Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Trung Quốc tiếp tục nhập khoáng sản của Triều Tiên
Thứ bảy: 16:37 ngày 29/04/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bất chấp các lệnh trừng phạt của LHQ với Triều Tiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục nhập khẩu các khoáng sản của Bình Nhưỡng trong quý 1 năm nay.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - Ảnh: Reuters

Hãng tin Yonhap ngày 29-4 dẫn nguồn tin từ đài VOA của Mỹ cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 1-3 năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng kẽm trị giá 680.000 USD và khối lượng bạc trị giá 120.000 USD từ Triều Tiên.

Thông tin được trích dẫn từ số liệu thống kê của Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc và văn phòng hải quan Trung Quốc.

Cũng trong khoảng thời gian từ tháng 1-2 năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu khối lượng đồng trị giá 100.000 USD từ Triều Tiên.

Mọi quốc gia thành viên của LHQ đều bị cấm nhập khẩu khoáng sản của Triều Tiên, bao gồm vàng, bạc, đồng và kẽm theo nội dung các nghị quyết số 2270 và 2321 của LHQ nhằm trừng phạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Để thực thi các nghị quyết này, từ 5-4 năm ngoái, Bắc Kinh đã triển khai lệnh cấm nhập khẩu với titanium, vanadi và đất hiếm của Triều Tiên. Cũng từ 24-12 năm ngoái, Trung Quốc áp lệnh cấm nhập khẩu với các loại khoáng sản kim loại khác của Triều Tiên.

Truyền thông Mỹ cũng nói hiện họ chưa thể xác nhận được việc tiếp tục nhập khẩu khoáng sản của Triều Tiên này là do sai sót trong quá trình quản lý hay là sự cố tình vi phạm của chính quyền Bắc Kinh với các nghị quyết của LHQ.

Trong một diễn biến khác liên quan, theo đài CNN, mặc dù Hội đồng bảo an LHQ đã cố gắng áp các lệnh trừng phạt với Triều Tiên trong hơn 1 thập kỷ qua, nhưng tất cả những biện pháp đó cho tới nay vẫn tỏ ra có rất ít tác dụng. Bằng chứng là các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa của Triều Tiên vẫn tiếp diễn.

Kể từ năm 2006, thời điểm Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên, cho tới nay, LHQ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên trên 5 lĩnh vực chính, cụ thể là:

1. Vũ khí

Các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu và xuất khẩu tất cả các loại vũ khí lớn nhỏ, từ các loại vũ khí nhỏ cho tới các chiến hạm.

Tuy nhiên theo một báo của LHQ tháng trước, Bình Nhưỡng vẫn lách được các án phạt này trong nhiều năm thông qua một loạt các công ty bình phong và những điều phối viên quốc tế, họ mua vũ khí bằng vàng hoặc tiền mặt.

2. Than đá, khoáng sản và nhiên liệu

Than là mặt hàng xuất khẩu chính yếu của Triều Tiên, cũng là nguồn thu ngoại tệ chính của nước này. LHQ đã cấm các nước thành viên mua than của Triều Tiên cũng như các khoáng sản khác gồm quặng thép, vàng và đất hiếm.

Hầu hết than của Triều Tiên đều xuất sang Trung Quốc, nhưng tháng 2 năm nay, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch dừng nhập khẩu than của Triều Tiên trong thời gian còn lại của năm 2017.

3. Hàng hóa xa xỉ

Các lệnh trừng phạt này nhằm ‘đánh’ vào lối sống xa hoa của giới quý tộc tại Triều Tiên. Theo đó LHQ cấm bán cho nước này những hàng hóa như du thuyền, đồ trang sức cao cấp….

4. Các dịch vụ tài chính

Trong nhiều năm qua, LHQ tìm mọi cách thức để cắt đứt nguồn tài chính cung cấp cho các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Việc cắt đứt các quan hệ giao dịch của Triều Tiên với hệ thống ngân hàng toàn cầu trở thành ưu tiên chủ đạo của LHQ. Theo đó mọi quốc gia thành viên của LHQ và mọi công ty nằm trên lãnh thổ những nước này, đều bị cấm cung cấp dịch vụ tài chính cho Triều Tiên.

Tuy nhiên báo cáo công bố tháng trước của LHQ đã trình bày những chứng cứ cho thấy Triều Tiên đang sử dụng mạng lưới các công ty bình phong để tiếp cận hệ thống các ngân hàng toàn cầu.

5. Cấm đi lại

Những đối tượng có liên quan tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên hoặc làm việc đại diện cho họ sẽ không được cấp phép nhập cảnh vào những nước thành viên của LHQ.

Các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ Triều Tiên cũng phải bị trục xuất. Các quốc gia thành viên LHQ được yêu cầu phải giảm bớt số nhân viên của họ đang được điều động trong các sứ mệnh ngoại giao tại Triều Tiên.

Tuy nhiên tác dụng của tất cả các lệnh trừng phạt này tùy thuộc vào ý chí và khả năng thực thi của các chính phủ thành viên của LHQ. Bởi lẽ LHQ không có bất cứ phương tiện độc lập nào để bắt buộc thực thi các lệnh trừng phạt đó tại mỗi nước.

Chính báo cáo của LHQ về vấn đề Triều Tiên mới đây cũng đã khẳng định “Việc thực thi (các lệnh trừng phạt) vẫn còn chưa hiệu quả và rất thiếu nhất quán”.

Chính phủ các nước như Mỹ, Nhật Bản và các nước thành viên EU cũng đã áp các biện pháp trừng phạt của họ với Triều Tiên.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục