19 và những khoản viện trợ gửi đi khắp thế giới, cùng tin tức về số ca nhiễm mới cùng phương pháp điều trị vừa được thử nghiệm. Bất cứ bản tin nào được coi là đề cập đến thất bại của Trung Quốc đều tập trung vào những chỉ trích đến từ các quốc gia khác và cách giới chức nước này bác bỏ điều đó.
"Điều họ muốn làm không chỉ là mang tới câu chuyện tích cực về Trung Quốc mà còn làm giảm độ tin cậy của những bản tin ít mang tính ca ngợi về những gì đang xảy ra ở quốc gia này", Wye nói.
Ngoài phương tiện truyền thông nhà nước, mạng xã hội cũng được xem là kênh thông tin giúp Trung Quốc truyền bá những thông điệp của họ trong nhiều tuần qua. Những thông điệp hoài nghi về nguồn gốc của nCoV, thậm chí cho rằng virus do Mỹ tạo ra, đã được một số quan chức Trung Quốc đăng lên mạng xã hội và sau đó được truyền thông nhà nước nhắc lại.
Một bài đăng Twitter của đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Phi đã bày tỏ nghi ngờ với quan điểm cho rằng virus bắt nguồn từ quốc gia châu Á này.
Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã trở thành gương mặt nổi tiếng về những bình luận quyết liệt trên Twitter. Trong bài đăng hồi tháng 3, ông cho rằng một binh sĩ Mỹ đã mang nCoV tới Vũ Hán khi đến đây dự Thế vận hội Quân sự cuối năm 2019, thuyết âm mưu khiến ông này trở thành mục tiêu công kích trên mạng.
Bài đăng của Triệu Lập Kiên khiến Bộ Ngoại giao Mỹ triệu tập đại sứ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ người phát ngôn này khi đặt câu hỏi ngược lại về việc Tổng thống Trump, Phó tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, cùng nhiều quan chức khác cáo buộc virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, dù không đưa ra bằng chứng.
Maatje Benassi, người bị giới chức Trung Quốc cáo buộc mang nCoV tới Vũ Hán, tại nhà riêng ở Virginia, Mỹ ngày 22/4. Ảnh:CNN.
Lea Gabrielle, người đứng đầu Trung tâm Hợp tác Toàn cầu (GEC) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, tuần trước nói rằng những tài khoản mạng Twitter liên quan tới chính phủ Trung Quốc đã lan truyền nhiều "mối quan ngại" về các phòng thí nghiệm an toàn sinh học do Mỹ tài trợ ở Liên Xô cũ, nhằm cố kéo sự chú ý của mọi người ra khỏi phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Trong khi đó, những tài khoản khác cố thúc đẩy "thông điệp tích cực" về cách chống dịch của Bắc Kinh để thuyết phục rằng cách xử lý khủng hoảng của Trung Quốc là "hình mẫu" cho những quốc gia khác.
Một báo cáo của Cơ quan Hành động đối ngoại châu Âu (EEAS) tháng trước công bố báo cáo cho biết Nga và Trung Quốc "tiếp tục lan truyền những câu chuyện và thông tin sai lệch ở EU và các vùng lân cận". Báo cáo này cũng tìm thấy bằng chứng các nguồn tin chính thống của Trung Quốc nỗ lực phối hợp để đánh lạc hướng chỉ trích của thế giới về cách ứng phó với đại dịch của nước này.
Đáp trả những cáo buộc, người phát ngôn Triệu Lập Kiên ngày 13/5 khẳng định "Trung Quốc luôn phản đối việc tạo ra và lan truyền thông tin sai lệch. Những cáo buộc rằng Trung Quốc lan truyền thông tin sai trên Twitter là không có cơ sở".
Chiến dịch truyền thông về Covid-19 của Trung Quốc dường như đã có những thành công nhất định. Kết quả thăm dò ở Italy được công bố tháng trước cho thấy lần đầu tiên người dân ở quốc gia châu Âu này xem Trung Quốc là đối tác quốc tế tiềm năng hơn là Mỹ.
Tuy nhiên, các tờ báo lớn của Mỹ như NYTimes đã tuyên bố sẽ ngừng đăng các bài quảng cáo do Trung Quốc trả tiền được thiết kế nhưng những bản tin. Tờ Telegraph của Anh cũng có động thái tương tự khi xóa khỏi website bài quảng cáo có tựa đề "Tại sao một số nỗ lực quả cảm của Trung Quốc để ngăn nCoV bị xem là vô nhân đạo?"
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 11/5. Ảnh:BNG Trung Quốc.
Cuộc khảo sát được trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện hồi tháng 3 và công bố kết quả tháng trước cho thấy khoảng 2/3 người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. Đây là tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận kể từ khi Pew tiến hành khảo sát về vấn đề này năm 2005. Báo cáo nội bộ của Trung Quốc cảnh báo nước này phải đối mặt với làn sóng thù địch ngày càng tăng sau khi Covid-19 bùng phát, theo Reuters.
Bill Bishop, luận viên của tạp chí Sinocism và là nhà quan sát lâu năm về ngoại giao Trung Quốc, nhận định chiến dịch tung thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu mà đội quân ngoại giao "chiến lang" Bắc Kinh tung ra đã "chọc giận" nhiều quốc gia như Australia, Pháp và Mỹ.
"Chúng ta nên để Trung Quốc tự nói và để thực tế phơi bày về chính họ. Trung Quốc thực sự đang gậy ông đập lưng ông. Đôi khi cách tốt hơn là cứ để họ làm điều đó", Bishop nói.
Nguồn VNE