Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung Quốc tái diễn xâm phạm vùng biển Việt Nam
Thứ bảy: 09:09 ngày 17/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sau khi rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam vào ngày 7.8, tàu Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13.8 đã quay trở lại xâm phạm nghiêm trọng vùng biển Việt Nam.

Tàu hải cảnh 3901 của Trung Quốc theo sát bảo vệ tàu Hải Dương Địa chất 8 (trái) khảo sát trái phép. ẢNH: NGƯ DÂN CUNG CẤP

Tàu Hải Dương địa chất 8 lại xâm phạm vùng biển Việt Nam

Ngày 16.8, trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Theo thông tin của các cơ quan chức năng, ngày 13.8, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam”.

Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế .

Bà Hằng nhấn mạnh, đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.

Hiện nay, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Tàu Kiểm ngư Việt Nam (phải) thực hiện các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán để bảo vệ vùng biển Việt Nam, không cho tàu Hải Dương Địa chất 8 hoạt động trái phép. Tuy nhiên, tàu hải cảnh 3501 của Trung Quốc (trái) chạy tốc độ cao, ngăn cản không cho tàu Kiểm ngư Việt Nam làm nhiệm vụ. Ảnh: ngư dân cung cấp

Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.

Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.

Hành động nguy hiểm

Phân tích với Thanh Niên về thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, GS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, đánh giá: Trung Quốc muốn giành giật chủ quyền, chiếm giữ không gian này vì 2 nguyên nhân: Biển Đông là nguồn tài nguyên hết sức phong phú, cả về nguồn lợi hải sản và khoáng sản.

“Hiện 60% dầu mỏ của Trung Quốc là nhập khẩu, và đến 2030 họ sẽ nhập khẩu đến 2/3 lượng dầu tiêu thụ trong nước. Các chuyên gia Trung Quốc đã dự báo từ lâu và ngày càng thấy rõ cơn khát khó thỏa mãn này”, GS Nguyễn Bá Diến nói.

Thứ hai, Biển Đông vốn được đánh giá là con đường hàng hải lớn nhất nhì thế giới, sau Địa Trung Hải, nhưng bây giờ phải khẳng định Biển Đông chính là con đường hàng hải số 1 của thế giới với 40% lượng hàng hóa đi qua. Đấy còn là tuyến đường hàng hải cho các hạm tàu quân sự.

Về pháp lý, hành động lần này của Trung Quốc là phớt lờ luật pháp quốc tế, giẫm đạp lên những quy định của luật pháp quốc tế, tự định ra luật riêng.

Trước đây, Trung Quốc chỉ tuyên bố 3 không: “không chấp nhận thẩm quyền của tòa, không tham gia vụ kiện, không chấp nhận phán quyết”, nhưng hiện đã có những hành động trên thực địa.

“Một nước tuyên bố muốn thành điển hình của thế giới, thay Mỹ dẫn dắt thế giới, là Ủy viên thường trực HĐBA LHQ... mà đi theo một con đường phi pháp, phi văn hóa như vậy, thì sẽ dẫn dắt thế giới này đi theo luật rừng ư? Một xã hội vô luật thì sẽ đi đến đâu, quay trở lại thời kỳ cá lớn nuốt cá bé? Sẽ không có ai tâm phục, khẩu phục.

Đây là vô luật, là cảnh báo cho nhân loại, cho các quốc gia láng giềng và cũng cảnh báo chính quyền Trung Quốc rằng nếu nước này muốn trở thành một quốc gia văn minh thì hãy gương mẫu hành động. Con đường Bắc Kinh đang đi là chống lại loài người, chống lại quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, dân tộc khác.

Đây cũng là cảnh báo cho nhân dân yêu chuộng hòa bình Trung Quốc, phải có tác động để cảnh tỉnh chính quyền của họ. Với kiểu hành xử như vậy, Trung Quốc đang dẫn dắt dân tộc mình đi vào ngõ cụt vì đang quay lưng với nhân loại, chống lại các quốc gia láng giềng”, GS Diến phân tích.

Bất chấp luật pháp quốc tế

Liên quan việc tàu Hải Dương Địa chất 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc ngày 13.8 đã quay trở lại xâm phạm nghiêm trọng vùng biển Việt Nam, Thanh Niên đã phỏng vấn TS Nguyễn Thành Trung (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế - ĐH KHXH-NV TP.HCM).

Ông Trung cho rằng: “Bắc Kinh tiếp tục thực hiện điều mà họ gọi là “bảo vệ lợi ích biển”, bất chấp luật pháp quốc tế và chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực này. Nói cách khác, họ muốn sử dụng sức mạnh cho đến khi hoàn thành mục tiêu”.

Ông đánh giá hành động trên của Trung Quốc hàm chứa mục đích kép: vừa muốn tiếp tục thực hiện khảo sát địa chất, tài nguyên dưới lòng biển trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, vừa muốn quấy phá, không cho công ty dầu khí quốc tế liên doanh với Việt Nam tiếp tục khai thác tài nguyên ở khu vực này. Xa hơn, Trung Quốc muốn các quốc gia khác phải thừa nhận Trung Quốc có toàn quyền ở khu vực đường lưỡi bò phi lý.

Trước thực tế trên, ông nhận định cộng đồng quốc tế cần phải mạnh mẽ hơn, có các hành động khác hơn là những tuyên bố phản đối trước đây vì Trung Quốc không có vẻ biết lắng nghe hay tuân theo luật pháp quốc tế. Chiến thuật của Trung Quốc là không gây căng thẳng đến mức phải sử dụng vũ lực mà hiện tại chỉ dùng tàu quấy phá.

Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế có thể sử dụng các biện pháp chế tài đối với tổ chức, cá nhân Trung Quốc tham gia hành động vi phạm luật quốc tế. Đây có thể là các biện pháp có thể dùng để giới hạn căng thẳng không đi xa quá mức.

Nguồn TNO

Tin cùng chuyên mục