Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Vào dịp này, ở các đình Hiệp Ninh (thành phố Tây Ninh), đình Phước Hội (huyện Dương Minh Châu), đình Thanh Đông (huyện Châu Thành), đình Thạnh Đức (huyện Gò Dầu)… trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ cúng cầu bông theo lịch trình “Xuân cầu thu báo” để tạ ơn thần thành hoàng, Thần Nông phù hộ cho mùa màng tươi tốt...
Múa rồng nhang. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông
Từ những ngày đầu tháng 7 âm lịch, trên khắp đường phố Tây Ninh đã rực rỡ ánh đèn, chạy dọc theo các tuyến đường là những gian hàng bán bánh trung thu và lồng đèn. Bước qua tháng 8 đã nghe được những tiếng trống lân, các bài hát trung thu… tất cả góp thêm sự năng động, vui tươi trên quê hương Tây Ninh vào dịp thu về.
Tháng 8 tính theo âm lịch cũng là một trong những tháng có nhiều lễ hội, từ những ngày đầu tháng cho đến ngày 12.8 các đoàn hát bội, ban nhạc lễ, các đoàn nghệ thuật, sân khấu tổ chức cúng tổ nghề với tấm lòng tri ân “Tổ truyền thiện nghệ thiên thu thịnh, sư giáo tài năng vạn đại xuân”. Đặc biệt, trong tháng có ngày tết Trung thu là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày rằm tháng 8, khi mặt trăng tròn, sáng và đẹp nhất.
Tết Trung thu bắt nguồn từ nghi lễ tạ ơn mùa màng sau kỳ gặt hái mùa thu. Các gia đình dùng ngũ cốc vừa thu hoạch làm bánh trung thu cúng trăng, cả nhà cùng ăn bánh, uống trà và thưởng nguyệt trong không khí đoàn viên. Đây cũng là dịp để người nông dân có một khoảng thời gian nghỉ ngơi và chuẩn bị cho mùa vụ mới, thời tiết lúc này dịu mát, mọi người thường quây quần bên nhau cùng hát hò, phá cỗ, rước đèn…
Vào dịp này, ở các đình Hiệp Ninh (thành phố Tây Ninh), đình Phước Hội (huyện Dương Minh Châu), đình Thanh Đông (huyện Châu Thành), đình Thạnh Đức (huyện Gò Dầu)… trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tổ chức lễ cúng cầu bông theo lịch trình “Xuân cầu thu báo” để tạ ơn thần thành hoàng, Thần Nông phù hộ cho mùa màng tươi tốt, làng xóm yên bình và cầu nguyện cho mùa vụ tới cũng được nhiều thuận lợi.
Thiếu nhi phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng thi làm lồng đèn.
Rằm tháng 8 cũng là ngày vía Phước Đức Chánh Thần (ông Bổn) trong truyền thống của người Hoa, vào ngày này, cộng đồng người Hoa và người Việt ở thị xã Trảng Bàng sắm sanh lễ vật đem đến hội quán Thất Phủ để dâng cúng. Ở Tây Ninh, vào dịp Trung thu còn có Hội yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài, lễ hội tổ chức tại Báo Ân từ (Toà thánh Tây Ninh) hội tụ rất đông tín đồ và khách thập phương tham dự. Cứ gần đến ngày diễn ra Hội yến, người dân Tây Ninh lại hỏi nhau “có đi xem múa rồng nhang không?”.
Trung thu mang ý nghĩa chung là dịp để các thành viên trong gia đình gác lại mọi bộn bề, lo toan của cuộc sống, sum họp quây quần bên nhau; để hàng xóm có dịp cùng ngồi lại thăm hỏi, chuyện trò bên những chiếc bánh và tách trà nóng dưới ánh trăng vàng. Nên tết Trung thu còn được gọi là tết đoàn viên.
Tết Trung thu còn là dịp để mọi người thể hiện tình cảm yêu thương, quan tâm đến nhau. Tình thương ấy còn được nhân rộng hơn với hoạt động thiện nguyện đến với những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Tấm lòng của đồng bào mình đối với nhau luôn rộng mở, bao dung và rất mực thương người. Những chiếc bánh nhỏ, cái lồng đèn xinh xắn, bài hát gần gũi kèm theo lời chúc dễ thương trao đến các em thiếu nhi đã tạo nên những câu chuyện đẹp, hoạt động ý nghĩa mỗi độ thu về.
Bước qua tháng 8 (âm lịch), hoà chung không khí cả nước mừng tết độc lập 2.9, nhiều địa phương tổ chức chương trình trung thu, tặng bánh, lồng đèn cho thiếu nhi. Trong đó, Đoàn Thanh niên với công tác thanh thiếu nhi đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi như hội thi “Khéo tay vui trung thu”, thi làm lồng đèn, làm bánh trung thu, hoá trang chị Hằng-chú Cuội, vẽ tranh chào mừng Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh lần thứ XIV… các em thiếu nhi được vui chơi với các trò dân gian như bịt mắt đập lon, ném banh, thả vòng, ghi điều ước, tạo hình bong bóng… do các anh, chị đoàn viên thiết kế. Bên cạnh đó, các em còn được xem các tiết mục văn nghệ về trung thu, múa lân, kịch chú Cuội - chị Hằng, mang đến không khí vui tươi của đêm hội trăng rằm.
Rước đèn trung thu. Ảnh: Lê Văn Hải
Nhắc đến Trung thu thì không thể thiếu bánh trung thu và lồng đèn. Vào mùa này, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo thơm lừng của các hiệu bánh nổi tiếng bày bán trên khắp tuyến đường, khu chợ và siêu thị, được nhiều người chọn mua để làm quà biếu gia đình, người thân và cho mấy đứa nhỏ. Bên cạnh đó, trong một số gia đình, các bà, các mẹ, các chị vẫn thích chính tay mình làm ra những chiếc bánh trung thu để cùng gia đình thưởng thức, vì ngoài những nguyên liệu, gia vị tạo nên một chiếc bánh ngon thì họ còn nêm thêm vào đó hương vị của yêu thương.
Lồng đèn được bày bán rất nhiều, đa dạng mẫu mã từ truyền thống đến hiện đại tạo nên sự hấp dẫn cho các em nhỏ lẫn người lớn. Chiếc lồng đèn truyền thống với khung tre, dán giấy kiếng màu như đèn ông sao, đèn con gà, con thỏ, con cá, con bướm, hoa sen, chiếc thuyền… gắn liền với tuổi thơ rất được mọi người ưa chuộng. Các gian bán lồng đèn nằm gần nhau tạo nên điểm nhấn rất đẹp ở khu chợ vào mỗi dịp Trung thu, nhiều người đến mua lồng đèn và chụp ảnh kỷ niệm.
Lễ chùa Ngày trung thu. Ảnh: Trường Nhất
Trung thu là dịp để mọi người gác lại những lo toan, bộn bề của cuộc sống mưu sinh quay về sum họp, đoàn viên bên gia đình, cùng nhau thưởng thức miếng bánh, ngắm trăng và hàn huyên tâm sự. Đến với Tây Ninh vào dịp Trung thu còn có các lễ hội dân gian và Hội yến Diêu Trì cung của đạo Cao Đài, cùng với các di tích, danh thắng ở địa phương đã góp phần phát triển du lịch và quảng bá bản sắc văn hoá mảnh đất phía Tây Nam của Tổ quốc đến với đại chúng.
Phí Thành Phát