Theo dõi Báo Tây Ninh trên
“Đòi hỏi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chứng minh uỷ quyền khi thu phí là không có căn cứ!” - Đó là quan điểm của ông Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm khi đáp lại thông tin về việc thu phí âm nhạc...
Ngày 7-7, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2017.
Theo báo cáo kết quả hoạt động, nửa đầu năm 2017, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN đã thu được 35 tỉ đồng phí bản quyền.
Báo cáo này cũng khẳng định Trung tâm đảm bảo hoạt động nghiêm minh, công khai, minh bạch.
Ông Phương cũng đã phản bác lại những thông tin trên báo chí thời gian vừa qua về việc thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN.
“Bên cạnh những ý kiến, quan điểm tích cực nhằm hướng đến việc tôn trọng và thực hiện đúng quy định của pháp luật, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN nhận thấy có nhiều thông tin mang chiều hướng sai lệch, gây nên sự hiểu lầm trong dư luận do cách hiểu và cách tiếp cận các quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ chưa đầy đủ và khoa học”, ông Phó Đức Phương đáp lại báo chí.
Về biểu mức thu phí âm nhạc, ông Phương nhắc lại mức phí này vừa dựa trên các quy định pháp luật và thực tế VN và mức thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc trên thế giới do Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhạc sĩ cung cấp, cùng ý kiến các nhạc sĩ, tác giả, ý kiến Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch.
Ông Phó Đức Phương nhấn mạnh, người sử dụng phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả đã được uỷ quyền. Khi nào thoả thuận đạt được thì người sử dụng mới có quyền sử dụng tác phẩm.
“Việc một số người sử dụng quyền tài sản của người khác khi chưa được phép rồi viện lý do không thoả thuận được để ngang nhiên sử dụng là không thấu tình, đạt lý, vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả”, ông Phương gay gắt.
Về các ý kiến cho rằng Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN phải chứng minh tác giả uỷ quyền mới được thu phí âm nhạc, ông Phương cũng không ngần ngại đáp lại rằng, việc chứng minh tác giả uỷ quyền chỉ được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN thực hiện đúng đối tượng và khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Người sử dụng có nghĩa vụ phải xin phép và trả tiền quyền tác giả để được sử dụng theo quy định của khoản 3, điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ.
“Như vậy, một số quan điểm trên báo chí vừa qua của một số cá nhân hoặc luật sư trong việc đòi hỏi Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN phải chứng minh uỷ quyền là chưa đúng và không có căn cứ. Việc chứng minh uỷ quyền phải được thực hiện đúng đối tượng và đúng quy định”, người đứng đầu Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN phản bác.
Ông còn nói thêm: “Giả sử ai cũng viện lý do như không thoả thuận được, hay quy định này vô lý, hay trung tâm phải chứng minh uỷ quyền... để mặc nhiên sử dụng mà không cần trả tiền để tiếp tục xài chùa một cách công nhiên, chẳng lẽ pháp luật lại cho phép?”
Tuy nhiên, trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý 2, năm 2017, Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch, bà Phạm Thị Kim Oanh, Cục phó Cục Bản quyền tác giả khẳng định, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN chỉ được thu phí âm nhạc khi có uỷ quyền.
“Theo đúng nguyên tắc là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN phải làm theo những gì đã được uỷ quyền".
"Nếu cá nhân, tổ chức nào phát hiện vi phạm có thể gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền và chúng tôi sẽ xem xét trên từng trường hợp cụ thể”.
Đó là câu trả lời của bà Oanh về việc lâu nay Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN vẫn thu phí âm nhạc theo hình thức “trọn gói” (bao gồm cả các tác giả đã uỷ quyền và chưa uỷ quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN) thì có đang làm sai luật hay không?
Nguồn TTO