Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 17/1, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 47 tại Davos, Thụy Sĩ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến trình toàn cầu hóa kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho tất cả các nước.
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh rằng xu thế toàn cầu hóa là không thể đảo ngược bất chấp sự phản đối dữ dội của những người theo chủ nghĩa dân túy ở phương Tây. Ông nhận định có rất nhiều vấn đề đang tồn tại trên thế giới hoàn toàn không phải do tiến trình toàn cầu hóa gây nên, cho rằng tiến trình này rõ ràng không phải là nguyên nhân dẫn tới tình trạng di cư của người Syria hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn WEF ở Davos ngày 17/1. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho rằng sự toàn cầu hóa nên "bao quát hơn và bền vững hơn", nhấn mạnh các thể chế toàn cầu đang tồn tại hiện nay là "chưa đủ mạnh" và nên tăng cường sự hiện diện hơn nữa. Ngoài ra, ông đề cao vai trò của việc theo đuổi các mô hình tăng trưởng, hợp tác, quản trị và phát triển mới ở cấp độ toàn cầu.
Nhà lãnh đạo của quốc gia đông dân nhất thế giới và cũng là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cho rằng các nước "theo đuổi chính sách bảo hộ cũng giống như việc tự cô lập". Khi đề cập tới nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại giữa các cường quốc, ông nhấn mạnh "sẽ không có nước nào chiến thắng trong cuộc chiến này".
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định nền kinh tế nước này sẽ vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng bền vững mặc dù phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Theo ông, bất chấp kinh tế toàn cầu đang đình đốn, kinh tế Trung Quốc dự báo đạt mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 - mức tăng trưởng cao nhất trong các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Diễn đàn WEF lần này thu hút sự tham gia của gần 3.000 đại biểu từ khắp các châu lục, trong đó có các đoàn đại biểu chính phủ của hơn 70 quốc gia, với sự tham gia của gần 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ, 40 người đứng đầu các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, WTO, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế…; lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, các học giả uy tín, các nhà hoạt động xã hội, đại diện các tổ chức phi chính phủ. Sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại WEF năm nay đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia đông dân nhất thế giới tham gia diễn đàn này. Nhà lãnh đạo Bắc Kinh có bài phát biểu trong ngày khai mạc hội nghị WEF, 3 ngày trước khi Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức (ngày 20 /1).
Nguồn TTXVN/ Tin Tức